Doanh nghiệp nên đa dạng sử dụng đồng ngoại tệ trong thanh toán.

Doanh nghiệp nên đa dạng sử dụng đồng ngoại tệ trong thanh toán.

Đa dạng ngoại tệ để giảm áp lực cung USD

(ĐTCK) Nếu nhập hàng hóa ở thị trường nào thì doanh nghiệp nên thanh toán bằng ngoại tệ của thị trường đó để giảm bớt sức ép lên tỷ giá USD

Giá USD trên thị trường tự do tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao, 18.530 đồng/USD trong ngày 27/3. Thế nhưng, do cần ngoại tệ để mở L/C, các nhà nhập khẩu buộc phải trả giá trên để đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Bởi trên thực tế hiện nay, dù đã có quan hệ tín dụng lâu năm, nhưng khi có nhu cầu về USD để thanh toán hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp vẫn phải tìm mua ngoại tệ từ bên ngoài. Ngân hàng chỉ đáp ứng được phân nửa, thậm chí là bằng không.

TIN LIÊN QUAN

* Doanh nghiệp - ngân hàng: Loay hoay "xoay" ngoại tệ

* Ngoại tệ đâu chỉ là USD!

* Đôla chợ đen vẫn hút khách

* Lần đầu xử phạt việc mua bán USD trái phép

* Phát hiện ngân hàng bán ngoại tệ vượt giá trần

Chính vì vậy, để giảm bớt áp lực khi cung USD không thể đáp ứng được cầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro biến động tỷ giá, một số ngân hàng đã tư vấn cho nhà nhập khẩu nên sử dụng đồng tiền của nước nhập khẩu để thanh toán. Chẳng hạn, nếu nhập khẩu từ Nhật Bản, doanh nghiệp có thể dùng đồng yên, còn nhập hàng từ châu Âu thì dùng Euro để thanh toán, thay vì chỉ sử dụng đồng USD.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho rằng, thực tế hiện nay, nguồn cung ngoại tệ khan hiếm, nhưng chủ yếu là thiếu USD, còn các loại ngoại tệ khác vẫn rất dồi dào. Tâm lý người dân và doanh nghiệp luôn gắn nhu cầu ngoại tệ với nhu cầu USD đã gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ. Các doanh nghiệp xuất khẩu không vội bán USD cho ngân hàng sau khi có nguồn thu.

Để giải quyết sự lệch pha trong cung - cầu ngoại tệ, ACB đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như: công khai giá bán ngoại tệ và bán đúng giá niêm yết theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; ưu đãi tối đa cho nhà xuất khẩu để thu hút nguồn ngoại tệ dồi dào hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu... Thế nhưng, cầu về ngoại tệ vẫn luôn cao hơn cung.

Do đó, ông Hải cho rằng, để tránh áp lực trong việc tìm kiếm nguồn cũng như giảm rủi ro biến động tỷ giá khi vay vốn bằng USD, doanh nghiệp nhập khẩu nên đa dạng ngoại tệ sử dụng trong thanh toán. ACB khuyến nghị, nếu nhập hàng hóa ở thị trường nào thì thanh toán bằng ngoại tệ của thị trường đó để giảm bớt sức ép lên tỷ giá USD. Như vậy, người bán hàng giảm bớt chi phí trung gian, còn nhà nhập khẩu bớt phụ thuộc vào nguồn USD đang khan hiếm.

Phó tổng giám đốc Maritime Bank, ông Nguyễn Đình Tùng cũng đưa ra nhận định, ảnh hưởng tâm lý của doanh nghiệp và kể cả người dân vẫn gây sức ép lên tỷ giá hối đoái. Vì hiện tại, lãi suất vay vốn bằng USD đã giảm khá mạnh, nhưng nhà nhập khẩu vẫn không muốn vay, trong khi phải trả một giá khá cao mới có được USD. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp lo ngại rủi ro tỷ giá. Do đó, theo ông Tùng, nhà nhập khẩu cần thiết phải đa dạng ngoại tệ thanh toán, tránh phụ thuộc vào đồng USD.

Về nguyên tắc, nhà nhập khẩu có thể vay USD, nhưng nếu doanh nghiệp không có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ ngân hàng, hoặc khi đã tìm được nguồn thì tỷ giá đã thay đổi nên rủi ro sẽ khó lường. Còn doanh nghiệp có nguồn thu USD, vay vốn bằng USD sẽ không phải chịu rủi ro về biến động tỷ giá. Vì vậy, hiện không chỉ với các nhà nhập khẩu e ngại vay USD, mà ngay cả với ngân hàng cũng thận trọng trước khi trao vốn bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp, vì lo ngại rủi ro tín dụng.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán quốc tế - tài trợ chuỗi cung ứng Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho biết, trong quá trình trao đổi với nhà nhập khẩu, HSBC Việt Nam đều tư vấn cho doanh nghiệp nên đa dạng sử dụng đồng ngoại tệ trong thanh toán để giảm bớt chi phí và tránh rủi ro biến động tỷ giá khi phải vay USD trong bối cảnh hiện nay. Song theo bà Hà, do đồng USD liên quan trực tiếp đến thanh toán quốc tế giữa các nước và đã trở nên quá quen thuộc, dễ dàng; đồng thời, việc dự đoán trạng thái của đồng USD cũng dễ hơn các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ nên doanh nghiệp vẫn có xu hướng chọn USD sử dụng trong thanh toán.