HSBC đã bỏ ra hơn 25 triệu USD để được sở hữu 10% cổ phần của Bảo Việt.

HSBC đã bỏ ra hơn 25 triệu USD để được sở hữu 10% cổ phần của Bảo Việt.

Gian nan chọn cổ đông chiến lược

(ĐTCK-online) Hơn 4.121 tỷ đồng (hơn 255 triệu USD) là số tiền mà Tập đoàn HSBC Insurance bỏ ra để được sở hữu 10% vốn điều lệ (57.302.661 cổ phần) của Tập đoàn Bảo Việt. Với cam kết này, giá mà HSBC Insurance bỏ ra mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt là 72.000 đồng/CP.

Cùng với HSBC, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) cũng đã bỏ ra 1.467 tỷ đồng (hơn 90 triệu USD) để mua 20.400.000 cổ phần, tương ứng với 3,56% vốn của Bảo Việt. Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, HSBC và Vinashin là hai đối tác xứng tầm chiến lược tại Tập đoàn.

Đằng sau những con số tài chính trên là cả một chặng đường gian nan của các bên đàm phán, vì một mặt, Bảo Việt quyết tâm chọn đối tác chiến lược theo các tiêu chí đã định sẵn, mặt khác giá cổ phiếu mà Bảo Việt được phép bán cho cổ đông chiến lược được xác định trước: không được thấp hơn giá đấu thành công bình quân (71.900 đồng/CP) trong đợt bán cổ phần ra công chúng. Cái khó hơn cả là việc đàm phán tìm đối tác chiến lược của Bảo Việt diễn ra trong giai đoạn thị trường giá xuống, suất mua cổ phiếu của Bảo Việt được chào bán khá nhiều trên thị trường tự do với mức giá thấp hơn đến  cả chục giá so với giá đấu thành công bình quân.

Tiêu chí đầu tiên để chọn cổ đông chiến lược của Bảo Việt là những cam kết hỗ trợ về kỹ thuật, dịch vụ mà các cổ đông này có thể mang lại. HSBC là Tập đoàn tài chính, bảo hiểm đứng thứ 22 trong danh sách 500 DN hàng đầu thế giới do Tạp chí Fortune 500 bình chọn. Với kinh nghiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, HSBC cam kết hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư tài chính cho Bảo Việt. Cũng theo thoả thuận giữa 2 bên, HSBC sẽ nắm giữ cổ phần của Bảo Việt ít nhất 5 năm, có quyền mua thêm 8% cổ phần của Bảo Việt từ Bộ Tài chính theo giá thị trường. Còn Vinashin - cổ đông chiến lược trong nước duy nhất của Bảo Việt, chính là một khách hàng lớn và nhiều tiềm năng trong việc hợp tác phát triển dịch vụ với Tập đoàn này.

Việc chọn được 2 đối tác chiến lược của Bảo Việt đã kết thúc giai đoạn bán cổ phần của Tập đoàn này trong quá trình chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Theo đó, Bảo Việt có vốn điều lệ là 5.730 tỷ đồng, Nhà nước nắm 77,5% vốn, còn lại là của các cổ đông trong và ngoài nước khác. So với kế hoạch vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, Bảo Việt đã không đạt được, nhưng theo ông Bình, những kế hoạch về tài chính cũng như lập các công ty con của Bảo Việt vẫn sẽ được thực hiện theo như dự tính ban đầu. Cũng theo ông Bình, Tập đoàn đặt lịch Đại hội đồng cổ đông trong tháng 10; đăng ký kinh doanh ngay sau khi Đại hội; kiểm toán báo cáo tài chính đến thời điểm 30/9/2007 và phấn đấu lên sàn vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2008. Bảo Việt cũng có định hướng niêm yết trên TTCK nước ngoài, nhưng để đến với sàn chứng khoán ngoại thì còn rất nhiều việc phải làm, với cả Bảo Việt và các cơ quan liên quan.

Trở lại với việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược của Bảo Việt. Cái khó nhất trong quá trình đàm phán là giá bán đã được ấn định trước. Mặc dù việc chọn đối tác tại Bảo Việt đến nay được coi là thành công, nhưng thực tế, quy trình chọn đối tác đã cho thấy những điểm chưa thật phù hợp. Ngay sau Bảo Việt, DNNN thứ hai trong số 22 DNNN lớn được Chính phủ chỉ định cổ phần hoá là Vietcombank sẽ bán cổ phần ra bên ngoài theo cách khác. Tại Vietcombank, việc bán cổ phần sẽ được tiến hành trước với các đối tác chiến lược, sau đó mới đến bán đấu giá ra công chúng. Như vậy, giá bán cổ phần cho đối tác chiến lược tại Vietcombank sẽ không bị gò vào một mức giá cụ thể.

Nghị định 109/2007/NĐ-CP quy định, cổ đông chiến lược được mua cổ phần của DNNN cổ phần hoá theo giá không thấp hơn giá đấu giá bình quân tại cuộc đấu giá ra công chúng. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều tổ chức đầu tư lợi dụng tư cách cổ đông chiến lược để được mua rẻ cổ phần của DNNN khi cổ phần hoá, do quy chế cũ cho phép nhà đầu tư chiến lược được mua với giá thấp hơn 20% giá trúng thầu bình quân. Tuy nhiên, mặt trái của quy định mới lại ở chỗ, các cổ đông chiến lược - những nhà đầu tư chuyên nghiệp lại phải mua với mức giá do những nhà đầu tư ít chuyên nghiệp hơn - thường là các cá nhân, trả khi đấu giá.

Với góc nhìn của một chuyên gia, ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc VFM cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu các cuộc bán cổ phần DNNN diễn ra theo 2 cấp: các nhà đầu tư chuyên nghiệp đấu giá với nhau để hình thành nên mức giá tham khảo cho cuộc đấu giá đại chúng sau đó. Hiện nay, tuy Trung tâm GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM nói rằng, đang tổ chức đấu giá theo mô hình 2 cấp, nhưng thực chất đó là mô hình đăng ký/nhận lệnh đấu giá theo 2 cấp (đăng ký/nhận lệnh tại CTCK, sau đó CTCK tập trung lại để chuyển về TTGD hoặc Sở GDCK), chứ không phải đấu giá theo mô hình 2 cấp theo đúng nghĩa.

Sau quá trình bán cổ phần của Bảo Việt, ông Bình cho biết, Tập đoàn đang xây dựng báo cáo cơ chế chuyển DNNN thành công ty cổ phần như phương pháp xác định giá trị DN, điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược, phương pháp bán cổ phần lần đầu, kể cả phương pháp bán cho nhà đầu tư chiến lược. Hy vọng, những kinh nghiệm từ việc bán cổ phần của Tập đoàn đầu tiên tại VN trong số hơn 20 DNNN lớn được Chính phủ chỉ định cổ phần hoá sẽ giúp những đơn vị đi sau suôn sẻ hơn trong chuyển đổi sở hữu.