Những “quả đấm thép” và con số của Kiểm toán Nhà nước

Những “quả đấm thép” và con số của Kiểm toán Nhà nước

(ĐTCK-online) Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây đã cho thấy hiệu quả thấp của các khoản đầu tư ngoài ngành của một số doanh nghiệp nhà nước lớn.

"Hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm có hiệu quả thấp, các đơn vị được kiểm toán đều phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và đầu tư dài hạn lớn. Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đầu tư qua đấu giá hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán bị thua lỗ lớn", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây đã cho thấy hiệu quả thấp của các khoản đầu tư ngoài ngành của một số doanh nghiệp nhà nước lớn. Tái cơ cấu, tập trung vào chất lượng tài sản và chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải đang được nhiều doanh nghiệp quyết liệt thực hiện nhằm khắc phục những hệ lụy xấu xảy ra.

 

Hiệu quả thấp

Số liệu công bố của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tổng nợ phải thu của 20 tổng công ty đến 31/12/2008 là 26.586 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản là19,34%, trên vốn chủ sở hữu là 55,48%, trong đó có các khoản phải thu khó đòi tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm… Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có nhiều khoản phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, tạm ứng không được quyết toán, lưu trữ hồ sơ không đầy đủ và khó có khả năng thu hồi. Đây thực chất là những khoản lỗ tiềm ẩn trong tương lai.

Nhận xét về hoạt động quản lý đầu tư và góp vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức tài chính - ngân hàng đã được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho hay, năm 2008, hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm có hiệu quả thấp, các đơn vị được kiểm toán đều phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và đầu tư dài hạn lớn. Đơn cử, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) đầu tư vào một khoản đầu tư thương mại vượt tỷ lệ quy định (vượt 11% vốn điều lệ hoặc giá trị dự án đầu tư). Hầu hết các đơn vị được kiểm toán phản ánh không chính xác thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh. Đơn cử tại Vietinbank, lợi nhuận thực tế tại thời điểm phê duyệt đơn giá tiền lương cao gấp 1,8 lần lợi nhuận kế hoạch khi xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ lương thực tế năm 2008 cao gấp 2 lần quỹ lương kế hoạch nhưng không điều chỉnh đơn giá tiền lương. MHB sử dụng quỹ tiền lương chưa chi gửi ngân hàng 30 tỷ đồng lấy lãi; CTCK MHB không xây dựng đơn giá tiền lương mà hạch toán trực tiếp vào chi phí; PVFC huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, uỷ thác quản lý vốn dưới 1 năm, mua lại thẻ tiết kiệm dưới hình thức chiết khấu chưa đúng quy định đối với tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp nhà nước chỉ có hiệu quả với các khoản đầu tư chủ yếu được góp vốn theo giá gốc hoặc mua theo giá ưu đãi với tư cách cổ đông chiến lược. Còn các khoản đầu tư qua đấu giá, qua giao dịch trên sàn chứng khoán thường thua lỗ lớn.

 

Trở lại ngành nghề cốt lõi

Petro Việt Nam (PVN) là một trong những tập đoàn mạnh tay thực hiện cắt bỏ những khoản đầu tư ngoài ngành, dàn trải. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, trước đây PVN có đầu tư tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nay Tập đoàn đã thoái toàn bộ vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (hiện PVN không góp vốn thực hiện đầu tư bất cứ một dự án, một công ty bất động sản nào). Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, PVN sẽ sắp xếp để thoái vốn sở hữu tại PVFC xuống còn 51%, phần vốn đầu tư vào CTCK, Tập đoàn cũng đã chuyển nhượng cho đơn vị khác. "Hiện phần vốn đầu tư ngoài ngành của PVN còn khoảng 4.000 tỷ đồng (chủ yếu góp vào PVFC), chiếm 3,8% vốn điều lệ của PVN, thấp hơn nhiều so với quy định. Hai năm nay, chúng tôi đã cơ cấu lại vốn đầu tư và các công ty thành viên rất tích cực, thực hiện M&A dồn các đơn vị có hoạt động giống nhau vào một đầu mối như tài chính ngân hàng thì về PVFC, bất động sản chuyển cho PVX. Tuần này, chúng tôi đang rà soát để hoàn chỉnh toàn bộ", ông Sự nói.

Nhận thức rất rõ về cái giá quá đắt của việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả khi năm 2008, PVFC phải trích lập dự phòng đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng, nên 6 tháng đầu năm nay, mục tiêu nâng cao chất lượng tài sản được tổng công ty này tập trung tối đa. PVFC đã giảm giá trị danh mục đầu tư xuống 50% so với thời điểm đầu năm 2010, số mã chứng khoán trong danh mục đầu tư giảm từ hơn 100 xuống còn vài chục mã. PVFC đã giảm tỷ trọng các khoản đầu tư dài hạn, chuyển nhượng vốn của Tổng công ty tại các công ty thành viên cho các đơn vị có chức năng chuyên môn như các dự án điện chuyển cho Tổng công ty Điện lực dầu khí; thoái bớt chứng khoán đang niêm yết, chủ yếu nắm giữ cổ phiếu của các công ty trong ngành như PVD, PVS, DPM với lợi thế thông tin, cơ chế phối hợp. Cổ phiếu OTC được sàng lọc, cơ cấu lại để thu hồi vốn. "PVFC đang giảm mạnh sự phụ thuộc của danh mục đầu tư vào TTCK. Chúng tôi chấp nhận mất 5 - 10% khi thu hồi các khoản đầu tư để dùng tiền đó kinh doanh các lĩnh vực khác, có khả năng thu lời 10 - 15%. Quản trị tốt nguồn vốn, tập trung vào chất lượng tài sản là mục tiêu lớn của PVFC bên cạnh mục tiêu lợi nhuận", ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC cho hay.

Những "quả đấm thép" của nền kinh tế đã và đang phải tự điều chỉnh để tránh lao theo "vết xe đổ" của Vinashin. Từ 257 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 50.000 tỷ đồng, Chính phủ đã chỉ đạo Vinashin phải thu hẹp lại ngành nghề kinh doanh, tới đây chỉ tập trung vào 13 dự án với trọng tâm là đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu. Trong trong quá trình tái cơ cấu, Vinashin phải khẩn trương thoái vốn ở những doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chính, rà soát để bán hoặc chuyển giao các dự án; di dời các nhà máy đóng tàu để sử dụng quỹ đất cho mục tiêu mới để có thêm vốn phục vụ sản xuất; các công ty con sẽ được chuyển nhượng cổ phần hoặc cổ phần hóa nhằm thu lại vốn đầu tư.