Giao dịch chứng khoán sáng 12/6: Áp lực bán gia tăng, VN-Index lùi về mốc 1.100 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 12/6: Áp lực bán gia tăng, VN-Index lùi về mốc 1.100 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng ở nhóm ngân hàng và chứng khoán đã lan rộng hơn trên thị trường khiến VN-Index nới rộng đà giảm về sát ngưỡng 1.100 điểm.

Mặc dù phiên giảm điểm bất ngờ vào ngày 8/6 đã khiến giới đầu tư có chút “chùn bước”, nhưng trạng thái bán ra quyết liệt của dòng tiền lớn đã kích hoạt tâm lý muốn bắt đáy, thị trường nhanh chóng đảo chiều hồi phục ngay trong phiên sau đó. Việc chỉ số VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.097 điểm trong phiên cuối tuần và bật tăng trở lại, cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, một phiên phục hồi trở lại sau nhịp giảm điểm trước đó, chưa thể xác nhận thị trường đã kết thúc điều chỉnh. Do đó, diễn biến thị trường rung lắc có thể còn xảy ra, tuy nhiên chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trước khi có thể xuất hiện thêm các nhịp điều chỉnh rõ nét hơn.

Theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích CTCK Smart Invest, tuần tới có khá nhiều dữ liệu vĩ mô quan trọng như lạm phát Mỹ và kỳ họp FOMC của Fed. Đây dự kiến có thể là 1 tuần biến động nếu như số liệu không được như kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán các quốc gia đều đã tăng khá tốt, bởi tất cả đều đến ngưỡng cản ngắn hạn. Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ thiên về thận trọng.

Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 12/6, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng sau những biến động bất ngờ trong những phiên cuối tuần trước khiến thị trường giao dịch khá chậm. Chỉ số VN-Index tiếp tục mở cửa tăng nhẹ rồi trở lại trạng thái giằng co trong biên độ hẹp khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm VN30 dần phân hóa và gia tăng sức ép hơn trên thị trường khi các mã ngân hàng, chứng khoán phần lớn đều đảo chiều giảm nhẹ. Chỉ số VN-Index may mắn tăng nhẹ với sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Trong khi nhóm vốn hóa lớn đang tỏ ra yếu kém, thì dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, NVL đang là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 12 triệu đơn vị và đà tăng đang có chút hạ nhiệt; tiếp theo là PDR và VCG khớp trên dưới 7 triệu đơn vị và đều đang tăng hơn 2%...

Cổ phiếu GEX vẫn duy trì sức nóng khi có thời điểm tăng hơn 3% và hiện đang tăng 1,6% với thanh khoản thuộc top 10 dẫn đầu thị trường. Các mã vừa và nhỏ khác như ASM, HQC, HAG… cũng giao dịch trong sắc xanh với khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn đã dần lan rộng hơn trên thị trường khiến VN-Index nới rộng đà giảm điểm và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp nhất.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng và 214 mã giảm, VN-Index giảm 5,77 điểm (-0,52%) xuống 1.101,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 387,52 triệu đơn vị, giá trị 7.230,52 tỷ đồng, tăng 9,69% về khối lượng và 14,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 9/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,61 triệu đơn vị, giá trị 418,86 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi để mất hơn 7 điểm với việc xác nhận 21 mã giảm và chỉ còn 9 mã tăng. Trong đó, các mã lớn như VNM, MSN, VIC, SAB đang là các má phanh với mức tăng trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL và SSI giảm mạnh nhất khi mất hơn 2%; còn lại giảm trên dưới 1%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán dẫn đầu đà giảm với sắc đỏ phủ kín. Trong đó, SSI và VND vốn hóa lớn nhất ngành đều giảm hơn 2%; các mã khác như VIX cũng giảm 2,7%, HCM giảm 2,1%, VCI giảm 2,7%, CTS giảm 3,2%, ORS giảm 1,7%...

Bên cạnh đó, nhóm trụ cột chính là bank tiếp tục giật lùi. Ngoại trừ EIB giữ được sắc xanh nhưng độ rộng thu hẹp khi chỉ còn tăng hơn 3%, còn lại đều mất điểm, như TCB, CTG, VIB, LPB, VCB đều giảm hơn 1%...

Ở nhóm bất động sản, các mã vừa và nhỏ như NVL, DIG, DXG… cũng không giữ được sắc xanh và đã quay đầu giảm điểm. Trong đó, NVL giảm 2,4% xuống mức thấp nhất phiên 14.250 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu đạt 18,73 triệu đơn vị; PDR may mắn xanh nhạt tăng 0,6%, trong khi DIG giảm sâu 4,1% với thanh khoản đều đạt hơn 11 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn ngược dòng thành công dù các mã không còn giữ được phong độ như đầu phiên. Cụ thể, VHC, ANV, IDI, CMX, FMC, ACL đều tăng quanh mức 1%.

Trên HNX, thị trường cũng tiếp nhận “tín hiệu đỏ” và đã đảo chiều giảm sâu hơn về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 85 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,43%) xuống 226,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,78 triệu đơn vị, giá trị 853,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,38 triệu đơn vị, giá trị 58,12 tỷ đồng.

Top 3 cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên HNX đều nới rộng đà giảm. Trong đó, SHS đạt 12,15 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 0,8% xuống mức 12.600 đồng/CP.

Tiếp theo là CEO khớp 4,18 triệu đơn vị, chốt phiên đảo chiều giảm khá mạnh 3,5% xuống 25.100 đồng/CP; còn PVS khớp 2,98 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,6% xuống 30.100 đồng/CP.

Ngoài SHS, các mã chứng khoán khác cũng quay đầu như MBS giảm 1,1%, APS giảm 2,7%, EVS giảm 2,1%, VIG lui về mốc tham chiếu…

Trên UPCoM, áp lực bán cũng gia tăng đẩy thị trường lui về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%) xuống 84,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,28 triệu đơn vị, giá trị 303 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,92 triệu đơn vị, giá trị 72,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ VHG là tâm điểm đáng chú ý khi ngược dòng thị trường chốt phiên tăng 8,8% lên mức 3.700 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 3,45 triệu đơn vị.

Ngoài ra, CEN tiếp tục dậy sóng khi chốt phiên tăng trần lên mức 6.700 đồng/CP và khớp 1,27 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần gần 0,13 triệu đơn vị.

Về nhóm ngành, cổ phiếu điện tỏa sức nóng với NED tăng 7,6%, QTP tăng 3%...

Tin bài liên quan