Không "nuôi" luật sư, nhiều DN phải trả giá

Không "nuôi" luật sư, nhiều DN phải trả giá

(ĐTCK) Nhiều DN sợ phải chi vài triệu đồng phí luật sư hàng tháng, nên không sử dụng dịch vụ tư vấn luật, đến khi có "chuyện", DN phải tốn cả thời gian, tiền bạc để giải quyết.

 

Hệ thống pháp luật còn phức tạp, chồng chéo và có tình trạng thực thi pháp luật tùy tiện ở một số cơ quan, địa phương. Nhiều DN không biết phải ứng xử như thế nào trước những vướng mắc về luật pháp trong thực tế.

Không "nuôi" luật sư, nhiều DN phải trả giá ảnh 1DN nên có luật sư tư vấn để đảm bảo an toàn trong hoạt động

Trước thực trạng trên, Đoàn luật sư Hà Nội vừa phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Tăng cường năng lực hỗ trợ pháp lý cho DN”.

Tại buổi Tọa đàm, cả khối quản lý nhà nước, DN cũng như giới luật sư đều thừa nhận nhu cầu được hỗ trợ pháp chế, được tư vấn pháp lý của khối DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Khắc Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, DN cần phải thay đổi thói quen, nói hỗ trợ chưa đủ, mà DN phải gắn kết với vấn đề pháp lý, với luật để tránh rủi ro, tránh thảm họa. Ông Luận nêu “thảm họa” xảy ra với chính trường của ông khi Cục Thuế Hà Nội vào thanh tra giao dịch giữa Trường và CTCP Đầu tư và Phát triển nhân lực Ladeco.

Ladeco đã có hơn 20 năm hoạt động và có uy tín trong lĩnh vực du học, nhưng về mặt pháp lý, đôi khi không chặt chẽ dẫn đến rủi ro như Ladeco cho Đại học Nguyễn Trãi và Trường PTTH Hà Thành sử dụng mặt bằng 5.000 m2. Cơ quan thuế cho rằng, đây là 2 pháp nhân có tài khoản, con dấu riêng mà Ladeco lại cho sử dụng mặt bằng, không có hợp đồng cho thuê là có dấu hiệu trốn thuế. Hai pháp nhân này do 2 vợ chồng ông Luận làm chủ, nên cơ quan thuế áp dụng Thông tư 66 về chống chuyển giá. Theo đó, Ladeco có nguy cơ phải nộp gần 2 triệu USD, bởi giá cho thuê có thời điểm lên tới 28 USD/m2. Ngoài ra, cơ quan thuế còn yêu cầu UBND TP. Hà Nội cho kiểm tra toàn bộ nguồn gốc lô đất, khiến Ladeco mất tới 5 tháng để “giải trình”.

6 tháng trôi qua, hiện cơ quan thuế vẫn chưa có kết luận thanh tra về giao dịch nêu trên, dù đã quá hạn. Ông Luận cho rằng, Thông tư 66 chủ yếu áp dụng cho các DN FDI, áp dụng trong trường hợp này là không phù hợp, nhất là khi DN hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, phát triển lao động.

“Nếu trước đó, chúng tôi có tư vấn luật thường xuyên thì đã không mất nhiều thời gian với cơ quan thuế, cũng như những mất mát khác”, ông Luận nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ban Pháp chế Tổng công ty Thương mại Hapro cho biết, Hapro có Ban Pháp chế với 4 nhân sự, nhưng tại các công ty thành viên, công ty trực thuộc thì chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Những công việc hàng ngày, Ban Pháp chế có thể giải quyết, nhưng những thương vụ lớn, những tranh chấp mà nhiều nhất là tranh chấp với người lao động, vẫn cần có luật sư chuyên nghiệp.

Các ý kiến chia sẻ tại Tọa đàm cho thấy, các DN Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của việc có tư vấn pháp lý, nhưng nhận thức về giá trị của tư vấn này lại chưa đầy đủ. Nhiều trường hợp, DN khi phải chi vài triệu đồng phí luật sư hàng tháng thì e ngại, bởi tốn tiền mà chưa biết giúp được gì không!?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, đây là sai lầm của DN, bởi giá trị của việc có tư vấn luật sư chính ở chỗ “không có việc gì” đó, bởi hiệu quả chính là sự an toàn trong hoạt động, sự bền vững trong kinh doanh, sự “không mắc gì” trong hoạt động hàng ngày của DN. Nếu xảy ra việc mới nhờ đến luật sư thì cũng chỉ vớt vát được phần nào.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, hỗ trợ pháp chế phải nhìn vào nhu cầu thực tế của DN. Cái khó nhất trong bối cảnh hiện nay của các DN không phải là không được tuyên truyền, đào tạo phổ biến về pháp luật, mà là ở chỗ không biết phải ứng xử với pháp luật như thế nào trước những vướng mắc thực tế. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật còn phức tạp, chồng chéo  và tình trạng thực thi pháp luật tùy tiện ở nhiều nơi. Về nguyên tắc, khi một vấn đề có nhiều quy định khác nhau thì ưu tiên thực hiện văn bản có hiệu lực cao nhất, nhưng DN hành động như vậy thì cơ quan công quyền nhiều khi không giải quyết công việc. Do đó, DN phải tự ép mình thực hiện những quy định chặt nhất, trói buộc nhất và thường thì công văn hướng dẫn trở nên có hiệu lực cao nhất.

Ông Lê Văn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực cho rằng, hỗ trợ pháp chế quan trọng nhất chính là hoàn thiện khung pháp lý. Ban hành và thực thi chính sách phải theo hướng thông thoáng nhất cho DN, tránh kiểu quản không được thì cấm, ban hành tùy tiện, thiếu cân nhắc, xa lạ với thực tế.