Hình thức đầu tư nhỏ và không có tổ chức của các nhà đầu tư OTC không còn phù hợp.

Hình thức đầu tư nhỏ và không có tổ chức của các nhà đầu tư OTC không còn phù hợp.

Xu hướng thành lập công ty đầu tư cổ phiếu

(ĐTCK – online) Nếu như cùng thời điểm này năm 2005, Sài Gòn Đầu tư tài chính được biết đến như là một hiện tượng khi làm mưa, làm gió trên thị trường OTC và trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank. Doanh nghiệp này được thành lập trên cơ sở vốn góp của Nguyễn Kim (hệ thống bán đồ điện máy tại TP.HCM) và một số doanh nghiệp chuyên đầu tư vào cổ phiếu, trọng tâm là cổ phiếu OTC.

Kể từ đầu năm 2006 đến nay, các tổ chức có hoạt động liên quan đến TTCK như CTCK, ngân hàng, công ty tài chính, công ty niêm yết... ngày càng bỏ nhiều tiền hơn vào thị trường OTC và thu lợi lớn. Trong khi đó, hình thức đầu tư nhỏ và không tổ chức của các nhà đầu tư OTC không còn phù hợp. Nhiều doanh nghiệp được lập ra với hoạt động đầu tư tài chính, trong đó đặt trọng tâm vào thị trường OTC như IPA, APECI, Vietstock, DPN, FW và gần đây nhất là CTCP Đầu tư Thượng Hạng vừa ra mắt ngày 10/5 vừa qua là sự khẳng định rõ ràng hơn cho xu hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư trên thị trường OTC. Đặc thù chung của các công ty này là thành viên sáng lập chủ yếu là những nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm và tham gia khá sâu vào thị trường OTC.

Nhận định về xu hướng này, lãnh đạo các CTCK cho rằng, xu hướng trên có ý nghĩa tích cực với thị trường OTC, tránh hiện tượng đầu tư theo cảm tính, hạn chế rủi ro trong giao dịch và quan trọng nhất là cải thiện tính thanh khoản kém, một trong những vấn đề lớn nhất của thị trường này hiện nay.

 

Trong tuần qua, mặt bằng giá cổ phiếu OTC nhìn chung đã có nhiều dấu hiệu lạc quan với nhiều cổ phiếu bắt đầu tăng giá trở lại với lượng giao dịch ngày càng đều hơn.

 

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về nguồn vốn đầu tư, tư vấn tài chính - tiền tệ, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả mỗi bên.

 

CTCP Vincom cho biết, kế hoạch thành lập CTCK Vincom và Công ty Quản lý quỹ chứng khoán Vincom với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong tháng 6 tới, Vincom sẽ phát hành tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng (giá khởi điểm 80.000 đồng/CP) và tham gia niêm yết trong tháng 7. Vincom gần đây nổi lên như một hiện tượng của ngành bất động sản khi đặt dấu ấn với những dự án lớn tại TP.HCM và Hà Nội. Trên thị trường OTC, cổ phiếu Vincom hiện được giao dịch với giá gấp 13 - 14 lần mệnh giá, thấp hơn mức đỉnh điểm hồi 2 tháng trước (gấp 20 lần mệnh giá).

 

Đến ngày thứ Sáu tuần rồi, Đạm Phú Mỹ có nhiều lệnh mua khối lượng hơn 1 tỷ mệnh giá/lệnh (hơn 7 tỷ đồng/lệnh mua). Một bộ phận giới đầu tư OTC vẫn tin vào khả tăng giá đến mức 9 - 10 lần mệnh giá của cổ phiếu này trong khoảng từ nay đến cuối năm khi mà nhiều tổ chức trước đây đã định tham gia đấu giá ở mức này.

 

Cho dù phương án phát hành đã được công bố, cổ phiếu Eximbank đang chật vật trên đường trở lại mức 11 triệu đồng/CP (mức cao nhất hồi tháng 2 là 16,5 triệu đồng/CP). Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ vẫn khá ngại về thời gian chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng này, thường mất đến 1 - 2 tháng, mặc dù hiện đã có CTCK Rồng Việt làm dịch vụ này thay cho Eximbank. Ngân hàng Sài Gòn Công thương cũng dự kiến sẽ triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 689,255 tỷ đồng hiện nay lên 1.020 tỷ đồng ngay trong tháng này, cổ đông hiện hữu được mua theo tỷ lệ 1: 0,36 với giá bằng mệnh giá là 250.000 đồng/CP.