Chế tài nào buộc DN trích lập dự phòng?

(ĐTCK) Cùng với đà suy giảm mạnh của TTCK trong năm 2008, việc DN niêm yết phải trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh năm này, đang trở thành câu chuyện nóng trong dư luận. DN báo cáo lỗ đã là chuyện đáng buồn, nhưng DN báo cáo lãi cũng không làm NĐT vui, bởi lẽ khoản trích lập dự phòng trên - khoản trực tiếp làm giảm lợi nhuận của DN - thường không được minh định một cách đáng tin cậy, khiến lợi nhuận mà DN báo cáo cũng không rõ có đáng tin cậy hay không. Ai có trách nhiệm giám sát và đốc thúc DN trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính một cách chuẩn xác là câu hỏi chung của nhiều thành viên thị trường.

Tại TTCK Việt Nam, mỗi DN niêm yết đương nhiên phải chịu sự quản lý, giám sát qua 2 cấp, tạm gọi là cấp trực tiếp (Sở hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán nơi DN niêm yết cổ phiếu) và cấp gián tiếp (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Ở cấp trực tiếp, tìm hiểu của ĐTCK được biết, liên quan đến thông tin DN công bố, Sở hoặc Trung tâm chỉ có trách nhiệm truyền thông như những kênh truyền thông khác, chứ không có chức năng xét duyệt nội dung thông tin DN chuyển đến. Khi cấp này phát hiện DN không thực hiện đúng các quy định pháp lý trong công bố thông tin thì hướng xử lý chỉ là có công văn nhắc nhở DN thực hiện đúng hoặc yêu cầu giải trình, sau đó, báo cáo UBCK để xử lý. Như vậy, cấp này không phải là cấp có thẩm quyền thẩm tra và minh định những thông tin DN công bố là đúng hay chưa đúng.

Ở cấp UBCK, cơ quan này cho rằng, trong quá trình hoạt động, việc DN trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính nhằm mục tiêu đảm bảo DN có nguồn tài chính thường trực để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong trường hợp thị trường tài chính suy giảm liên tục. Cơ quan này cũng cho biết, hiện chỉ có 1 văn bản duy nhất quy định về chế độ và cách thức trích lập dự phòng của DN, đó là Thông tư số 13/2006/TT-BTC. Ngoài văn bản này, giữa năm 2008, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM có thêm công văn nhắc nhở DN niêm yết thực hiện đúng việc trích lập theo… Thông tư 13/2006/TT-BTC, chứ không có hướng dẫn gì chi tiết hơn. Tuy nhiên, nhiều điểm quy định trong Thông tư 13 lại khá chung chung, đặc biệt là không chỉ rõ cách tính giá thị trường của các cổ phiếu chưa niêm yết, khiến bản thân DN khi thực hiện trích lập dự phòng cũng gặp nhiều lúng túng. Sự không rõ ràng này cũng cho phép DN quyền được tự xác định giá thị trường của phần lớn khoản đầu tư tài chính và vì vậy, khoản trích lập dự phòng lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác, công khai tài chính của ban điều hành DN.

Trở lại câu hỏi ai có trách nhiệm thẩm tra và đốc thúc DN trích lập dự phòng chuẩn xác? Câu trả lời không thể là cổ đông (vì họ quá nhỏ lẻ và không có đủ thẩm quyền để thâm nhập cách DN lập báo cáo tài chính). Câu trả lời cũng không phải là Sở hay Trung tâm Giao dịch chứng khoán, vì 2 cơ quan này không có chức năng thẩm tra và minh định những thông tin DN công bố là đúng hay sai. Vậy cuối cùng, dư luận trông chờ vào UBCK. Tuy nhiên, trừ những trường hợp DN cố tình vi phạm (không trích hoặc trích quá ít so với khoản dự phòng đáng ra phải trích), thì UBCK cũng sẽ rất khó bắt lỗi DN, nếu chỉ căn cứ theo Thông tư 13/2006/TT-BTC do tính chung chung của văn bản này. Xin nhắc lại rằng, hiện quy định pháp lý về vấn đề này chỉ có Thông tư 13 được ban hành từ năm 2006.

Chưa hết, chế tài xử phạt cho các DN bị bắt lỗi này (nếu có) theo Nghị định 36/2007/NĐ-CP cũng ở mức rất thấp, phạt hành chính dưới 50 triệu đồng. Thậm chí, nếu UBCK bắt lỗi được DN, cũng chưa chắc đã xử phạt được vì Nghị định 36 quy định DN bị xử phạt khi DN "công bố thông tin nhưng trong đó chứa đựng những thông tin sai sự thật, gây biến động giá nghiêm trọng trên thị trường". Như vậy, để phạt được DN thì còn phải cắt nghĩa cho cụm từ "gây biến động giá nghiêm trọng trên thị trường" là như thế nào?

Vậy những nhà đầu tư nhỏ bé hiện nay liệu có thể trông chờ một cơ chế giám sát chặt chẽ và một chế tài đủ mạnh buộc các DN niêm yết thực hiện nghiêm túc việc trích lập dự phòng - việc làm có ý nghĩa tương đương với việc xác thực số liệu lợi nhuận DN công bố? Câu trả lời vẫn còn ở nơi xa lắm.