Diễn biến bất thường của TTCK có hiệu ứng do tâm lý bất an của nhà đầu tư - Ảnh: Hoài Nam

Diễn biến bất thường của TTCK có hiệu ứng do tâm lý bất an của nhà đầu tư - Ảnh: Hoài Nam

Tạo niềm tin để khơi thông vốn ngầm

(ĐTCK-online) Để giải quyết một số vấn đề của TTCK và ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế nhắc nhiều đến lượng vốn ngầm cực lớn, cụ thể là tiền tiết kiệm trong dân dưới dạng tiền mặt, vàng, ngoại tệ chưa được khơi thông. Việc khơi thông nguồn vốn này không phụ thuộc vào biện pháp ưu đãi cụ thể như miễn giảm thuế, mà phụ thuộc vào yếu tố vô hình là niềm tin.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành phụ trách phân tích của CTCK HSC cho rằng, nguồn cung cổ phiếu lớn trên TTCK Việt Nam trong thời gian tới không phải là nỗi lo trong dài hạn, vì nếu doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì sẽ thu hút được nguồn vốn ngầm trong dân tham gia đầu tư. Lượng vốn ngầm dưới hình thức tiết kiệm và dự trữ trong dân cư ước tính tương đương 50% GDP.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đặt câu hỏi: mỗi năm tổng thu chi ngoại tệ dương 4 tỷ USD, nhưng Ngân hàng Nhà nước mất 8 tỷ USD để giữ ổn định tỷ giá, tổng cộng là 12 tỷ USD. Vậy số tiền này đi đâu? Theo ông Nghĩa, phần lớn số tiền này ra khỏi thị trường ngoại hối, nằm lại trên thị trường "chợ đen". Đây là đặc điểm của nền kinh tế trong tình trạng đô la hóa. "Để ổn định tỷ giá, không nên xem nhẹ thị trường chợ đen", ông Nghĩa lưu ý.

GS.TS Trần Ngọc Thơ (Trường đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng, ai cũng biết tiền tiết kiệm trong dân rất lớn, nhưng nếu không tạo được niềm tin thì dù có dự án lớn thì tiết tiết kiệm vẫn chỉ chuyển từ đời này sang đời khác, mà không được đem ra đầu tư phát triển kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, các diễn biến bất thường của TTCK, tiền tệ, lạm phát đều có hiệu ứng do tâm lý bất an của người dân, chứ không không phải do chính sách tiền tệ. Vì vậy, nếu các chính sách được ban hành chỉ dựa vào mô hình kinh tế lượng mà không tính đến yếu tố tạo niềm tin, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân thì nên gác lại.

Có thể nói, câu chuyện tạo niềm tin cho người dân có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm này, khi áp lực tỷ giá cuối năm khá lớn. Nếu không tạo được niềm tin, người dân sẽ chuyển sang nắm giữ, đầu cơ ngoại tệ khiến diễn biến tỷ giá trở nên phức tạp. Ngược lại, nếu có niềm tin, người dân sẽ chuyển tiền vào các kênh đầu tư, kinh doanh, sản xuất.

Việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ từ nay đến cuối năm đòi hỏi tính "nghệ thuật" của những người có thẩm quyền, tránh mệnh lệnh hành chính và "giật cục".