Ảnh minh họa: Một lớp học chứng khoán

Ảnh minh họa: Một lớp học chứng khoán

Muôn màu lớp học chứng khoán

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển mạnh, trở thành đề tài được quan tâm nhất trong xã hội, thì các lớp học chứng khoán cũng trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Có học viên đăng ký xong phải chờ 4-5 tháng mới được học. Thế nhưng không phải lúc nào học viên đến lớp cũng vì kiến thức.

Học “giả”

 

Sáu giờ chiều, lớp học chứng khoán do UBCKNN tổ chức ở đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã rất đông học viên. Họ ồn ào kiếm chỗ ngồi. Giáo viên vào lớp điểm danh và bắt đầu bài học mới. Nhưng chỉ 30 phút sau, cùng với sự rối rắm của mớ lý thuyết trên bảng, một vài người bắt đầu che miệng ngáp, hoặc quay qua nói chuyện hay cắm cúi đọc báo.

 

Cũng giống như “xóm nhà lá” ở giảng đường đại học, có thể nhận diện họ qua những dãy bàn cuối lớp. Ở vị trí này, cả nghe giảng lẫn chép bài đều khó hơn, nhưng lại có thể tự do nói chuyện, cười đùa và tự động ra về bất cứ lúc nào mình muốn. Trò chuyện với một số thành viên của “xóm nhà lá”, chúng tôi được biết họ đến đây không phải để mở mang kiến thức, mục tiêu họ nhắm đến là chứng chỉ sau khóa học.

 

Họ là những người đang làm việc trong các công ty chứng khoán (CTCK) mà chưa có chứng chỉ hoặc những người đang cần chứng chỉ để xin việc. Đầu giờ tới lớp, chờ điểm danh xong là họ xách túi ra về ngay hoặc nhờ điểm danh hộ. “Thực ra, kiến thức có được từ những buổi học này chưa đủ để lên sàn. Cứ chơi chứng khoán sẽ nắm bắt nhanh hơn. Tôi thì chỉ cần bằng thôi” - Nam Hải, nhân viên một CTCK ở Hà Nội nói.

 

Còn Mai Hiền, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân thì lại có lý do khác để thờ ơ với nội dung bài giảng. Ra trường hồi tháng 6, một CTCK quen thân với bố mẹ sẵn sàng nhận Hiền nếu như cô có các chứng chỉ về chứng khoán. “Họ bảo chẳng quan tâm mình có biết gì về chứng khoán hay không, vì đằng nào vào làm cũng phải đào tạo lại. Nhưng phải có cái chứng chỉ để hợp thức hóa” –Hiền cho hay. Những người như Nam Hải, Mai Hiền trong các lớp học chứng khoán hiện nay chiếm phần trăm đáng kể trong số người hàng đêm vẫn chen chân đi học chứng khoán.

 

Học “chui”

 

Trong khi nhiều người bỏ tiền triệu đi học để cốt có chứng chỉ thì rất nhiều sinh viên phải học “chui” để góp nhặt kiến thức. Đã mấy tháng nay, Lộc (Học viện Ngân hàng) thường bỏ các cuộc hẹn vào chiều tối để đến các lớp học chứng khoán của Học viện Ngân hàng. Lộc kể: “Vào lớp không bị điểm danh, không mất tiền nên tôi “tranh thủ” học hết mấy lớp ở đây rồi”. Tại nhiều lớp học chứng khoán, những sinh viên như Lộc đang là những người chăm chỉ lên lớp nhất. Không dư dả nên các sinh viên này phải “học chui - coi cọp”.

 

Văn Nhiên (ĐH Luật Hà Nội) học “chui” với hy vọng có thể nắm được những kiến thức cơ bản về Luật Chứng khoán. Hương Giang (ĐH Ngoại Thương) thì lại có lý do khác để tuần bỏ 3 buổi  đi chơi, cần mẫn học “chui” chứng khoán: “Mất cả kỳ học trên lớp rồi mà vẫn chưa vỡ vạc ra nhiều, nên phải đi học thêm vậy”.

 

Quả thực không khó để học “chui” ở một lớp chứng khoán. Một phần vì các lớp học ở UBCKNN, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… lúc nào cũng rất đông học viên, một phần các giảng viên có biết nhưng thương sinh viên nên cũng không khắt khe. Các buổi học thường không điểm danh, hoặc có thì mỗi học viên được phát cho một mẩu giấy để ghi tên mình vào đó. Và nghiễm nhiên những kẻ học chui trở thành cứu cánh cho những ai vắng mặt mà vẫn cần đủ số buổi lên lớp để được cấp chứng chỉ.

 

Hiệu quả?

 

Với một TTCK đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những lớp học chứng khoán mở ra là rất cần thiết. Hầu hết các trung tâm chứng khoán đều khẳng định rằng đây là những kiến thức nền quan trọng và sau khóa học, học viên hoàn toàn có thể tự tin ra sàn. Nhưng trên thực tế, điều này chưa hẳn là đúng. Anh Bình, một nhà đầu tư ở sàn Bảo Việt, cho rằng: “Không thể học theo kiểu ăn xổi như thế rồi lao ra sàn là mong hốt tiền được.

 

Chơi chứng khoán là quá trình tích lũy về mặt kiến thức và cũng cần chút năng khiếu cộng thêm may mắn”. Câu nói vui của một thầy giáo ở ĐH Kinh tế quốc dân cũng đáng để chúng ta suy nghĩ: “Nếu nghĩ rằng cứ nắm được lý thuyết có được ở những lớp học chứng khoán là có thể ra sàn hốt tiền về, thì các thầy giáo và các chuyên gia chứng khoán đã thành tỷ phú cả”.

 

Theo ông Tôn Tích Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo chứng khoán của UBCKNN, chương trình đào tạo chứng khoán hiện nay khá nặng, thời gian ít và trình độ đào tạo cũng chưa phải là cao. Nếu học viên chỉ học theo kiểu lấy chứng chỉ, hoặc học cho biết rồi “lên sàn” thì chắc chắn sẽ không đáp ứng được so với yêu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, việc nóng lên của TTCK đã đẩy căn bệnh bằng cấp vào những lớp học mà lẽ ra kiến thức và kỹ năng cần được đặt lên hàng đầu.