Nghịch lý “vốn mỏng” bị đánh thuế “dày”

Nghịch lý “vốn mỏng” bị đánh thuế “dày”

(ĐTCK) Với tiềm lực tài chính mỏng, các DN nhỏ và vừa phải trông chờ nhiều vào nguồn vốn đi vay, nhưng việc gõ cửa ngân hàng khó hơn nhiều so với các DN lớn. Tuy nhiên, khi tính thuế TNDN, cơ quan thuế lại chỉ khấu trừ chi phí cho lãi suất các khoản vay có nguồn gốc ngân hàng. Điều này khiến DN nhỏ khó càng thêm khó.

Nghịch lý “vốn mỏng” bị đánh thuế “dày” ảnh 1Không ít DN đang phải đóng một mức thuế TNDN cao hơn số lợi nhuận thực tế có được

 

Bất bình đẳng

Theo ông Ved P.Gandhi, chuyên gia thuế quốc tế, “vốn mỏng” là tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn tự có rất ít. Điều bất bình đẳng ở chỗ, trong khi DN đi vay tín dụng ngân hàng được khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN, thì các DN khác, do không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, nên phải đi vay vốn từ bạn bè, người thân, lại không được áp dụng cơ chế này. Cụ thể, cơ quan thuế không chấp nhận hóa đơn, chứng từ vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng, nên mặc nhiên nguồn vốn vay đó được coi là vốn tự có của DN và không được khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

Tình trạng này kích thích DN đi vay vốn tín dụng ngân hàng nhiều hơn là nỗ lực tích lũy để gia tăng vốn tự có. Hệ quả là khiến cả ngân hàng lẫn DN, rộng hơn là nền kinh tế đối mặt với rủi ro về nợ xấu. Đó là chưa kể không loại trừ các DN “núp bóng” có tỷ lệ vốn vay tín dụng lớn, để “nới tay” trong kê khai các khoản chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. “Qua thực tế áp dụng pháp luật về thuế tại Việt Nam cho thấy, tình trạng ‘vốn mỏng’ đang rất phổ biến trong các DN nhỏ và vừa. Để giúp các DN này khắc phục bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính cần đưa ra giải pháp cụ thể khi đang xây dựng dự thảo luật sửa đổi Luật thuế TNDN, để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2013 và áp dụng từ năm 2014”, ông Ved P.Gandhi nói.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, cả nước chỉ có khoảng 30% DN tiếp cận được vốn ngân hàng. Số DN còn lại, trong đó phần lớn là DNNVV phải tự xoay xở vốn để triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy không vay vốn ngân hàng, nhưng thực chất các DN này đều phải vay vốn của bạn bè, người thân…, với lãi suất không “mềm” hơn vay tín dụng. Thế nhưng, các khoản chi phí trả lãi này, DN không được khấu trừ khi tính thuế TNDN, do hiện tại chưa có quy định. Trong khi đó, các DN vay vốn ngân hàng được khấu trừ chi phí lãi vay, đồng thời không bị khống chế giới hạn của loại chi phí này như thông lệ nhiều nước. Điều này khiến các DN thuộc diện “vốn mỏng” rất bức xúc, bởi họ cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế TNDN.

Tại hội thảo về hướng cải cách chính sách thuế TNDN do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, các DN “vốn mỏng” tại Việt Nam không thể chịu đựng quá lâu tình trạng bất bình đẳng về thuế TNDN. Điều này đòi hỏi Bộ Tài chính cần bổ sung quy định điều chỉnh hiện tượng “vốn mỏng, thuế dày” khi xác định chi phí tính thuế trong quá trình xây dựng phương án sửa đổi Luật thuế TNDN.

 

Khuyến nghị

Để khắc phục tình trạng này, ông Tuyển khuyến nghị, khi xây dựng dự thảo Luật thuế TNDN, Bộ Tài chính cần bổ sung cơ chế cho phép DN thuộc diện “vốn mỏng” được phép khấu trừ các khoản chi phí huy động vốn phi ngân hàng, để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế. Đây là điều cộng đồng DN mong mỏi từ nhiều năm qua, bởi rất nhiều chi phí hợp lý, trong đó có chi phí trả lãi suất cho bạn bè, người thân khi huy động vốn từ họ, không hề được khấu trừ khi xác định thu nhập tính thuế. Điều này đang khiến không ít DN phải đóng một mức thuế TNDN cao hơn số lợi nhuận thực tế mà họ có được.

Song song với giải pháp trên, ông Ved P.Gandhi đề xuất, Bộ Tài chính cũng cần tính toán để đưa ra quy định không cho phép khấu trừ chi trả lãi vay đối với phần vượt quá tỷ lệ nhất định về nợ trên vốn chủ sở hữu. Đây là công cụ được sử dụng phổ biến trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DN nên là 3:1. Hiện hầu hết quốc gia đều áp dụng theo tỷ lệ này, nhằm đạt được nhiều mục tiêu: vừa tránh kích thích hiện tượng “vốn mỏng”, giảm thiểu nguy cơ trốn thuế, đảm bảo “sức khỏe” tài chính của DN.

Đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật sửa đổi, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan quản lý đã nhận diện được bức xúc trên của các DN. Bởi vậy, Bộ đã tính đến thực tế “vốn mỏng” khi xác định chi phí tính thuế trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi Luật thuế TNDN. Cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quy định về chi phí DN “vốn mỏng” huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân hàng, cũng như khống chế chi phí vốn vay/vốn chủ sở hữu theo thông lệ quốc tế khi xác định thu nhập chịu thuế, nhằm đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế đối với DN.