Hiện tại thị trường đón nhận làn sóng phát hành thêm một cách khá thận trọng…

Hiện tại thị trường đón nhận làn sóng phát hành thêm một cách khá thận trọng…

Làn sóng tăng vốn đẩy thị trường đến đâu?

(ĐTCK-online) Điểm nhấn trong mùa ĐHCĐ năm nay là việc hàng loạt DN niêm yết công bố kế hoạch phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Trào lưu này tương tự cách đây 3 năm, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi, các DN tăng vốn ồ ạt, thu được thặng dư lớn. Tuy nhiên không lâu sau, sự pha loãng khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng vốn, giá cổ phiếu tụt dốc. Bởi vậy, hiện tại thị trường đón nhận làn sóng phát hành thêm một cách khá thận trọng…

Công thức thành công: “2 trong 1”

Cách phát hành dễ thành công nhất hiện nay được nhiều DN áp dụng là hình thức thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu kèm với quyền mua.

Nói nôm na đây là hình thức bán hàng “bia kèm lạc”: cổ đông được nhận một ít (cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu), nhưng phải trả tiền một ít (tiền mua cổ phiếu hoặc trái phiếu phát hành thêm).

Hiện nay, khá nhiều tên tuổi lớn đang thực hiện phương pháp “bán hàng thông minh” này.

Chẳng hạn, Sacombank trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông với tỷ lệ 20:3 và phát hành cổ phiếu mới với quyền mua tỷ lệ 10:2, giá 12.000 đồng/CP. Thực chất đây là hình thức mua cổ phiếu mới có tính “bắt buộc”: đến ngày chốt quyền, giá cổ phiếu được điều chỉnh kỹ thuật giảm mạnh, nếu từ chối quyền mua, không đóng tiền, cổ đông sẽ lỗ.

Trong khi đó, NĐT hiện tại không mặn mà với việc đóng tiền mua cổ phiếu mới.

ĐHCĐ của CTCP Licogi 16 (LCG) nóng lên bởi các kiến nghị của cổ đông giảm giá chào bán xuống bằng mệnh giá. Sau rất nhiều tranh luận, đại hội mới đi đến thống nhất giảm giá chào bán từ 30.000 đồng/CP xuống 20.000 đồng/CP, thấp hơn cả giá trị sổ sách của cổ phiếu LCG.

Tương tự, tại Sacombank, giá chào bán cổ phiếu STB đã phải điều chỉnh giảm từ 15.000 đồng/CP xuống 12.000 đồng/CP. Khối CTCK tăng sức hấp dẫn của đợt chào bán bằng cách không thu về thặng dư: Kim Long chào bán cho các cổ đông theo tỷ lệ 1:1; VNDIRECT dự kiến chào bán cho các cổ đông tỷ lệ 9:8; Phố Wall dự kiến tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng…, với giá bán chỉ bằng mệnh giá.

Thực tế, vẫn có một số DN kỳ vọng thu về thặng dư lớn từ các đợt phát hành. Tuy nhiên, kế hoạch phải tạm hoãn do thị trường không “chiều lòng”.

Đơn cử như trường hợp của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII). Công ty có kế hoạch chào bán cho các cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:1, giá 30.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, với mức giá CII trên sàn giá hiện đang xoay quanh 40.000 đồng/CP, nếu thực hiện phương án, sau khi điều chỉnh kỹ thuật giá CII giảm xuống khoảng 37.500 đồng/CP. Do đó, khả năng NĐT từ bỏ quyền mua là khá cao.

“Nếu giá bán thấp hơn giá trị sổ sách thì ‘thiệt’ cho Công ty, còn nếu cứng nhắc thực hiện thì lại ‘ép’ các cổ đông. CII  đành phải chờ giá cổ phiếu phục hồi ở mức giá 5 - 6 chấm, Công ty sẽ xem xét kế hoạch này”, ông Lê Quốc Bình, Giám đốc tài chính CII tiết lộ với ĐTCK.

 

Phát hành riêng lẻ: Ưu thế thuộc về công ty lớn

Sự tăng trưởng và lớn mạnh của rất nhiều công ty niêm yết dựa vào việc phát hành thêm, hơn là sự cần mẫn tích lũy lợi nhuận hàng năm vào vốn chủ sở hữu. Với nhiều công ty lớn, làm ăn có hiệu quả, hướng phát hành riêng lẻ có lợi cả cho cả công ty lẫn cổ đông hiện hữu.

Vừa qua, Tôn Hoa Sen đã phát hành riêng lẻ thành công 12 triệu cổ phiếu cho các NĐT lớn, thu về hơn 400 tỷ đồng thặng dư - con số rất có ý nghĩa khi chi phí vốn của các DN tăng cao như trong quý I/2010.

Một số DN khác tăng nguồn vốn lưu động bằng cách chọn hướng phát hành trái phiếu chuyển đổi cho NĐT lớn: CTCK Sài Gòn công bố đã hoàn tất việc phát hành thành công 2.000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi, CTCP Vincom phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi niêm yết tại Singapore vào cuối năm ngoái…

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt, với các đợt phát hành riêng lẻ, mấu chốt là giá bán cho các NĐT lớn.

Nếu mức giá này hợp lý thì các cổ đông hiện hữu được hưởng lợi gián tiếp: thứ nhất, giá cổ phiếu trên sàn không bị điều chỉnh, gần như chắc chắn, DN sẽ thu về thặng dư, tài sản của các cổ đông hiện hữu gián tiếp tăng thêm.

Thứ hai, các NĐT lớn tham gia đợt phát hành, một số có thể trở thành đối tác chiến lược đích thực hỗ trợ công ty về tài chính, thị trường tiêu thụ sau này.

Còn theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi hiện nay được nhiều DN lớn ưa thích vì chi phí khá thấp, thậm chí với trái tức được các DN hạch toán vào chi phí nên không phải trả thuế như vốn cổ phần.

 

Vấn đề: Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận

Ông Giang nhận xét, làn sóng tăng vốn của các DN hiện nay nên nhìn cả trên góc độ DN lẫn NĐT.

Trong hai năm 2008 - 2009, TTCK Việt Nam biến động mạnh, việc các DN huy động vốn qua TTCK hoàn toàn bất khả thi.

Sang năm 2010, thị trường ổn định trở lại, đa số DN đều có nhu cầu mở rộng sản xuất khi kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, hiện nay chi phí vốn khá cao, việc các DN có như cầu huy động vốn qua TTCK là tất yếu.

Chia thưởng cổ phiếu bản chất chỉ là bút toán điều chuyển các khoản mục con trong tổng nguồn vốn của công ty. Giá trị cổ phiếu, về bản chất là không thay đổi.

Tuy nhiên, trong mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều lãnh đạo công ty niêm yết vẫn ưa thích thực hiện việc chia thưởng. Về điều này, ông Trung lý giải, có thể xuất phát từ tâm lý của ban điều hành DN muốn “bù đắp” thiệt thòi với các cổ đông trung thành sau 2 năm đầy khó khăn.

“Chia thưởng không đơn thuần là hình thức tăng vốn, đây còn được xem là cam kết của lãnh đạo công ty về lợi nhuận trên số vốn điều lệ mới. Cổ đông trung thành vẫn được hưởng lợi, nếu vốn mới nhưng DN vẫn duy trì được tỷ lệ cổ tức tiền mặt như cũ”, ông Trung nhận định.

Theo ông Giang, với làn sóng tăng vốn hiện nay, quan trọng là việc các DN sẽ sử dụng số vốn đó như thế nào. Gay nói khác, vấn đề lớn nhất là lãnh đạo DN làm gì để thu nhập trên mỗi cổ phiếu sau khi bị pha loãng lại tiếp tục tăng lên?