NĐT nhỏ, ít quan hệ và thiếu thông tin, chịu ảnh hưởng rất mạnh từ những tin đồn về độ lớn của lượng tài chính mà CTCK đã cho vay để mua cổ phiếu.

NĐT nhỏ, ít quan hệ và thiếu thông tin, chịu ảnh hưởng rất mạnh từ những tin đồn về độ lớn của lượng tài chính mà CTCK đã cho vay để mua cổ phiếu.

Lượng hóa đòn bẩy tài chính

(ĐTCK-online) 3 phiên giảm sàn giữa tuần là 3 phiên NĐT, nhất là NĐT nhỏ, ít quan hệ và thiếu thông tin, chịu ảnh hưởng rất mạnh từ những tin đồn về độ lớn của lượng tài chính mà CTCK đã cho vay để mua cổ phiếu.

Tại 3 CTCK lớn nhất thị trường, tin đồn cho rằng, mỗi công ty thu xếp hàng chục nghìn tỷ đồng vốn cho NĐT vay mua cổ phiếu, đang tạo áp lực giải chấp rất lớn. Thông điệp mà những luồng tin này muốn nhắn nhủ đến NĐT là các CTCK đang và buộc phải xiết nợ khách hàng. Thị trường sẽ chỉ có xả, xả và xả hàng mà thôi. Để đo lường áp lực giải chấp, vấn đề đầu tiên là phải đo lường được lượng tiền mà các CTCK đã dùng để làm đòn bẩy tài chính cho các NĐT vay mua cổ phiếu thực tế lớn đến cỡ nào.

Gọi đến lãnh đạo CTCK để tìm lời giải, câu trả lời mà ĐTCK nhận được hầu hết đều thừa nhận, công ty có hợp tác với ngân hàng để thu xếp vốn cho NĐT vay mua cổ phiếu, nhưng trong mối quan hệ này, CTCK chỉ giữ vai trò trung gian, con số cho vay cụ thể chỉ có ngân hàng mới nắm rõ.

Đem câu hỏi trên đến UBCK, đại diện cơ quan này cho biết, UBCK cũng nhận được nhiều nguồn tin, nhưng không có con số thống kê. Lý do là hoạt động hỗ trợ vốn cho NĐT mua cổ phiếu tại CTCK không có trong các nghiệp vụ được phép thực hiện, nên không có CTCK nào báo cáo UBCK những con số này.

Lượng hóa đòn bẩy tài chính trên TTCK là câu hỏi lớn với  NĐT và với cả thị trường. Tổng giám đốc một CTCK cỡ vừa (Công ty V) sau khi trao đổi trực tiếp với nhiều đồng nghiệp (những người trong cuộc) về mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính tại các CTCK mà họ đang điều hành, đã chia sẻ một logic để lượng hóa con số này. Theo đó, vì con số cụ thể không được các CTCK đưa ra chính thức (hoạt động này chưa được chính thức hóa), nên có thể dùng thực tế tại Công ty V để hình dung. Với thị phần môi giới chiếm 2 - 3% toàn thị trường, tổng nguồn vốn hỗ trợ đòn bẩy tài chính mà công ty này thu xếp cho NĐT là 400 tỷ đồng. Như vậy, tính sơ bộ cho toàn thị trường, lượng tài chính mà các CTCK thu xếp cho NĐT khoảng 16.000 tỷ đồng - 20.000 tỷ đồng.

Con số 16.000 tỷ đồng hay 20.000 tỷ đồng cũng chỉ là giá trị ước tính. Con số thực có thể dao động trong khoảng này, bởi hiện nay, nguồn vốn thu xếp hỗ trợ NĐT của CTCK chủ yếu là tìm ở các ngân hàng (theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2009, số dư nợ của các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán là 12.000 tỷ đồng), phần còn lại (khoảng 4.000 - 6.000 tỷ đồng) được lấy từ vốn tự có của các CTCK.

Mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng về con số này, nhưng điều mà thị trường cần, về căn bản, không phải là một con số, mà là sự minh bạch. TTCK sẽ không thể tránh được những tác hại từ tin đồn, NĐT nhỏ cũng không thể tránh được những thua thiệt, nếu những hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến cung - cầu trên TTCK - hoạt động hỗ trợ vốn cho NĐT - không được minh bạch hóa. Tin đồn, trong bối cảnh này, đương nhiên sẽ phát tác, gây bối rối cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

Tuần qua, UBCK cũng đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua - bán chứng khoán ký quỹ. Đây là bước đi đầu tiên sau 10 năm vận hành TTCK Việt Nam, trong hành trình tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ vốn trên TTCK. Thực tế thị trường đã đi quá xa và việc siết lại kỷ cương cũng như minh bạch hóa nghiệp vụ này là một bài toán khó. Nhưng vẫn mong lắm thay!