5 ngày, tín dụng tăng bằng gần 5 tháng

5 ngày, tín dụng tăng bằng gần 5 tháng

Chỉ trong vòng mấy ngày cuối tháng 6/2014, tín dụng đã tăng phi mã một cách khó hiểu. Với đà tăng này, mục tiêu tăng trưởng 12-14% trong năm nay chỉ là “chuyện nhỏ”, dĩ nhiên, nếu đây là con số thật.

Sáng 9/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm 2014. Theo tài liệu mà NHNN phát đi cho báo chí, đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013.

Trước đó, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%. Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,22%, gần bằng với mức tăng tín dụng cả 5 tháng đầu năm cộng lại (tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/5 là 1,31%).

Sự tăng trưởng chóng mặt không chỉ xảy ra với tín dụng ngoại tệ, mà với cả tín dụng VND. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/6, tín dụng VND tăng 0,68%, tín dụng ngoại tệ tăng 10,51%. Trong khi đó, báo cáo của NHNN tại Hội nghị trên cho thấy, đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng VND đã tăng gấp 3,2 lần so với tốc độ tăng trưởng của gần 6 tháng đầu năm.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều thay đổi, tín dụng lại tăng nhanh như vậy?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng ngoại tệ tăng nhẹ trong nửa cuối tháng 6 là dễ hiểu, phù hợp với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và đây cũng là mức tăng được duy trì từ đầu năm.

“Tuy nhiên, tín dụng VND tăng vọt hơi khó hiểu, bởi nửa cuối tháng 6, sản xuất vẫn chưa có gì tiến triển, theo những thông tin mà tôi có được, nhu cầu vốn của khối doanh nghiệp chưa tăng. Nếu tín dụng tăng thật, thì khả năng tiền đang được rót vào trái phiếu, tín phiếu chứ không phải được đưa vào sản xuất”, vị thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói.

Được biết, dù tín dụng 6 tháng đầu năm rất thấp, song NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm nay. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, theo quy luật, tăng trưởng tín dụng cuối năm thường gấp đôi so với đầu năm. “Mức tăng trưởng tín dụng trên 10% hoàn toàn đạt được trong năm 2014”, Thống đốc khẳng định.

Sự tự tin của Thống đốc là có cơ sở. Còn nhớ, 6 tháng đầu năm 2013, tín dụng mới tăng 4,5%, đến tháng 10 mới tăng trên 7%, nhưng chỉ hai tháng sau, tức cuối năm 2013, tín dụng đã vọt lên 12,51%, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Cho nên, dù 6 tháng đầu năm nay tín dụng chỉ tăng 3,52%, nhưng nếu cuối năm có tăng 12-14%, thì hẳn dư luận cũng không mấy ngạc nhiên. Có điều, sự tăng trưởng “giật cục” và khó hiểu của tín dụng khiến không ít người nghi ngờ về tính xác thực của những số liệu này.

Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, nội dung được NHNN và lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung bàn thảo là tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm. NHNN cho biết, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, NHNN đã linh hoạt chấp thuận cho một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt định mức, thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên chạy theo mục tiêu tín dụng, mà quan trọng nhất là phải rót vốn vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Trên thực tế, tín dụng 6 tháng đầu năm đã hướng vào được những lĩnh vực ưu tiên, song tỷ trọng trong tổng tín dụng cả nước còn thấp.

Ông Phạm Xuân Hòe thừa nhận, 6 tháng qua, có một thực tế là dòng tiền của các ngân hàng thương mại vẫn đi vào trái phiếu chính phủ và Kho bạc Nhà nước, lòng vòng trong hệ thống ngân hàng mà chưa đi vào sản xuất.

Việc ngân hàng đầu tư quá nhiều vào trái phiếu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính lãnh đạo NHNN cảnh báo, khối lượng trái phiếu chính phủ và thâm hụt ngân sách tăng khiến lạm phát chịu nhiều áp lực. Do đó, việc tăng cường nắm giữ trái phiếu chính phủ, một mặt giúp các tổ chức tín dụng tăng dự trữ thanh khoản, nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn, nếu các tổ chức tín dụng không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.

Tin bài liên quan