Văn bản hướng dẫn thuế làm méo luật

Văn bản hướng dẫn thuế làm méo luật

(ĐTCK) Theo các chuyên gia và đại diện cộng đồng DN, chính sách thuế hiện còn nhiều “khoảng tối”. Điều này thể hiện rõ nhất qua sự tồn tại của quá nhiều văn bản hướng dẫn, có những văn bản làm “méo mó” nội dung của luật.

DN bị “hành” vì “rừng” văn bản dưới luật

Tại hội thảo “Xu hướng cải cách thuế GTGT và thuế TNDN ở các nước và tác động” do Bộ Tài chính phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 8/8, ông Phạm Minh Đức đến từ World Bank (WB) cho biết, theo một nghiên cứu mới đây của WB, quản lý thuế của Việt Nam được đánh giá dưới mức trung bình theo thông lệ quốc tế ở tất cả 15 chức năng chính và chức năng hỗ trợ như: chống trốn lậu thuế, thanh tra, thu thuế…

“Việc có quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn dưới cả thông tư có nội dung ‘đá nhau’, cũng như tình trạng ưu đãi thuế tràn lan…, đang tạo ra sự không minh bạch trong quản lý thuế. Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân, DN trong chấp hành nghĩa vụ thuế”, ông Đức nói.

Đơn cử như trường hợp công văn do lãnh đạo Vụ Chính sách thuế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành ngày 5/11/2010 hướng dẫn cho phép CTCK TP. HCM (HSC) được trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu OTC. Thế nhưng, tại công văn ban hành ngày 7/9/2011, Bộ Tài chính lại không công nhận việc trích lập dự phòng của HSC…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng, việc có đến hàng trăm văn bản dưới cả thông tư đang là bất cập lớn nhất của chính sách thuế lẫn công tác hành thu. Điều đáng nói là nội dung hướng dẫn của nhiều văn bản làm “méo mó” các quy định trong luật, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế.

“Việc tồn tại rất nhiều văn bản hướng dẫn như vậy gây khó cho DN. Hệ quả là để không bị ‘hành’ trong quá trình kê khai, nộp thuế, không ít DN phải chạy chọt. Điều này không chỉ khiến thất thu ngân sách, mà còn tạo ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành thuế”, bà Lan cảnh báo.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, khâu yếu nhất trong cải cách hành chính của Việt Nam là cải cách thủ tục của ngành thuế và hải quan. Các văn bản dưới thông tư được ban hành tùy tiện, tràn lan đã tạo “đất” cho tình trạng “xin - cho”, tiêu cực. Nếu không sớm giải quyết bất cập lớn nhất này, thì ngay cả khi xây dựng được các luật tốt cũng rất khó phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, thời gian đầu khi áp dụng Luật thuế GTGT, có rất nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật. Có thời điểm, số lượng lên tới khoảng 200 văn bản dạng này…

 Văn bản hướng dẫn thuế làm méo luật ảnh 1

Cải cách, DN đợi gì?

Để khắc phục những bất cập trên, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần sớm “dọn dẹp” bớt số lượng văn bản hướng dẫn quá nhiều hiện tại. Cũng cần sớm cải cách một số nội dung được quy định trong Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT cho phù hợp hơn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề xuất, cần giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% từ mức 25% hiện nay. Đồng thời, cần luật hóa quy định về khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo hướng: trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của DN bị lỗ, thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau, để DN không bị lỗ, nhưng phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó…

Ngoài ra, nên cho phép DN được chuyển lỗ trong năm nào bất kỳ, nhưng không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, thay vì chuyển lỗ toàn bộ và liên tục như hiện tại.

Ông Tom McCelland, Chủ tịch Ủy ban Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu khuyến nghị: “Ngoài giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%, Việt Nam nên cho phép DN được khấu trừ toàn bộ chi phí quảng cáo, tiếp thị. Cũng cần tránh đánh thuế hai lần như hiện nay, bởi sau khi nộp thuế TNDN, phần lợi nhuận sau thuế DN chia cổ tức cho cổ đông lại tiếp tục bị đánh thuế cổ tức, thuế thu nhập cá nhân”.

Về hướng cải cách thuế GTGT, các chuyên gia đề nghị sớm giảm số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và chịu thuế suất 5%, tiến đến áp dụng một mức thuế suất. Cần thực hiện thống nhất một phương pháp khấu trừ thuế, cũng như quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế phù hợp. Không nên thu thuế GTGT đối với hoạt động cho vay dưới mọi hình thức…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, những kiến nghị, đề xuất trên sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT. Theo kế hoạch, hai luật sửa đổi, bổ sung này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong năm 2013 để áp dụng từ năm 2014.