TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin

(ĐTCK) Các chuyên gia đều nói rằng, điều mà TTCK năm 2013 cần nhất không chỉ là yếu tố vĩ mô, dòng tiền, sản phẩm mới, mà là niềm tin nơi NĐT.

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 1

Diễn biến TTCK 2013 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng thận trọng, đầu tư có chừng mực

“Quan trọng là tạo môi trường đủ an tâm cho nhà đầu tư”

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 2

Chuyên gia Huy Nam

TTCK năm 2012 tuy không đến mức bi quan nhưng buồn, bởi không khí ảm đạm kéo dài. Theo tôi, nguyên nhân đến từ lực lượng phục vụ thị trường năm qua phạm nhiều khuyết điểm, đẩy TTCK vốn gặp nhiều khó khăn từ tác động vĩ mô càng thêm lao đao. Ngoài ra, năm 2012 ghi nhận nhiều trường hợp DNNY hoạt động thiếu minh bạch. Hai yếu tố này khiến nhà đầu tư giảm sút mạnh niềm tin vào thị trường.

Rất khó nói trước TTCK năm 2013 sẽ diễn biến theo hướng nào. Nhưng theo tôi, sự hấp dẫn của TTCK vẫn còn. TTCK sẽ lấy được niềm tin của nhà đầu tư nếu môi trường đầu tư được cải thiện, lực lượng phục vụ thị trường hoạt động nghiêm túc và các DNNY ý thức minh bạch hơn. Khi đó, nhà đầu tư mới an tâm tham gia vào thị trường.

Dù trong năm 2013, TTCK hứa hẹn đón nhận thêm những sản phẩm công cụ mới, nhưng tôi cho rằng, diễn biến thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng thận trọng, đầu tư có chừng mực và nhà đầu tư sẽ chờ, quan sát nhiều hơn. Chừng nào các yếu tố cơ bản từ bối cảnh, môi trường, khâu phục vụ... đều tốt, khi đó, niềm tin mới trở lại và TTCK mới mong sớm phục hồi, phát triển ổn định, thu hút được dòng tiền lớn.

 

“Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố quyết định”

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 3

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở TP.  HCM

Tổng kết năm qua, TTCK buồn nhiều hơn vui. Dù chỉ số vẫn tăng điểm nhưng thanh khoản giảm mạnh. Đặc biệt, năm qua ghi nhận những trường hợp vi phạm, thu hẹp hoạt động ở các CTCK, DNNY sa sút trong kinh doanh.

Nếu như năm 2008 - 2009, các DNNY gặp quả đắng từ đầu tư tài chính thì giai đoạn 2011 - 2012, DNNY chịu ảnh hưởng nặng từ đầu tư vào bất động sản. Điều này đặt ra vấn đề về hoạt động cốt lõi của DN. Có bao nhiêu DN chỉ ưu tiên lĩnh vực chính và đủ sức canh trạnh với các đối tác ngoại? Hỏi vậy để thấy rằng, chất lượng hàng hóa trên TTCK có nhiều điểm cần xem xét.

Tôi cho rằng, cải thiện chất lượng hàng hóa không chỉ nằm ở nâng điều kiện niêm yết. Quan trọng là làm sao để hoạt động trong DN được hiệu quả, ổn định, bền vững. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo của DNNY phải có cách quản trị, điều hành bài bản, có tầm nhìn dài hạn và ưu tiên cho ngành nghề chính. Ngoài ra, hoạt động giám sát - quản lý cần tăng cường hơn để xử lý kịp thời, bao quát. Nếu không, chúng ta sẽ lại thấy TTCK liên tục biến động và bất ổn như thời gian qua.

“Có niềm tin, nhà đầu tư mới đầu tư, người tiêu dùng mới tiêu dùng”

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 4

Ông Lê Đức Thúy, Nguyên Thống đốc NHNN

Năm 2012 đi qua, với bối cảnh kinh tế quốc tế chưa phải là tốt đẹp. Bước sang năm 2013, có những dự báo tương đối mâu thuẫn, nhưng theo tôi, thế giới mất 4 - 5 năm nữa mới trở lại thời kỳ trước năm 2008. Nợ công khu vực châu Âu có những tín hiệu cho thấy tình hình có thể khả quan hơn, nhưng “vách đá tài chính” Mỹ khiến người ta lại một lần nữa chùn lại. Vì thế, Việt Nam cũng không thể nào có được những chuyển biến tốt đẹp nhanh chóng. Suốt cả năm qua, tỷ giá dường như không thay đối, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ phần nào. Chính nhờ những nỗ lực đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5%. Nhưng xét về vĩ mô, Việt Nam không phải là nước duy nhất bị tăng trưởng chậm lại, vì năm qua, Ấn Độ cũng có mức tăng trưởng khoảng 4,4%, Brazil 1%. Do đó, chúng ta cũng không quá lo ngại để có những cái nhìn tiêu cực đối với năm 2013. Vấn đề của Việt Nam là những vấn đề cốt lõi chưa được tập trung xử lý quyết liệt, trong đó có vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. Nợ xấu đang cản dòng chảy tín dụng và nếu không có sự can thiệp của Chính phủ thì không thể giải quyết được. Trong khi đó, những sản phẩm hiện tại chưa có khả năng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu cũng như khó khăn của nền kinh tế.

Vì vậy, năm 2013 còn rất nhiều khó khăn và còn phải nỗ lực rất nhiều. Cái chính hiện nay là chúng ta đang mất lòng tin, tình hình có thể không quá khó, nhưng lòng tin không có nên chẳng ai mạnh dạn đầu tư, làm ăn. Người tiêu dùng không dám tiêu dùng, thủ thân thì nền kinh tế sẽ rất khó thông. Mà kinh tế khó khăn thì TTCK cũng khó tốt lên được.

“Phải lấy lại được niềm tin đã mất”

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 5

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2013 sẽ chịu tác động bởi kinh tế thế giới chưa có nhiều sáng sủa. Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước vốn chịu nhiều tác động khách quan từ kinh tế thế giới sẽ khó hy vọng sớm thoát khỏi khó khăn. Các giải pháp mà Việt Nam đưa ra trên thực tế mới chỉ dừng ở bàn thảo chứ chưa triển khai bao nhiêu.

Với TTCK Việt Nam , tôi nhận định năm 2013 sẽ chưa thể khá hơn, vì sự sụt giảm của TTCK thời gian qua là sự sụt giảm niềm tin. Muốn TTCK khởi sắc trở lại, quan trọng là phải lấy lại niềm tin đã mất. Đây là việc khó, đòi hỏi mọi thành phần tham gia trên TTCK phải cùng quyết tâm. Chúng ta đã thấy phía cơ quan Nhà nước đã có những giải pháp mạnh hơn trong quản lý và nghĩ ra những sản phẩm mới như một cách tạo thêm cơ hội cho thị trường. Điều này là tín hiệu vui nhưng chưa đủ.

Điều quan trọng của vai trò quản lý là giám sát, là bao quát, là xử lý nhanh, kịp thời các vấn đề nảy sinh trên thị trường. Cùng đó, từ CTCK, công ty quản lý quỹ đến DNNY… cũng phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc tạo dựng một TTCK lành mạnh, minh bạch.

TTCK Việt Nam thực tế đang bị cạnh tranh rất quyết liệt từ những TTCK trong khu vực. Điều này cũng thách thức dòng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán Việt Nam năm 2013. 

 

“Nhà đầu tư có thể lạc quan”

TTCK năm 2013: Cần nhất là lấy lại niềm tin ảnh 6

Bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCK Maritimebank

Kịch bản dễ xảy ra nhất với TTCK năm 2013 là thị trường đi vào ổn định và có những bước tăng dần đều trong tâm lý chờ đợi các chính sách hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng. Tôi tin TTCK năm 2013 sẽ khởi sắc hơn, với thanh khoản được cải thiện.

TTCK đang kỳ vọng khá nhiều vào các các tín hiệu, chính sách từ Chính phủ nhằm giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, như việc giảm tiếp lãi suất cũng như việc xử lý nợ xấu, tìm lối thoát cho thị trường bất đống sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tỉnh táo, bởi các chính sách này khó mang lại hiệu quả tức thì. Các giải pháp mang lại sẽ phát huy tác dụng dần dần và thị trường bất động sản có thể tiếp tục khó khăn trong khoảng 6 tháng đầu năm 2013 và từ cuối 2013, đầu 2014 mới có sự cải thiện.

Nhà đầu tư nên quan tâm đến những DN tốt mà cổ phiếu bị bán tháo, định giá thấp bởi thị trường bởi sau khi thoát khỏi khó khăn thì những cổ phiếu của DN tốt sẽ tìm lại giá trị thật. Thứ hai là nên chú ý đến dòng tiền tham gia vào thị trường. Theo thống kê thì mỗi năm, bất kể tốt hay xấu, TTCK vẫn có ít nhất 2 con sóng để nhà đầu tư có thể tham gia và chỉ cần kiên nhẫn và giải ngân đúng 1 - 2 đợt sóng trong năm là cũng có những thành quả tốt. Trong một thị trường khó khăn thì cổ phiếu của các DN tốt mới bị định giá rẻ như vậy và đó là cơ hội hiếm có với những nhà đầu tư biết chớp lấy thời cơ trong năm 2013.