Thị trường đang đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của VIP.

Thị trường đang đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của VIP.

Lợi nhuận trên tầm ngắm tỷ giá

(ĐTCK-online) Kết quả kinh doanh năm 2009 đã được khá nhiều DN niêm yết hé lộ với con số doanh thu và lợi nhuận tương đối khả quan. Nhưng vừa qua, CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) đã làm thị trường phải cảnh giác khi lợi nhuận cả năm thấp hơn nhiều con số ước tính trước đó. Lý do là tỷ giá tăng khiến DN phải trích lập dự phòng một khoản lớn. Với VIP, vấn đề không chỉ là tỷ giá, mà còn là tính không minh bạch trong công bố thông tin.

VIP và những điều cần làm rõ

Nhiều NĐT đã gọi điện đến ĐTCK vào ngày 11/1 và những ngày sau đó để bày tỏ bức xúc về trường hợp cổ phiếu VIP. Theo phản ánh của NĐT, kết thúc tháng 10/2009, VIP công bố lợi nhuận lũy kế 10 tháng đầu năm 2009 đạt gần 102 tỷ đồng, tương đương 115% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Một số NĐT cho biết, họ đặt mua cổ phiếu VIP với kỳ vọng Công ty còn vượt kế hoạch lợi nhuận năm, vì thấy VIP công bố lợi nhuận lũy kế với con số tăng dần. Tuy nhiên, bất ngờ ngày 11/1/2010, trên website của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) công bố nghị quyết HĐQT VIPCO. Theo đó, Công ty đã điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2009 từ 88,5 tỷ đồng xuống còn 55 tỷ đồng, tương đương giảm 37,5%.

Thực tế, DN điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận là việc bình thường. Nhưng vấn đề đáng nói là trong năm 2009, suốt từ tháng 4 đến tháng 10, VIP đã có 7 lần công bố kết quả kinh doanh tháng, với con số lợi nhuận khả quan, dù thị trường vận tải còn trầm lắng. Do đó, NĐT không chấp nhận việc VIP công bố điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận, nhất là khi năm tài chính 2009 đã kết thúc. Và tệ hơn, lợi nhuận Công ty cũng bất ngờ được điều chỉnh giảm mạnh, tới 46% so với con số thực hiện trong lần công bố gần nhất. Một số NĐT cho rằng, họ bị Công ty lừa dối!

ĐTCK tìm hiểu thì được biết, một vấn đề khác cần phải được làm rõ. Đó là tại sao Nghị quyết HĐQT phiên họp thứ 41 lập vào ngày 7/12/2009, nhưng tới ngày 11/1 mới được gửi tới HOSE và được công bố trên trang web của Sở? Một số NĐT cho biết, trong thời gian đó diễn ra một số sự kiện "không bình thường". Cụ thể, VIP thực hiện bán xong toàn bộ cổ phiếu quỹ (đăng ký thực hiện từ ngày 26/10/2009 đến ngày 26/01/2010); vợ một thành viên HĐQT VIP bán thành công 14.000 cổ phiếu (kết thúc giao dịch vào ngày 27/12/2009); một thành viên HĐQT VIP đăng ký bán 25.000 cổ phiếu từ ngày 7/1/2010. Với các sự kiện này và sự chậm trễ trong việc công bố thông tin nêu trên, thị trường đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của VIP.

Đâu là lý do dẫn tới sự điều chỉnh lợi nhuận của VIP? Bộ phận phân tích của nhiều CTCK nhận định, tỷ giá có thể là lý do chính. Trong báo cáo hồi tháng 2/2009, bộ phận phân tích của CTCK Bảo Việt nhận xét: "VIP còn khoản vay ngoại tệ trên 30 triệu USD tại thời điểm ngày 31/12/2008 để mua 2 tàu Petrolimex 06 và Petrolimex 10. Vừa qua, VIP phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá 30 tỷ đồng. Trong thời gian tới, VIP có thể tiếp tục vay ngoại tệ phục vụ cho việc đầu tư đội tàu. Vì vậy, rủi ro tỷ giá có thể còn gia tăng".

Trước đó, trong báo cáo phân tích về cổ phiếu VIP vào quý IV/2008, sau khi trao đổi với lãnh đạo VIP, các chuyên viên của CTCK HSC cho biết, hầu hết các khoản vay nợ dài hạn của VIP đều bằng ngoại tệ, nhưng trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2008 và trong các quý của năm 2009, VIP đều không đề cập chi tiết và giải thích các khoản vay này.

Trong báo cáo tài chính mới nhất vào quý III/2009, vay nợ của VIP tiếp tục tăng nhanh so với hồi đầu năm: vay ngắn hạn tăng từ 70,6 tỷ đồng lên 393,5 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng từ 587,6 tỷ đồng lên 1.124 tỷ đồng và NĐT không rõ các khoản vay này bằng VND hay ngoại tệ.

Việc DN có kết quả kinh doanh giảm mạnh do tỷ giá đã có tiền lệ. Đó là trường hợp của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Năm 2008, PPC nhiều lần công bố kết quả kinh doanh tháng và kết quả đạt được khá tốt. Ngày 20/11/2008, PPC chốt danh sách tạm ứng cổ tức, nhưng đến sát ngày chốt danh sách thì PPC bất ngờ thông báo tạm hoãn. Lý do giải thích của PPC là tại thời điểm đó nếu thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá thì Công ty không đủ tiền trả cổ tức 7%!

Vì điều này, PPC đã nhận được công văn cảnh cáo của HOSE: "Tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý III/2008, Công ty đã có thể dự báo cho nhà đầu tư biết chi phí tài chính về việc xác định lại tỷ giá. Tuy nhiên, Công ty đã không công bố thông tin dẫn đến gây hiểu lầm cho nhà đầu tư. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của NĐT khi mua cổ phiếu PPC!".

Sau vụ việc trên, công tác công bố thông tin của PPC đã có nhiều tiến bộ. Trong năm 2009, bên cạnh việc công bố lợi nhuận hàng tháng, PPC đều đề cập đến khoản nợ bằng yên Nhật và tỷ giá cuối tháng để NĐT có thể tự so sánh, đánh giá và chiết khấu lợi nhuận của Công ty đã công bố.

Về trường hợp của VIP nêu trên, ĐTCK sẽ liên lạc với VIP và cơ quan quản lý để phản ánh trong số báo tới.

 

Còn nhiều trường hợp khác?

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá liên ngân hàng ngày 31/12/2009 là 1 USD = 17.941 VND. So với tỷ giá hồi đầu năm 2009 là 1 USD = 16.975 VND, thì trong năm qua, mức tỷ giá USD/VND đã tăng 966 đồng. Như vậy, với các DN vay nợ bằng USD, với mỗi khoản nợ 1 triệu USD năm qua, DN phải "gánh" thêm gần 1 tỷ đồng. Vậy, ngoài VIP, liệu có những DN mà kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi tỷ giá?

Bộ phận phân tích của CTCK SSI đã ra báo cáo nhận xét về tác động của yếu tố tỷ giá đến lợi nhuận của DN niêm yết, trong đó điểm tên một số DN có khoản vay ngoại tệ lớn, đó là: CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), CTCP Xi măng Bút Sơn (BTS), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD), Tổng CTCP Vận tải Petro Việt Nam (PVT)… Xét về nhóm ngành, các DN ngành vận tải có truyền thống vay nợ ngoại tệ để mua tàu chịu khá nhiều rủi ro tỷ giá (VTO, VIP, VSP…). Tương tự, các DN phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nhưng thu nhập bằng VND cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá (nhóm ngành dược, điện, thép, lĩnh vực phân phối…). Trái lại, các DN vay nợ USD, nhưng có thu nhập bằng ngoại tệ, thì tác động từ tỷ giá sẽ được giảm thiểu (PVD, VST…).

Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 (thay thế Thông tư số 44/TC-TCDN) của Bộ Tài chính cho phép DN phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá (với nợ chưa trả) trong 5 năm. Điều này đã giảm thiểu tác động tiêu cực từ yếu tố tỷ giá tới lợi nhuận DN trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ trường hợp của VIP, thiết nghĩ, các DN nên thuyết minh rõ các khoản vay nợ bằng ngoại tệ, đánh giá các tác động trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng và quý để thị trường được rõ. Với các NĐT, việc tìm hiểu các khoản vay nợ bằng ngoại tệ của DN trước khi đầu tư cũng là việc nên làm.