Hoàn cảnh đặc biệt, cần giải pháp đặc biệt

Hoàn cảnh đặc biệt, cần giải pháp đặc biệt

(ĐTCK) 70 đại biểu “bấm nút” đăng ký phát biểu ngay sau khi chủ toạ phiên họp tuyên bố bắt đầu buổi thảo luận ngày 30/10 tại hội trường về kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013.

Điều đó cho thấy độ nóng của các vấn đề quốc kế dân sinh tại Nghị trường Quốc hội kỳ họp này. Hầu hết vấn đề được các đại biểu đề cập đều rất thời sự và cần được xử lý một cách cấp bách cũng như dài hạn.

Hoàn cảnh đặc biệt, cần giải pháp đặc biệt  ảnh 1Lượng hàng tồn kho cao là một trong những “cục máu đông” lớn nhất trong cơ thể nền kinh tế

Kiến nghị dừng hoạt động ngân hàng yếu…

Là người “nổ” phát pháo đầu tiên, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đưa ra nhận định, những tháng còn lại của năm 2012 và cả năm 2013, nền kinh tế còn đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2013 là rất nặng nề và khả năng thực thi rất khó”, ông Kiêm nói và đề nghị Chính phủ cần tập trung vào hệ thống các giải pháp mang tính đột phá để giải quyết cho được các nút thắt của nền kinh tế là vấn nạn hàng tồn kho và nợ xấu.

Đồng tình với đề nghị trên, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng, trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng và DN, đề nghị Chính phủ phải kiên quyết sắp xếp, cho dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nợ quá hạn nhiều, mất khả năng thanh khoản.

“Những ngân hàng này còn hoạt động sẽ làm rối loạn thị trường tiền tệ. Còn đối với các DN yếu kém thường xuyên, không có khả năng hồi phục, nợ xấu nhiều, nợ quá hạn nhiều, không đủ tiêu chí để vay ngân hàng thì nên cho dừng hoạt động, chứ không nên tiếc nuối”, ông Đức nói và cho rằng, “đây cũng là thời cơ để chúng ta làm lành mạnh lại hệ thống DN”.

Bên cạnh đó, ông Đức đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết nợ xấu và coi đó là biện pháp hàng đầu để gỡ khó cho DN. Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính là trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết của các tổ chức tín dụng, nhưng ông Đức cũng cho rằng, chủ trương của Chính phủ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu là giải pháp có tính tổng thể và cần được thực hiện ngay.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại cho rằng, xử lý nợ xấu một cách căn cơ khác với mua bán nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu chỉ là điều kiện cần để có thể xử lý rốt ráo nợ xấu.

“Tôi hoan nghênh Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho DN bằng cách mua lại nợ xấu, đó là một chủ trương sáng suốt. Một tư duy kinh doanh lành mạnh và thận trọng thì không thể lúc nào cũng chỉ biết dựa vào sự bao cấp của ngân sách nhà nước”, ông Đáng nói.

Lấy ví dụ về thị trường bất động sản của nước ta hiện nay với hàng trăm nghìn căn hộ đang đóng băng, ông Đáng đặt câu hỏi: “Việc phát triển thị trường mua bán nợ mà lại là nợ xấu liệu có khả thi hay không?” và cho rằng, cần bỏ ngay tư duy phải dùng ngân sách nhà nước để xử lý khối u nợ xấu của ngân hàng.

 

…xử lý rốt ráo “cục máu đông”

Vấn đề hàng tồn kho cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi đã vào mùa cao điểm cuối năm nhưng tại hầu hết DN, sản phẩm làm ra chất cao như núi. Vì vậy, với đề nghị Chính phủ có giải pháp để giải quyết hàng tồn kho, ông Đức cho rằng, kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cần những giải pháp cụ thể và phải thực hiện ngay.

“Theo tôi, nên phát hành trái phiếu công trình cho một số công trình trọng điểm quốc gia, ưu tiên cho hệ thống hạ tầng giao thông, từ đó chúng ta mới tiêu thụ được sắt thép, xi măng, vật liệu... Đặc biệt là bản thân các DN cũng phải tích cực sử dụng sản phẩm của nhau, tích cực tham gia vào cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam thì mới có thể tăng sức cầu trong nền kinh tế”, ông Đức nói.

Ở góc nhìn khác, ông Đáng cho rằng, một vấn nạn hiện nay là hàng ngoại nhập đang ồ ạt đổ vào Việt Nam , triệt tiêu sức sản xuất trong nước, nhưng chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế.

“Tại sao thép nội tốt hơn và đang tồn kho nhiều, nhưng chúng ta lại cho nhập ồ ạt thép của Trung Quốc chất lượng kém hơn và tránh được thuế, nên có giá thấp hơn, làm ngành thép của ta điêu đứng”, ông Đáng đặt câu hỏi.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nội địa, bên cạnh việc cần có những giải pháp hợp lý với hàng ngoại nhập, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng: “Cần ngay lập tức nới rộng các điều kiện tín dụng DN và tiêu dùng, giảm thuế VAT, giảm thuế suất thuế thu nhập DN, cắt giảm tối đa các loại phí không còn phù hợp nhằm giảm bớt chi phí gia nhập thị trường cho cộng đồng DN và người dân, giảm hoặc giãn thời gian nộp tiền thuê đất, mở rộng thêm đối tượng ưu tiên, ưu đãi thuế…”.

Trao đổi bên lề phiên họp ngày hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những thách thức đối với nền kinh tế năm 2013 còn rất nặng nề. Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần triển khai những giải pháp đặc biệt, cấp bách để kịp thời “hà hơi, tiếp sức” cho cộng đồng DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

 

“Thị trường vàng có tác động lớn đến tâm lý xã hội”

Đại biểu Trần Du Lịch ( TP. HCM)

Tôi đề nghị cần mạnh dạn hơn trong vấn đề mở rộng tín dụng tiêu dùng và tôi đặc biệt đề nghị chúng ta phải có chính sách tiền tệ, tín dụng để làm ấm dần thị trường bất động sản. Chỉ có hồi phục thị trường này mới có thể giải quyết căn bản tình trạng nợ xấu.

Tôi cũng đề nghị cần kịp thời ổn định thị trường vàng. Thời gian qua, sự bất ổn trên thị trường này có tác động rất lớn đến tâm lý toàn xã hội. Dường như những chính sách quản lý thị trường vàng của chúng ta chưa được nhất quán, hoãn tới hoãn lui. Tôi xin lưu ý, trong điều kiện xã hội Việt Nam , đây là một thị trường không được phép coi thường.

 

“Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập”

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang)

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa kéo được giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới như mong muốn là do công tác quản lý về hoạt động kinh doanh vàng còn nhiều bất cập. Trong đó có dư luận về việc tạo ra cơ chế độc quyền trong kinh doanh và cơ chế điều hành chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho cơ chế độc quyền, dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Ví dụ, tại sao có câu chuyện những thương hiệu vàng phi SJC bị mất giá vài triệu đồng/lượng, điều này do tâm lý người dân hay do độc quyền?

 

“Cần tăng tốc đầu tư công”

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ)

Đối với nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển, tôi đề nghị nghiên cứu tình hình cụ thể trong năm 2013 để tăng tốc đầu tư công. Có thể tăng quy mô huy động vốn trái phiếu chính phủ năm tới lên trên mức bình quân các năm, tức là trên 45.000 tỷ đồng, nhằm bổ sung nguồn giải ngân cho các công trình sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ hoàn thành trong năm. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, đánh giá cụ thể tác động của việc cắt giảm đầu tư công, có biện pháp xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án dở dang bị cắt giảm để tránh lãng phí trong đầu tư. Trên thực tế, có những dự án đang xây dựng mà bị đình hoãn, sau này khởi động lại thì gây ra lãng phí rất lớn.

 

“Hệ thống ngân hàng phải chia sẻ với nền kinh tế”

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)

Tôi thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, cần ban hành những giải pháp khẩn cấp để giải cứu DN. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo hệ thống ngân hàng tích cực trong việc chia sẻ rủi ro cùng với DN. Ví dụ như cần tiếp tục giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cho phép DN được thế chấp hàng tồn kho để vay vốn, hoặc Chính phủ có thể yêu cầu hệ thống ngân hàng xây dựng các phương án đầu tư mua cổ phần của DN hiện tại đang gặp khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai. Có như vậy mới tạo được sự công bằng trong kinh doanh. Khi có lợi thì DN và ngân hàng cùng hưởng, khi gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng phải cùng chia sẻ với DN và cả nền kinh tế.