Vàng miếng được phép nhập khẩu trở lại, nhưng với số lượng hạn chế

Vàng miếng được phép nhập khẩu trở lại, nhưng với số lượng hạn chế

Cân nhắc cho nhập vàng trở lại

Ngân hàng Nhà nước có thể chấp thuận cho 3 đơn vị nhập vàng với số lượng hạn chế, trong bối cảnh giá thế giới leo thang chóng mặt và trong nước có dấu hiệu khan hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) xác nhận thông tin này với báo chí tối 6/10.

 

"Trong trường hợp giá vàng trong nước tăng cao bất hợp lý, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu với khối lượng và thời gian phù hợp để bình ổn thị trường theo hướng giá trong nước bám sát diễn biến thế giới", ông Huy nói.

 

Ngoài mục đích hạ nhiệt phần nào cơn sốt giá trong nước, dự định cho phép nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước còn có kỳ vọng ổn định tỷ giá. Cùng với đà leo thang của giá vàng, lên sát ngưỡng 33 triệu đồng/lượng, giá USD tự do chiều 6/10 cũng lên trên 19.800 đồng, thậm chí có nơi hét tới 19.980 đồng. Trong khi đó, tỷ giá trong ngân hàng nhiều ngày nay duy trì ở mức 19.500 đồng/USD. Đây cũng là mức giá trần theo quy định hiện hành.

 

Tuy nhiên, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, trạng thái ngoại tệ trong hệ thống nhiều ngày nay đang dương với mức độ lớn và liên tục tăng, chứ không có tình trạng căng thẳng cung cầu.

Cùng với đà leo thang không mệt mỏi của thị trường quốc tế, sự chênh lệch cung cầu trong nước cũng là lý do khiến giá tăng vọt. Đến cuối chiều 6/10, giá mua bán vàng SJC dao động gần ngưỡng 33 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng so với giá thế giới quy đổi. Theo tính toán của ông Huy, nếu tính cả các chi phí nhập khẩu, giá trong nước ở một số thời điểm đã cao hơn thế giới chừng 400.000-500.000 đồng/lượng. Chuỗi tăng giá cao hơn thế giới bắt đầu từ hôm 24/9, sau một thời gian dài ở dưới giá nước ngoài.

 

"Sự không đồng nhịp giữa cung cầu đang khiến thị trường vàng bị điên loạn vì giá", ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho biết. Ông Khánh cho rằng, nguồn cung đang dần trở nên khan hiếm.

 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Sacombank-SBJ cho rằng, hoạt động mua bán vàng vẫn đang diễn ra sôi động đối với các nhà đầu tư lớn. Một số mua vào nhằm cắt lỗ khi giá vàng tăng cao, số khác đang đánh lên vì cho rằng xu hướng tăng giá của kim loại quý vẫn rất lớn.

 

Nếu chính thức chấp thuận, đây sẽ là lần thứ hai trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định "mở" quota nhập khẩu vàng, cho dù cả hai lần đều cho nhập với số lượng không lớn.

 

Lần gần đây nhất, vào đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Kinh doanh Vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhập khẩu tổng cộng 7 tấn. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng lượng nhập đó không thấm vào đâu so với nhu cầu của thị trường, trong khi vàng xuất đi khá nhiều trong năm ngoái cũng như những tháng đầu năm nay.

 

Hồi tháng 8, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng miếng trở lại để có nguyên liệu phục vụ sản xuất trang sức. Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng, chỉ riêng 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vàng nữ trang ước đạt khoảng trên 900 triệu USD, tương đương hơn 20 tấn vàng. Tính chung 9 tháng, các doanh nghiệp đã xuất 50-60 tấn vàng dưới dạng nữ trang.

 

Tháng 11 năm ngoái, giữa cơn "điên loạn" của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập khẩu vàng với số lượng không hạn chế. Ngay lập tức thị trường hạ nhiệt, giá nhanh chóng rơi từ mức trên 29 triệu đồng một lượng xuống dưới 27 triệu chỉ trong vài tiếng.