Thị trường chứng khoán Việt Nam:Bước ngoặt lịch sử

Thị trường chứng khoán Việt Nam:Bước ngoặt lịch sử

Những bước ngoặt lớn khái quát cho sự phát triển của TTCK Việt Nam sau 7 năm gồm:

1. TTCK đã có Luật Chứng khoán và hàng loạt các văn bản pháp lý điều chỉnh; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được giao chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và TTCK theo các quy định của pháp luật;

2. Hai TTGDCK đang chuyển đổi theo hướng chuyên nghiệp hoá, trong đó TTGDCK TP. HCM được chuyển thành Sở GDCK, TTGDCK Hà Nội đang mở rộng việc tổ chức thị trường sang lĩnh vực trái phiếu, cổ phiếu của công ty đại chúng;

3. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang tích cực chuyển đổi cả về chất và lượng để chuẩn bị cho mô hình hoạt động theo hình thức Công ty TNHH. Dù còn đơn sơ nhưng lần đầu tiên Trung tâm này đã được thiết lập được kênh thông tin ra thị trường (www.vsd.gov.vn);

4. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán sau nhiều năm liền nắm thế độc quyền đào tạo người hành nghề, nay đứng trước một bước ngoặt: phải thực hiện công tác xã hội hoá đào tạo chứng khoán, mà lộ trình đầu tiên là chia sẻ quyền đào tạo để thi lấy chứng chỉ cơ bản, chứng chỉ phân tích cho 5 trường đại học khối kinh tế.

Đó là nói về những chuyển biến lớn trong khối cơ quan quản lý, còn với nền kinh tế và các chủ thể khác trên TTCK thì sao? Sự hiện diện của TTCK Việt Nam sau 7 năm đã đem lại một kết quả không thể phủ nhận: xác lập nên một kênh dẫn vốn quan trọng, với tổng giá trị vốn hoá (tính cho lượng cổ phiếu niêm yết) lên đến trên 300.000 tỷ đồng, tương đương 33% GDP của năm 2006. Giá trị giao dịch chu chuyển trên thị trường này mỗi ngày lên tới hàng nghìn tỷ đồng và người dân Việt Nam tính trung bình cứ 1.000 người có 3 người tham gia đầu tư trên thị trường niêm yết.

Xu hướng xã hội hoá cổ đông đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, nhiều DN trước đây chỉ có sự góp vốn trong phạm vi gia đình thì nay đã trở thành DN đại  chúng với hàng vạn cổ đông (SSI, Sacombank…). Những DN lớn khác như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, PVI, Sudico, PVDrilling, FPT… cách đây một vài năm vẫn là những DN 1 chủ (Nhà nước) thì nay đã là DN của hàng nghìn cổ đông. Chính xu hướng này đang góp phần quan trọng chuyển dần nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế cổ phiếu và người dân -nhà đầu tư được trở thành những người chủ thực sự. Tiền đầu tư của dân và quyết định đầu tư cũng do dân định đoạt (thông qua đại hội đồng cổ đông).

Giờ đây, TTCK không chỉ hiện diện tại Hà Nội và TP. HCM mà đã trải dài theo khắp các địa phương trên cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đã Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nghệ An, Bình Dương… thông qua hàng loạt chi nhánh, đại lý nhận lệnh của khối công ty chứng khoán. Sự mở rộng này cộng với sự bùng nổ thông tin chứng khoán trên các phương tiện truyền thông, khiến nhận thức của người dân nói chung về TTCK đã được nâng lên rõ rệt.

Với khối DN, cách đây 7 năm, việc vận động lên sàn là câu chuyện quá khó, còn bây giờ, lên sàn đã trở thành đích đến của nhiều DN. TTCK không chỉ giúp DN xây dựng nên hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp, mà đã trở thành công cụ hữu ích giúp DN huy động vốn. Nếu như trước đây, trước Chính phủ, DN thường kêu thiếu vốn thì nay, điều mà DN còn than phiền là cơ chế quản lý, chứ không phải vốn, vì những DN đủ mạnh đều tự giải quyết được đòi hỏi về vốn thông qua việc phát hành chứng khoán ra công chúng. Và điều đáng mừng là hầu hết trong số 197 DN niêm yết tính đến thời điểm này đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thông qua TTCK, Việt Nam đã có một loạt DN cổ phần đầu tiên có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD (ACB, Sacombank, FPT, PVDrilling, Nhiệt điện Phả Lại, Vinamilk). Nếu các DN khi lên sàn đều "bắt" được đà phát triển chung của lớp DN đi trước, chắc chắn việc mở rộng cơ số DN niêm yết sẽ có đóng góp đáng kể để nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam .

Với tổng giá trị vốn hoá tương đương 33% GDP, những diễn biến trên TTCK đang có ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế, xã hội và điều này đang đặt lên vai những nhà điều hành một trách nhiệm lớn: làm thế nào để duy trì sự phát triển bền vững của thị trường. Theo đó, những tồn tại của TTCK Việt Nam sau 7 năm hoạt động cũng cần phải được nhìn nhận:

1.         196 DN niêm yết chưa phải là rổ DN đại diện cho tất cả các DN, nên chỉ số chứng khoán chưa trở thành hàn thử biểu của nền kinh tế. Sự biến động của chỉ số này đôi khi tách biệt khỏi những diễn biến chung của các DN nói riêng, nền kinh tế nói chung;

2.         TTCK niêm yết có quy mô chỉ bằng khoảng 10% so với thị trường chưa niêm yết, trong khi thị trường cho cổ phiếu chưa niêm yết chưa được quản lý, vẫn đang hoạt động theo kiểu tự phát, nên tính bền vững chung của TTCK Việt Nam là không cao;

3.         Quy mô TTCK Việt Nam tuy có sự tăng mạnh trong 1 năm gần đây, nhưng xét về con số tuyệt đối thì còn nhỏ. Tại nhiều TTCK lân cận, tổng giá trị vốn hoá thị trường của họ lớn gấp hàng chục đến hàng trăm lần Việt Nam, như TTCK Hàn Quốc (tổng giá trị vốn hoá 787 tỷ USD); TTCK Hồng Kông (1.465 tỷ USD); TTCK Singapore (335 tỷ USD)… Thực tế này cho thấy, con đường trước mắt của TTCK Việt Nam còn rất dài và đến nay, chúng ta mới đi được chặng đầu tiên.

4.         Nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán vừa thiếu, vừa yếu nhất là khi số lượng CTCK đang ngày một lớn như hiện nay. Sự giành giật nhân viên có chứng chỉ hành nghề và hiện tượng nhiều công ty chứng khoán mới liên tục đổi “chủ” (Hướng Việt, Quốc Gia, Quốc tế, An Bình, Hà Nội…) đã thể hiện sự mất ổn định về nhân sự chủ chốt tại khối các công ty này.

Vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày thành lập UBCK, 7 năm ngày khai trương hoạt động của TTCK (cũng là ngày mở cửa sàn TP. HCM) và 2 năm ngày mở cửa sàn thứ cấp Hà Nội, dư luận nhìn thấy có những điều bất ổn hiện diện trong nhiều mảng điều hành, hoạt động của thị trường: sàn TP. HCM sắp hết chỗ cho CTCK, nên đang phải "đẻ" ra một cơ chế mới để hạn chế CTCK vào sàn; sàn Hà Nội tuy được đánh giá là chuyên nghiệp trong công tác điều hành, nhưng số DN mạnh lại đang rục rịch chuyển sang sàn TP. HCM, chỉ vì ý niệm sàn Hà Nội là sàn dành cho DN vừa và nhỏ.

Chưa hết, công tác đào tạo đã được cởi mở một phần, nhưng thế độc quyền về tổ chức thi lấy chứng chỉ vẫn do 1 đơn vị giữ. Dư luận đã không thiếu lời phàn nàn về nút thắt của nguồn cung chứng chỉ và đằng sau nó là những câu chuyện về môi trường đào tạo, đạo đức người hành nghề… Sự ra đời ồ ạt của nhiều công ty chứng khoán mới cũng đồng thời "đẻ" ra hàng loạt chiêu cạnh tranh không lành mạnh; nguyên tắc công bằng về quyền lợi giữa các nhà đầu tư bị xâm phạm khi cơ quan quản lý không thể kiểm soát được thứ tự nhập lệnh; DN niêm yết tuy thuộc hàng ngũ tiên tiến trong quản trị, nhưng vẫn không thiếu công ty xử ép với cổ đông nhỏ, vi phạm Luật Doanh nghiệp mà không bị xử lý; vai trò "cán cân" của cơ quan thanh tra, giám sát còn mờ nhạt; việc quản lý luồng vốn đổ vào TTCK, đặc biệt là vốn của nhà đầu tư nước ngoài sau 7 năm vẫn là bài toán ngỏ, còn việc hội nhập của TTCK Việt Nam với TTCK các nước khác vẫn còn là một đích đến xa vời…

Như vậy, nếu 7 năm đầu tiên, Việt Nam giải quyết được bài toán thứ nhất là lập nên thị trường và xác lập vị thế của nó trong nền kinh tế, thì bài toán thứ hai trong giai đoạn tới là phải phát triển TTCK Việt Nam một cách bền vững, giải quyết được những vấn đề còn tồn tại. Câu chuyện TTCK Việt Nam hôm nay sẽ được viết tiếp bằng những nhìn nhận mới, nhưng chắc chắn tốc độ mở rộng cũng như phát triển thị trường sẽ lớn hơn những gì mà thị trường đã đạt được trong những năm đầu tiên.