Thị trường tài chính 24h: Giá vàng và dầu thô tăng phi mã

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng và dầu thô tăng phi mã

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xung đột quân sự nổ ra giữa Nga và Ukraine đã khiến giới đầu tư ồ ạt bán các tài sản rủi ro và quay lại với mặt hàng trú ẩn là vàng, trong khi đó, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng do lo ngại Nga sẽ bị trừng phạt từ phương Tây, gây gián đoạn nguồn cung vốn đã bị thắt chặt từ vài tháng gần đây.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/2 tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 1,15 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 64,95 – 65,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 10,4 USD/ounce lên 1.908,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng leo cao và chạm gần 1.970 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,00 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.131 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 – 22.960 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 37.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục lùi sâu và về gần 35.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 8,07 USD (+8,76%), lên 100,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 8,91 USD (+9,20%), lên 105,75 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm mạnh

Sau khi hạn chế được đà giảm trong phiên sáng, VN-Index đã lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên chiều khi có lúc giảm 37 điểm xuống vùng 1.475 điểm khi thông tin chiến sự tại Ukraine căng hơn là cuộc điều binh của Nga vào vùng Donbass ở phía Đông Ukraine.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư cầm tiền và có “cái đầu lạnh” chỉ đợi có thế. Khi giá bán được hạ xuống thấp, dòng tiền bắt đáy đã ồ ạt được tung vào hấp thụ lượng lớn lượng cung giá thấp, giúp thanh khoản khu vực 1.475 - 1.485 tăng vọt.

Lực cầu bắt đáy không chỉ giúp thanh khoản tăng mạnh, lần đầu sau 1 tháng rưỡi vượt ngưỡng 35.000 tỷ đồng, mà còn giúp VN-Index hãm đà rơi, trở lại vùng 1.495 điểm.

Điểm tích cực vẫn ở nhóm dầu khí, với PGC và ASP tăng hết biên độ lên, PVD +6,3%, PSH +5,8%.

Còn lại đa số mất điểm, với HAG DLG, TTB, C47 cùng giảm sàn. Giảm sâu khác cũng còn khá nhiều như SHI, JVC, HBC, NT2, QBS, ITA, VPH, DAH, QCG, DIG, NBB, HQC, HAR và nhóm FLC, ROS, HAI với mức giảm từ 5% đến 6,4%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 23,1 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 233,35 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/2: VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%), xuống 1.494,85 điểm; HNX-Index giảm 7,66 điểm (-1,73%), xuống 434,88 điểm; UpCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,05%), xuống 112,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (24/2), khi diễn biến căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine ngày một xấu đi.

Tình hình xung quanh biên giới Ukraine vẫn xấu đi, sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên quân đội và khuyến cáo công dân rời khỏi Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, họ chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy người Nga lùi bước, trong khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden không có ý định cử lính Mỹ tham chiến ở Ukraine.

Đà lao dốc đã khiến Nasdaq Composite tiến gần hơn vào vùng thị trường giá xuống (bear market), khi chỉ số này đã sụt gần 19% so với mức đóng cửa cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 11/2021.

Trong khi S&P 500 vào phiên trước đó đã xác nhận đi vào vùng điều chỉnh khi chỉ số này kết thúc giảm 10% so với mức cao kỷ lục đóng cửa ngày 3/1.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones giảm 464,85 điểm (-1,38%), xuống 33.131,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 79,26 điểm (-1,84%), xuống 4.225,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 344,03 điểm (-2,57%), xuống 13.037,49 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới ồ ạt bán tháo sau khi lực lượng quân đội Nga tấn công Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,81% xuống 25.970,82 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/11/2020. Chỉ số Topix giảm 1,25% xuống 1.857,58 điểm.

Chứng khoán toàn cầu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine và Kyiv cáo buộc Moscow thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện.

Nhóm cổ phiếu lớn giảm mạnh với Fast Retailing là tác nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số Nikkei 225, giảm 3,82%, SoftBank Group giảm 6,83% và nhà sản xuất robot Fanuc's giảm 5,42%.

Ngành hàng không đánh dấu sự mất mát lớn nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, mất 5,4%.

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí tăng vọt với các công ty khai thác dầu tăng 6,77%, với Inpex tăng 7,24% và Japan Petroleum Exploration tăng 4,12%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, theo chân đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu sau khi Nga nã đạn vào Ukraine.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,7% xuống 3.429,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,03% xuống 4.529,32 điểm.

“Thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung ghi nhận những đợt giảm đáng kể trong ngày hôm nay và tình hình tồi tệ hơn ở Ukraine càng ảnh hưởng đến thị trường tài chính,” Kenny Ng, chiến lược gia chứng khoán tại China Everbright Securities International, cho biết.

Phiên này, chỉ số phụ bất động sản giảm 1,5%, trong khi tài chính giảm 2%, tiêu dùng giảm 2,7%, công nghệ giảm 2,2%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 3%, sau khi Nga tấn công Ukraine và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lớn ở Đông Âu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,21% xuống 22.901,56 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,44% xuống 8.030,90 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong một tháng, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi quân đội Nga bắn tên lửa vào một số thành phố của Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 70,73 điểm, tương đương 2,60% xuống 2.648,80 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/1.

Dẫn đầu mức giảm là các ông lớn ngành chip với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 2,05% và 4,67%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 5,77%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ ổn định lãi suất nhưng nâng đáng kể dự báo lạm phát và báo hiệu rằng họ có thể cần tăng tốc độ thắt chặt nhanh hơn nếu áp lực giá tăng lên do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 478,78 điểm (-1,81%), xuống 25.970,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 59,19 điểm (-1,70%), xuống 3.429,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 758,72 điểm (-3,21%), xuống 22.910,56 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 70,73 điểm (-2,60%), xuống 2.648,80 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vận động ngắn hạn của tỷ giá gặp thách thức

Những biến động và sự phân hóa về các chỉ số kinh tế vĩ mô, cũng như chính sách tiền tệ của hai đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc, khiến rủi ro biến động tỷ giá dần rõ nét..>> Chi tiết

- Đo lường tác động của chiến tranh với thị trường chứng khoán

Giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng chiến tranh Nga - Ukraine, nhưng dữ liệu lịch sử lại cho thấy thị trường chứng khoán thường hồi phục sau đó..>> Chi tiết

- Iran chuyển thêm dầu tới các tàu để chuẩn bị cho thỏa thuận hạt nhân hồi sinh

Iran đang chuyển nhiều dầu hơn sang các tàu trong một động thái để tăng tốc xuất khẩu nếu các cuộc đàm phán chấm dứt việc loại trừ nước này khỏi các thị trường năng lượng toàn cầu thành công..>> Chi tiết

Tin bài liên quan