Rủi ro pháp lý, đừng để nước đến chân mới nhảy

Rủi ro pháp lý, đừng để nước đến chân mới nhảy

(ĐTCK) Mặc dù các DN Việt Nam đã bắt đầu có ý thức trong việc tự bảo vệ nhãn hiệu và tài sản trí tuệ, nhưng lộ trình để tự bảo vệ mình thì phần đông vẫn mù mờ.

Rủi ro pháp lý, đừng để nước đến chân mới nhảy ảnh 1Trung Nguyên đã từng theo nhiều vụ kiện bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu ở nước ngoài

 

Đó là quan điểm được nhiều ý kiến đồng tình tại Hội thảo “Luật sư hội nhập và các vấn đề pháp lý của DN” do Đoàn luật sư TP. Hà Nội tổ chức ngày 10/10. Tại hội thảo, các luật sư trong nhiều lĩnh vực đã tham gia đóng góp ý kiến và cảnh báo về các rủi ro pháp lý trong nhiều khía cạnh hoạt động DN, từ phòng vệ thương mại, vay vốn ngân hàng, soạn thảo hợp đồng, phạt vi phạm và bồi thường...

Theo Luật sư Bùi Anh Ngọc, đối với việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, từ trước đến nay, mới chỉ có 5 DN trong nước nộp đơn, quá ít so với con số 57 vụ kiện mà DN và hàng hóa Việt Nam đã đối mặt trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân chính là do DN Việt Nam chưa chủ động hoặc chưa đủ sức tận dụng các quyền được pháp luật trong nước và quốc tế quy định để bảo vệ mình.

Ở lĩnh vực xây dựng và bảo hộ thương hiệu, mới chỉ có 20% trong tổng số khoảng 500.000 DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam. Số lượng nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài thì còn ít hơn nhiều lần.

“Mặc dù DN Việt Nam đã có ý thức bảo vệ nhãn hiệu và tài sản trí tuệ, nhưng vẫn cần nhận thức lại tầm quan trọng của công tác xây dựng bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu như là công cụ đắc lực cho phát triển kinh doanh”, Luật sư Ngọc nói.

Ở khía cạnh khác, Luật sư Vũ Diệu Huyền, Công ty Luật hợp danh YKVN cảnh báo một số vấn đề pháp lý khi thực hiện giao dịch vay vốn ngân hàng. Trong quá trình hoạt động, gần như DN nào cũng cần đến nguồn vốn vay ngân hàng để khởi nghiệp hoặc mở rộng hoạt động. Trong quá trình đàm phán để vay vốn, có nhiều vấn đề pháp lý cần chú ý. Chẳng hạn, về chi phí vay vốn, thông thường DN chỉ lưu ý đến lãi suất cam kết thông thường, nhưng có những ngân hàng lại thêm vào hợp đồng điều khoản có thể điều chỉnh lãi suất khi có biến động thị trường, chịu chi phí gia tăng khi có thay đổi chính sách, thu thêm một số phí như phí thu xếp khoản vay, phí cam kết rút vốn, phí hủy bỏ cam kết cho vay, phí rút vốn vượt hạn mức, phí trả nợ trước hạn… DN cần nắm được mức phí và cách tính các loại phí để kiểm soát được tổng các chi phí mà họ sẽ phải bỏ ra khi vay vốn.

Liên quan đến các khoản phạt, bồi thường vi phạm hợp đồng, các luật sư khuyến cáo DN khi lập hợp đồng cần thỏa thuận rõ và tách biệt đâu là tiền bồi thường, đâu là tiền phạt. Bởi nếu không rõ ràng hoặc mô tả đó là khoản tiền phạt vi phạm dẫn đến đối phương cho rằng đây là số tiền bồi thường, trong trường hợp số tiền này lại vượt quá mức quy định thì phần vượt quá không có giá trị pháp lý. Mặc khác, nếu cho rằng đó là khoản tiền bồi thường mà các bên thỏa thuận trước thì không phù hợp, vì pháp luật dân sự và thương mại không quy định các bên được ấn định trước một khoản bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

Trước rất nhiều rủi ro pháp lý trong hoạt động, việc DN cần có nhân sự chuyên biệt về pháp chế hoặc sử dụng các dịch vụ tư vấn luật để phòng ngừa là giải pháp được khuyến cáo. Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam, nếu để sự kiện pháp lý xảy ra rồi thì việc giải quyết tranh chấp chỉ có thể vớt vát phần nào, chứ không thể tránh khỏi thiệt hại. Do đó, quan trọng hơn cả là phải phòng ngừa trước, rào trước rủi ro, chứ không nên để nước đến chân mới nhảy.

Qua thực tế hoạt động hiện nay, ông Lê Anh Văn, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực cho biết, công tác pháp chế tại các DN còn ít được chú ý, nhiều công ty không bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc không có luật sư tư vấn thường xuyên.

“Sự quan tâm đến công tác pháp chế của DN còn ít, chủ yếu khi xảy ra tranh chấp mới chú ý giải quyết. Do đó, các DN Việt Nam thường lúng túng, thua kiện, mà lỗi chủ yếu do ý thức pháp luật chưa tốt”, ông Văn nói, đồng thời cũng cho rằng, các luật sư, chuyên gia pháp chế cần sâu sát hơn khi tư vấn pháp lý cho DN trong từng vụ việc. Kể cả việc tham gia miễn phí vào các hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN của các tổ chức hiệp hội DN, của Nhà nước cũng là bước đi cần thiết để giới luật sư gắn kết hơn với hoạt động của DN, đồng thời tăng cường khả năng tranh tụng về các vấn đề kinh tế.