Các ngân hàng đang phải khuyến khích khách hàng vay vốn bằng tiền đồng, với nhiều chính sách ưu đãi.

Các ngân hàng đang phải khuyến khích khách hàng vay vốn bằng tiền đồng, với nhiều chính sách ưu đãi.

Áp lực tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK-online) Do không thể mạnh tay cắt giảm chi phí đầu vào để hạ lãi suất đầu ra, nên áp lực tăng trưởng dư nợ tín dụng càng đè nặng lên chỉ tiêu lợi nhuận của các ngân hàng. Vì thế, không những với huy động vốn, mà cuộc đua tiếp thị vốn vay cũng được các ngân hàng bắt đầu khởi động. Thực tế, so với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng trong năm nay khoảng 25%, tín dụng tăng trưởng 8% trong 5 tháng đầu năm 2010 là tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Ngày 1/6, HDBank triển khai sản phẩm "Ứng trước tài khoản cá nhân", cho phép khách hàng có thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên được sử dụng vượt số tiền có trong tài khoản lên đến 500 triệu đồng. Khách hàng chỉ phải trả lãi suất trên số tiền và số ngày thực tế ứng trước trong thời gian 3 - 12 tháng. Tùy theo điều kiện và nhu cầu, khách hàng có thể chọn hình thức ứng trước tài khoản không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm. Cụ thể, với ứng trước tài khoản có tài sản bảo đảm, khách hàng sẽ được cấp giá trị hạn mức tối thiểu là 20 triệu và tối đa là 500 triệu đồng, tùy thuộc vào thu nhập tích lũy, khả năng tài chính và giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng. Còn nếu ứng trước tài khoản không có tài sản bảo đảm, giá trị hạn mức được cấp tối đa là 5 lần thu nhập hàng tháng và không vượt quá 200 triệu đồng.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank nhận định, cho vay tiêu dùng là sản phẩm chủ đạo hiện nay đối với phát triển tín dụng. Chính sách lãi suất thoả thuận đối với mảng tín dụng là chất xúc tác đẩy mạnh các hoạt động cho vay của ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm vay mua sắm, tiêu dùng. Hiện ABBank áp dụng lãi suất cho vay cá nhân từ 14,5% đến 16%/năm. Nhưng để ngân hàng và người đi vay thực sự gặp được nhau, ông Thái cho rằng, việc mở các chương trình ưu đãi, khuyến mại thêm ngoài lãi suất là cần thiết

Từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng cá nhân của ABBank đạt 4.210 tỷ đồng. Trong đó, vay mua nhà đạt 1.930 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ vay cá nhân. ABBank kỳ vọng, dư nợ tín dụng cá nhân sẽ đạt 7.000 tỷ đồng vào cuối năm.

Để đạt được điều này, ngoài mức lãi suất như trên, ABBank còn có ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Cụ thể, từ ngày 1/6 đến ngày 31/8, Ngân hàng triển khai chương trình "Vay tiền đắc lộc" VND dài hạn. ABBank tặng 300 thẻ Visa Gold debit, mỗi thẻ trị giá 500.000 đồng, cho 300 khách hàng đầu tiên giải ngân từ 500 triệu đồng trở lên. Trước đó không lâu, ngân hàng này dành ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn ngoài lãi suất13,5% - 14,5%/năm.

Theo đánh giá chung, hiện mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, nhưng tâm lý của người vay vẫn kỳ vọng lãi suất thỏa thuận sẽ "mềm" hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ, chủ trương của Chính phủ là từng bước giảm lãi suất huy động vốn xuống 10%/năm và cho vay còn 12%/năm. Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ "làm nghiêm" với các ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi 12%/năm để từ đó ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay thỏa thuận và nền kinh tế hấp thụ vốn tốt hơn trong 2 quý cuối năm.

Số liệu vừa được đưa ra từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng 1 là 0,26%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,26%, tháng 4 tăng 1,64%, tháng 5 tăng cao nhất là 1,7%, cộng dồn mức tăng dư nợ toàn ngành 5 tháng đầu năm 2010 khoảng 8%. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 25% thì có vẻ hơi thấp, nhưng NHNN cho biết, luôn có những biện pháp kỹ thuật để đảm bảo ổn định vốn cho sản xuất - kinh doanh.

Đại diện NHNN Chi nhánh TP. HCM cho hay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn trong tháng 5/2010 vẫn ổn định. Cụ thể, tháng 3, tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM là 1,13%, tháng 4 tăng 1,16%, ước dư nợ tín dụng tháng 5 của ngân hàng trên địa bàn đạt 578.100 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 4.

Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm là dư nợ cho vay bằng VND của các ngân hàng trên địa bàn này có chiều hướng giảm. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2010, tín dụng bằng VND của các ngân hàng giảm 2,34%. Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ tăng đến 16%. Riêng khối ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP. HCM có tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cao nhất trong 4 tháng đầu năm, với mức tăng 13,1% so với cuối năm 2009. Đồng thời, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của khối ngân hàng này tăng 14,9% so với cuối năm trước.

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 25/5, dư nợ tín dụng bằng VND của hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2009, trong khi dư nợ đối với ngoại tệ tăng tới 25%. Chính vì lãi suất cho vay bằng tiền đồng tạo áp lực cho doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay vốn ngoại tệ, khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng của đồng vốn này tăng đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2010.

Do vậy, các ngân hàng đang phải ra sức "chiêu dụ” khách hàng vay vốn bằng tiền đồng, với nhiều chính sách ưu đãi, ngoài việc áp dụng mức lãi suất thỏa thuận hiện nay. Vì tỷ trọng nguồn thu đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn từ tín dụng, nên áp lực tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trong năm nay là không nhỏ, cho dù chỉ tiêu xây dựng cho năm 2010 không cao hơn năm trước.

Song cái khó nhất của các ngân hàng hiện nay, theo đánh giá của một cán bộ cấp cao trong ngành, là nguồn vốn huy động, đặc biệt với bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân sụt giảm. Bởi lẽ, bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân, tiền gửi thanh toán thường có mức lãi suất huy động thấp hơn nên chi phí liên quan thấp hơn. Vì vậy, rất khó để các ngân hàng điều chỉnh giảm nhanh lãi suất huy động bình quân đầu vào, từ đó có lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức thấp hơn và phù hợp hơn.