Ẩn số dòng tiền nóng

(ĐTCK) NĐT hãy hạn chế việc mua vào, cân nhắc bán ra chốt lời, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường; nếu ưa thích mạo hiểm và lướt sóng, nên mua cổ phiếu của công ty có nền tảng kinh doanh thật tốt hoặc cổ phiếu đang có dòng tiền lớn đổ vào. Đó là thông điệp phát đi từ nhiều CTCK trong bản báo cáo cuối tuần trước. Sự thận trọng của các CTCK dựa vào chỉ báo phân tích kỹ thuật và sức nóng của TTCK trong thời gian gần đây.

CTCK Sài Gòn (SSI) nhận xét, các cổ phiếu blue-chip đã đi vào những vùng giá cao, khiến lực mua - bán trở nên cân bằng. Đây chính là lý do khiến thị trường khó có thể tiếp tục đi lên mạnh mẽ. Với TTCK quốc tế, theo SSI, khả năng tiếp tục lên điểm là rất thấp: sau một thời gian tăng nóng bởi những kỳ vọng quá mức, đây là lúc NĐT nhìn nhận lại bức tranh thực tại. Xu hướng chung của các chỉ số chứng khoán quan trọng là bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tại Việt Nam, SSI đưa ra 2 kịch bản thị trường. Thứ nhất: sau một vài phiên điều chỉnh với sức cầu lớn, các cổ phiếu blue-chip sẽ quay đầu tăng điểm do đã tích luỹ đủ. Khi blue-chip tăng điểm, TTCK bước vào một chu kỳ tăng điểm mới. Thứ hai: các cổ phiếu có tính đầu cơ tăng điểm mạnh là sóng tăng điểm cuối cùng trước khi thị trường điều chỉnh. Thiên về kịch bản thứ hai, SSI nhận định, thị trường kết thúc giống như giai đoạn tháng 6 đến tháng 8/2008: thanh khoản duy trì tốt, có sự chuyển dịch hướng đầu tư từ blue-chip sang penny-stock. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh sẽ không quá mạnh trong ngắn hạn.

Trái lại, phiên giảm điểm cuối tuần trước được Bộ phận phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC) đón nhận khá lạc quan. "Nhìn" thị trường thuần túy qua phân tích kỹ thuật, VDSC đánh giá, sự tăng điểm trong vài tuần qua đã đẩy một số tín hiệu như Stochastic Oscillator và RSI trên đồ thị ngày của VN-Index vào trạng thái nóng. Do đó, cần một đợt điều chỉnh để thị trường trở về trạng thái cân bằng. Trên đồ thị tuần của VN-Index, các tín hiệu kỹ thuật khá tốt, do đó xu thế tăng trung hạn vẫn được duy trì. Sau mức cản trên 415 điểm thì mức cản tiếp theo của VN-Index là ở 450 điểm và 480 điểm. VDSC cho rằng, sóng tăng giá lần này của VN-Index có thể đạt đến mốc 480 điểm.

Về thời gian, sự phục hồi của TTCK Việt Nam kể từ ngày 25/2 đến nay đã tròn 3 tháng. Chứng khoán Việt Nam có mức phục hồi mạnh thứ 4 trên thế giới. Thậm chí, nếu xét trong thời gian 1 tháng, vào ngày 20/5 vừa qua, VN-Index đã vươn lên ngôi vị quán quân trước khi bị TTCK Nga qua mặt ngay vào ngày hôm sau. Tính đến ngày 25/5, VN-Index đứng hàng thứ 5 về sự phục hồi, trong khi xét trong khoảng thời gian 6 tháng, chỉ số chứng khoán Việt Nam còn chưa có tên trong danh sách (xem bảng). Về mặt số liệu, sẽ hợp lý hơn nếu so sánh VN-Index với chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi. Nhưng bảng so sánh cũng cho thấy, không có bất cứ giới hạn nào về sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán đã giảm mạnh trong năm 2008: trong vòng 3 tháng qua, TTCK Nga thậm chí đã tăng lên gần gấp đôi! Dư địa cho sự phục hồi kỹ thuật tiếp theo của VN-Index dường như vẫn chưa bị giới hạn.

Về phân tích cơ bản, chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ? Dẫn dắt thị trường hiện nay là các tổ chức đầu tư trong nước, bộ phận tự doanh của các CTCK, khối NĐT cá nhân. Hiện tại, NĐT đang giao dịch dựa trên kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận DN niêm yết từ 3 đến 6 tháng tới. Tiền trên TTCK đang được quay vòng nhanh hơn. Giao dịch của khối NĐT nội tạo ra làn sóng giá lên, giá xuống của nhiều nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn: cao su, thép, vật liệu xây dựng, bất động sản và mới đây là vận tải biển - lần lượt trỗi dậy... Tuy nhiên, đây là dòng tiền nóng, thời gian ở lại lâu dài với thị trường vẫn là ẩn số.

Về khối NĐT nước ngoài, các tổ chức đầu tư kỳ cựu trên TTCK Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital khá lặng tiếng: trong báo cáo mới nhất của Dragon Capital (ngày 22/5) và VinaCapital (ngày 12/5), tỷ lệ tiền mặt của 2 quỹ đều không mấy thay đổi so với kỳ báo cáo trước đó. Trao đổi với ĐTCK, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Saigon Asset Management Corp (SAM) cho rằng, áp lực giải ngân của một số quỹ đã đứng ngoài cuộc trong đợt tăng vừa qua là có. Có 2 ẩn số thị trường mà những NĐT tổ chức như SAM cần phải lưu tâm: tính chất phục hồi bền vững của thị trường và sự lo ngại về môi trường kinh doanh có thể thay đổi nếu lạm phát quay lại. Theo ông Loius Nguyễn, rất khó đánh giá mức độ đắt rẻ của chứng khoán hiện tại, khi các chỉ số cơ bản định giá nhanh chóng trở nên lạc hậu trước việc tăng hết biên độ của nhiều cổ phiếu mỗi ngày. Những kỳ vọng hiện tại rất cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Trước câu hỏi "VN-Index đang ở đâu?", ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận phân tích của CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, sự phục hồi hiện tại của thị trường chỉ tốt cho NĐT ngắn hạn. Chỉ số chứng khoán có thể còn tăng lên, nhưng rủi ro hiện ở mức cao do việc NĐT định giá cổ phiếu quá đắt và thực tế, thị trường đang trong trạng thái mua vào quá nhiều.