Kiểm soát thị trường vàng: Nên hướng vào khâu phân phối

Kiểm soát thị trường vàng: Nên hướng vào khâu phân phối

(ĐTCK-online) Hiệp hội kinh doanh vàng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ các ý kiến phản ánh từ thực tế dư luận cũng như giới kinh doanh vàng, đồng thời đề xuất các giải pháp và lộ trình cụ thể, nhằm xây dựng Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết, tất cả đăng ký kinh doanh hợp pháp của DN kinh doanh vàng hiện nay đều có nội dung kinh doanh vàng miếng, nên trong các quy định về hoạt động kinh doanh vàng miếng sắp tới cần có hướng dẫn rõ ràng của các cơ quan chức năng. Thời gian qua, đã có nhiều bình luận được đưa ra, cho rằng, việc quy hoạt động kinh doanh vàng miếng về một mối sẽ ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước, người bán và người mua là một, dẫn đến yếu tố thị trường không được trọn vẹn.

Trong kiến nghị của Hiệp hội đã nêu rõ, hiện cả nước có 8 thương hiệu vàng miếng, trong đó, vàng miếng thương hiệu SJC chiếm thị phần khoảng 90%. Vàng SJC và PNJ đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn thương hiệu quốc gia. Trước đây, khi chưa có vàng miếng, người dân chỉ có thể mua vàng trang sức để cất trữ nên đã chịu nhiều thiệt thòi, bởi tuổi vàng, tức chất lượng cũng như trọng lượng không được đảm bảo. Việc xuất hiện vàng miếng ở Việt Nam là kết quả tất yếu của xu thế hội nhập và tiếp cận loại hình kinh doanh vàng vật chất tiên tiến của thế giới.

Do vậy, từ khi vàng miếng được lưu hành trên thị trường, gần như đã chấm dứt tình trạng gian lận tuổi vàng và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Thời gian qua, vàng miếng gần như chỉ là sản phẩm hàng hóa giúp người dân cất trữ, bảo toàn giá trị tài sản và không còn chức năng tiền tệ như những năm cuối của thế kỷ trước. Khác nhiều so với USD, vàng miếng không có chức năng tiền tệ mà chỉ là công cụ bảo toàn giá trị tài sản đã có mặt trong phần lớn các hộ gia đình Việt Nam nên khi thay đổi chính sách sản xuất và lưu thông vàng miếng, nếu không phù hợp sẽ tác động tiêu cực và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế xã hội của người dân.

Cũng theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, trong điều kiện lạm phát đang có xu hướng tăng cao và kéo dài thì chắc chắn người dân không thể từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng thì người dân sẽ chuyển sang mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng như con vật, tượng… như đã và đang xảy ra gần đây trên thị trường. Và thực tế cũng không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác ra các sản phẩm vàng so với chế tác vàng miếng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, gây tốn kém nhiều chi phí cho xã hội, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như tuổi vàng, dẫn đến thiệt thòi cho người dân.

Mặt khác, nếu chỉ cho phép người dân bán, nhưng không được mua vàng miếng thì kỳ vọng người dân bán vàng cho NHNN sẽ không cao. Đồng thời, nếu xử lý chính sách không đồng bộ thì đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực lạm phát. Hơn nữa, các thương hiệu vàng miếng của Việt Nam đã và đang được giao dịch tại phần lớn các quốc gia trong khu vực. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng thì sẽ làm giảm uy tín thương hiệu quốc gia về vàng miếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặt khác, trên thế giới, việc giao dịch mua bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường, không có quy định nào hạn chế hay cấm loại hình giao dịch này. Trung Quốc đang khuyến khích người dân có khả năng, điều kiện nên mua vàng miếng tích trữ.

Với vai trò đại diện cho các DN, ông Bảng cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị còn điều hành là của cơ quan nhà nước. Các kiến nghị cụ thể được tập hợp từ các DN trong lĩnh vực kinh doanh vàng đã được gửi bằng văn bản lên Chính phủ cách đây 10 ngày và Hiệp hội đang chờ ý kiến từ Chính phủ. Trên thực tế, mục tiêu và chủ trương của Nhà nước là huy động nguồn lực vàng trong dân. Để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý, trước mắt, không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng mà quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để góp phần giảm bớt cửa hàng.

Còn đối với các DN kinh doanh vàng miếng, theo Hiệp hội, phải đáp ứng những điều kiện như có giấy phép đăng ký, vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng và doanh thu trong 2 năm gần nhất là 500 tỷ đồng trở lên. Riêng đối với việc thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, điều đó sẽ tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân, qua đó, giảm tình trạng xuất, nhập lậu vàng đang diễn biến phức tạp hiện nay. Thực tế, loại hình giao dịch vàng vật chất là đi ngược với xu hướng hội nhập quốc tế, vì trên thế giới hiện nay, có tới hơn 80% giao dịch vàng là thông qua tài khoản.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc SBJ

Hiện giao dịch vàng miếng trên thị trường nói chung và SBJ nói riêng đã giảm nhiều kể từ khi có thông tin sẽ tiến tới cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Tâm lý và tinh thần của khách hàng không còn mặn mà, do đó nếu "siết" kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, khả năng giá vàng trong nước sẽ còn thấp hơn giá thế giới. Với những kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng, nếu được xem xét, sẽ có lợi cho thị trường. Riêng đối với đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, theo tôi, Sở này phải do NHNN làm chủ và đứng ra quản lý, còn nếu giao cho một số NHTM hay doanh nghiệp nào đó, sẽ khó được công bằng, vì ai cũng muốn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Tung tâm vàng ACB

Nếu tiến tới cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ khó loại trừ việc người dân chuyển qua mua nữ trang, vàng nhẫn…  Thực tế hiện nay, nhu cầu về vàng của người dân ngoài việc tích trữ còn để đảm bảo tài sản. Nhìn sang Trung Quốc, chúng ta cũng có thể thấy quốc gia này đang khuyến khích người dân mua vàng. Nếu quy việc kinh doanh vàng miếng về một mối sẽ hạn chế tính thanh khoản thị trường và thực tế diễn biến giá vàng nội địa gần đây cũng cho thấy điều đó.

Về đề nghị thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, theo tôi là hợp lý, vì khi tổ chức sàn vàng có Nhà nước làm trọng tài phân minh quan hệ giữa nhà đầu tư và đơn vị quản lý sàn thì cuối cùng phải xác định hàng hóa này là vàng thật. Nhưng quan trọng là khi nhà đầu tư cần rút vàng thật thì NHNN phải là người cung ứng cuối cùng để giải quyết vấn đề thanh khoản, tức phải mở cánh cửa xuất - nhập khẩu. Còn đối với việc đề xuất hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Hiệp hội, theo tôi có thể xem xét lại cho một số đơn vị làm, không nên cho đại trà. Đồng thời, nếu xem kinh doanh vàng là mô hình kinh doanh có điều kiện thì NHNN phải xem ai có năng lực, đầu tiên là năng lực tài chính và năng lực quản trị. Hai điều này sẽ tạo nên sân chơi và ai muốn chơi phải có tư cách, vì vàng đôi khi là hàng hóa, đôi khi là tiền tệ nên rào cản về tài chính nhiều hơn là rào cản về hành chính.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ

Chúng tôi cũng được biết, trước khi có văn bản trình Chính phủ, Hiệp hội đã ghi nhận ý kiến từ các DN kinh doanh vàng. Về vấn đề sẽ tiến tới cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, theo tôi, trong văn bản kiến nghị của Hiệp hội đã nói rõ. Thực tế, doanh số mua - bán vàng tại PNJ giảm mạnh gần đây, nhiều thời điểm giảm 50%. Trong khi đó, giá vàng trong nước đang có xu hướng giảm so với giá thế giới.

Đối với đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, theo tôi, hiện ở các nước khác trên thế giới, họ vẫn làm. Do đó, nếu có cơ chế rõ ràng, Việt Nam sẽ thực hiện được. Ví dụ, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, Sở giao dịch vàng chưa cần nhập vàng về mà cứ vay tạm của các NHTM, bán ra qua hệ thống của SJC hay PNJ nhằm can thiệp thị trường và mua lại trên tài khoản. Hiện nay, các NHTM cho vay với lãi suất rất thấp nên chưa cần nhập về vội.

Mặt khác, nếu cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ có tác động tới thị trường. Trong năm nay, khả năng giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (tình trạng này đang diễn ra) và người dân sẽ đem bán nhiều. Trong trường hợp này, Sở giao dịch vàng có thể chuẩn bị đối ứng để mua lại - bán đi. Nếu không có người bán sẽ xuất hiện tình trạng xuất lậu, gây thất thu. Theo tôi, Sở Giao dịch vàng Quốc gia ra đời tốt nhất phải để trực thuộc NHNN.