Bức tranh giải quyết tranh chấp chứng khoán tại toà án đang khá mờ mịt khiến NĐT nhỏ lẻ thua thiệt (Ảnh minh họa: Internet)

Bức tranh giải quyết tranh chấp chứng khoán tại toà án đang khá mờ mịt khiến NĐT nhỏ lẻ thua thiệt (Ảnh minh họa: Internet)

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ

(ĐTCK-online) Do cơ chế giải quyết tranh chấp chứng khoán tại toà án còn mù mờ, nên khi xảy ra tranh chấp với CTCK, tổ chức phát hành, kể cả tranh chấp giữa các NĐT với nhau…, thì NĐT nhỏ lẻ trên TTCK thường rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Hệ quả là niềm tin của NĐT vào thị trường vơi đi.

 

Bài 1: Đường tới toà sao quá xa!

Vụ tranh chấp giữa nhóm NĐT gồm Đồng Thị Phương Thanh, Nguyễn Bá Phong, Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Nội) với CTCK Phố Wall (WSS) khởi phát từ năm 2009 mới đây đã có hồi kết, khi Toà kinh tế Toà án nhân dân TP. Hà Nội không đưa vụ kiện ra xét xử, do các nguyên đơn không xuất trình đủ các chứng cứ theo quy định.

Bà Thanh không giấu được sự bức xúc khi cho biết, đầu năm 2011, sau khi được Toà án thụ lý hồ sơ vụ kiện, các nguyên đơn rất mừng, nên gắng sức chạy đôn chạy đáo gom đủ hơn 100 triệu đồng tiền án phí để nộp cho Toà và yên tâm chờ nhận lịch thông báo ngày xét xử. Đùng một cái, Toà án thông báo các nguyên đơn phải bổ sung một số chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm của bị đơn. Thực tế, các chứng từ Toà yêu cầu chỉ có thể lấy được từ phía WSS, trong khi hai bên đang có tranh chấp, nên đương nhiên bị đơn không cung cấp cho NĐT.

"Rõ ràng, yêu cầu của Toà án chẳng khác nào đánh đố chúng tôi, nên sau một thời gian mòn mỏi chờ đợi, điều duy nhất NĐT nhận được là sự tuyệt vọng, bởi các nguyên đơn bị Toà gọi đến trả lại hồ sơ và án phí. Vậy là bao nhiêu công sức, tiền của thuê luật sư tư vấn… đi tong. Chúng tôi biết đến đâu để tìm công lý?", bà Thanh thất vọng nói.

Không chỉ nhóm NĐT như bà Thanh, mà với nhiều NĐT nhỏ lẻ khác, đường tới Toà án để tìm công lý sao quá xa, điều mà chính họ không thể tự lý giải được vì sao? Tháng 10/2010, 3 NĐT là Lê Thị Bích Thuỷ (Đồng Tháp), Trần Thị Thiện (Cần Thơ) và Nguyễn Thị Kim Loan (Vĩnh Long) đều mở tài khoản tại CTCK Thiên Việt (TVS) đã có đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) "tố" một môi giới của TVS có hành vi lạm dụng tài khoản của NĐT. Theo đơn tố cáo, mặc dù không được ba NĐT ủy quyền vay tiền từ TVS để mua chứng khoán và rút tiền khỏi tài khoản của NĐT, nhưng môi giới đã tự tiện thực hiện các giao dịch này, khiến NĐT bị mang nợ 3,2 tỷ đồng.

Nhóm NĐT này cho biết, dù tốn nhiều công sức tìm hướng giải quyết vụ tranh chấp qua các cơ quan chức năng, nhưng kết quả họ nhận được không như mong đợi. "Có bệnh thì vái tứ phương", mới đây nhóm NĐT này đã tìm đến Công ty Luật BASICO để nhờ tư vấn khởi kiện vụ việc ra toà. Theo vị luật sư trực tiếp tư vấn thì hồ sơ vụ việc vừa được các nguyên đơn nộp cho Toà án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội). Toà đang yêu cầu các nguyên đơn bổ sung một số thủ tục để chính thức thụ lý vụ việc. Các nguyên đơn hy vọng, vụ việc sẽ sớm được Toà án đưa ra xét xử công khai, để trắng đen được phân định.

Không chỉ những vụ việc cụ thể trên, mà kết quả điều tra mới nhất về thực trạng giải quyết tranh chấp tại Toà án giữa NĐT nhỏ lẻ với CTCK, cũng như các bên liên quan khác trên TTCK, do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) vừa công bố càng khẳng định một thực tế đáng lo ngại: NĐT nhỏ đang bị "tắc" trên đường đến Toà án tìm công lý. Theo đó, trong tổng số 203 đối tượng khảo sát là nhân viên CTCK, NĐT, nhân viên tổ chức phát hành thì 64% cho rằng, các tranh chấp trên thị trường xảy ra giữa NĐT với tổ chức phát hành, 45,3% cho rằng, tranh chấp xảy ra giữa NĐT với CTCK và công ty quản lý quỹ. Đáng chú ý, có 37,4% số người được hỏi cho rằng, hiệu quả giải quyết tranh chấp tại toà án chỉ là bình thường, 16,3% cho rằng không có kết quả.

Bức tranh giải quyết tranh chấp tại toà án rõ ràng là đang rất khá mờ mịt. Điều này không chỉ khiến NĐT nhỏ thiệt đơn thiệt kép, mà cả TTCK cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi lẽ, với đặc thù phần lớn NĐT trên thị trường là NĐT nhỏ lẻ, nên một khi niềm tin của họ vào hiệu quả xét xử của toà án không cao, thì niềm tin vào sự minh bạch, công bằng của TTCK cũng vì thế mà vơi đi.          

Bài 2: Vì sao "cửa" toà vẫn đóng?