Phát triển công nghiệp phụ trợ: Còn chờ đơn hàng lớn...

Phát triển công nghiệp phụ trợ: Còn chờ đơn hàng lớn...

Doanh nghiệp chờ những đơn hàng lớn để thực sự nhập cuộc, nhưng ở thế khó chen chân, đơn hàng lớn lại khó đến.

Mâu thuẫn này được đề cập đến trong cuộc trao đổi giữa chúng tôi với Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long, liên quan đến hướng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Theo đánh giá của ông, hiện nay vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ của Việt Nam là gì?

 

Phải thẳng thắn nhìn nhận là công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn quá kém do các doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, đối với sản xuất phải chuyên môn hoá sâu và hợp tác rộng mới đem lại hiệu quả cao nhất.

 

Ngành cơ khí là một ví dụ. Do đặc thì riêng, hầu hết công nghệ và vật tư ngành này đều phải nhập khẩu. Vì vậy, để đáp ứng một vài đơn hàng, mỗi đơn vị lại nhập một loại máy móc, quá trình sản xuất lãng phí sẽ rất lớn.

 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư nên cũng chưa thực sự vào cuộc.

 

Do vậy, đơn vị đặt hàng và bên cung ứng rất cần phải ngồi lại với nhau để có những cam kết cụ thể về số lượng, chỉ số kỹ thuật và những vấn đề liên quan bằng các hợp đồng kinh tế.

 

Trên thực tế, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều muốn đảm bảo đầu ra ổn định và có lãi.

 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Điều này không chỉ khiến nhập siêu tăng mà còn làm giảm khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI của nền kinh tế. Ông có nhận định gì về điều này?

 

Theo kinh nghiệm, khi có được đơn hàng “tầm tầm” nếu đủ sức chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tìm mọi cách để đáp ứng cả về công nghệ, nhân lực… Tuy nhiên không có đơn hàng thì rất khó nói.

 

Do vậy, mấu chốt là phải tạo được những đơn hàng có giá trị lớn. Nhà nước cần ưu tiên cho những dự án có vốn đầu tư cao. Khi những doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư có lợi nhuận, chắc chắn doanh nghiệp nhỏ và vừa cung ứng cũng sẽ có lợi nhuận.

 

Vậy theo ông đâu là lý do khiến một số tên tuổi lớn ở như Sony, BMW hay Daihatsu không tiếp tục đầu tư sản xuất tại Việt Nam ?

 

Đó là việc riêng của các hãng. Đây có thể là “chính sách” mới của họ. Thực tế, các hãng lớn này đều có hàng trăm nhà máy ở rất nhiều các quốc gia, do vậy không phải do lỗ mà họ phải rời đi.

 

Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam phải chọn hướng đi cho riêng mình. Trên thực tế, khi đã làm việc với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp cung ứng sẽ được đảm bảo một khoản lợi nhuận nhưng rất khó có điều kiện để “mở rộng” thêm. Song cũng không nên vì lẽ đó mà chúng ta không cần giữ chân các nhà đầu tư này.

 

Như vậy, để ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chen chân vào chuỗi sản xuất toàn cầu cần phải có những yếu tố nào?

 

Trước hết, về cơ chế chính sách, nhà nước cần có những quy định cụ thể tạo thuận lợi cho nhà đầu tư là các tập đoàn lớn. Phát triển công nghiệp phụ trợ phải gắn với các tập đoàn kinh tế lớn để có đầu ra.

 

Chuyên môn hoá sâu và hợp tác rộng mới đem lại hiệu quả. Do đó, chúng ta không nên quá quan tâm tới vấn đề nội địa hoá, ngành công nghiệp sản xuất ôtô là một ví dụ.

 

Một năm Toyota Việt Nam chỉ sản xuất mấy nghìn chiếc, điều này sẽ rất khó cho việc tính thuế cũng như các vấn đề liên quan. Vì vậy, cái chúng ta cần chính là những đơn đặt hàng khối lượng lớn của các tập đoàn này để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, nên vai trò làm cầu nối của các hiệp hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, vai trò này của hiệp hội ngành hàng còn mờ nhạt. Muốn thúc đẩy nhanh phải có quy định rõ ràng vai trò của Hội và Hiệp hội.

 

Bên cạnh đó, cũng phải có cơ chế để doanh nghiệp nước ngoài công khai nhu cầu của mình. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng và đối tác.