Nhiều NĐT vẫn băn khoăn về cách tính thuế TNCN từ chứng khoán (ảnh minh họa: ĐTCK).

Nhiều NĐT vẫn băn khoăn về cách tính thuế TNCN từ chứng khoán (ảnh minh họa: ĐTCK).

Thuế TNCN chứng khoán: "Kinh doanh đã khó, nộp thuế còn khó hơn"

Nhiều ngày qua, dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với vấn đề đánh thuế thu nhập từ CK đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Sau khi tìm hiểu, nhiều chuyên gia và nhóm NĐT CK phải thốt lên rằng: Kinh doanh đã khó, nộp thuế còn khó hơn.

Tính thuế và nộp thuế như thế nào?

 

Theo dự thảo thông tư thì thu nhập tính thuế từ kinh doanh CK được tính bằng cách: Giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan có chứng từ hợp lệ. Mức thuế suất đối với loại hình thu nhập này có 2 hình thức tính thuế.

 

Đối với cá nhân đăng ký tạm nộp theo từng lần chuyển nhượng và quyết toán thuế theo năm thì áp thuế suất 20%. Đối với cá nhân không đăng ký tạm nộp thì sẽ khấu trừ ngay 0,1% trên mỗi lần chuyển nhượng.

 

Các chi phí liên quan và phải có chứng từ hợp lệ là chi phí pháp lý cho chuyển nhượng, các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách, phí lưu ký và uỷ thác, phí trả lãi vay để mua CK. Ngay trong năm 2009, cá nhân kinh doanh CK phải đăng ký ngay từ đầu năm, chậm nhất là ngày cuối cùng của quý I; người kinh doanh mới phải đăng ký chậm nhất sau 15 ngày.

 

Theo các NĐT thì đối với cách nộp thuế 0,1%/lần chuyển nhượng thì đơn giản. Nhưng nếu là NĐT chuyên nghiệp, nộp thuế theo năm thì các thủ tục được thực hiện rất phức tạp.

 

Cụ thể, NĐT phải đăng ký thuế tại chi cục thuế quận, huyện, thị xã nơi cá nhân cư trú. Ngoài ra, cuối năm họ phải kê tất cả các loại CK đã chuyển nhượng trong năm. Kèm theo là các hoá đơn, chứng từ chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng và chứng từ chứng minh số thuế đã nộp trong năm.

 

Lỗ vẫn phải nộp thuế?

 

Thoạt nghe trên thì khá dễ hiểu, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì còn rất nhiều tình huống ngoài luật và quá phức tạp. Tình huống ngoài luật đầu tiên là luật quy định mỗi cá nhân chỉ có 1 mã số thuế (MST). Vậy đối với những NĐT là cán bộ, công chức có thu nhập và có MST ở nơi khác thì liệu cơ quan thuế có cấp thêm MST?

 

Tương tự, những trường hợp này sẽ thực hiện quyết toán thuế ra sao? Đại diện một chi cục thuế khi được hỏi đã thừa nhận, đến nay cũng chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về trường hợp này. Nếu có thì chắc cũng sẽ lúng túng bởi cấp thêm MST thì không ổn, mà không cấp thì không thể quản lý nổi.

 

Anh Lê Quang Nam - một NĐT - cho biết, đã đọc nhưng không thấy quy định: Cơ quan thuế sẽ tính như thế nào đối với trường hợp mua CK từ năm 2005, nhưng đến năm 2009 mới bán. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, nhưng thời gian đầu tư trước đó thì liệu có được tính để trừ thuế? Tương tự, NĐT Trần Vinh Hà cho rằng, với quy định "cơ quan thuế ấn định thuế nếu thấy giá bán thấp hơn giá sổ sách của Cty" thì cực kỳ phi thực tế đối với thị trường OTC.

 

Cuối cùng, một vấn đề cực kỳ phức tạp mà cho đến nay cả NĐT, cơ quan thuế và nơi giao dịch băn khoăn là vấn đề liên kết để thực hiện áp thuế. Đại diện một cơ quan giao dịch cho biết, nếu theo quy định này thì nơi giao dịch tự dưng phải ôm cả đống việc. Đầu tiên là khấu trừ thuế của NĐT. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, "chúng tôi lại phải ôm thêm nghiệp vụ thuế gồm các loại giấy tờ, thủ tục phí..., vừa để chiều lòng khách hàng, vừa chấp hành nghĩa vụ với cơ quan thuế. Thêm nữa, cuối năm chúng tôi chắc chắn phải in ấn, cung cấp cả đống giấy tờ, thậm chí là phải gánh thêm trách nhiệm xác nhận giấy tờ cho NĐT để thực hiện quyết toán thuế. Với bấy nhiêu công việc và chi phí rất lớn, chúng tôi sẽ được gì?".

 

Tương tự, nhiều NĐT cho rằng, với cách bắt NĐT đăng ký giao dịch CK tại một nơi, nhưng đăng ký thuế lại ở một nơi khác là sự cát cứ, không liên thông và thiếu khoa học trong thời buổi CNTT đã sẵn sàng.