Thiếu cơ chế, ngân hàng không thể cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thiếu cơ chế, ngân hàng không thể cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo lãnh tín dụng, cần nhưng khó làm

Đang có chủ trương lập các quỹ bảo lãnh tín dụng (QBLTD) để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn ngân hàng (NH). Thế nhưng, NH và DN cùng cho rằng nên có cơ chế để thúc đẩy NH mở rộng cho vay tín chấp đối với DNVVN, đó là sớm thực hiện lãi suất thỏa thuận.

Từ năm 2001 Chính phủ đã có chủ trương lập QBLTD, sau đó đã vài lần sửa quy chế nhưng cũng chỉ có vài địa phương lập được quỹ và trong hoạt động còn gặp nhiều trở ngại, số DN được bảo lãnh gần như không đáng kể.

 

Ai được, ai không?

 

Từ những năm 2004, TP.HCM  đã quyết liệt thành lập QBLTD cho DNVVN. Hiện vốn điều lệ của QBLTD này là 50 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP.HCM đóng góp 46 tỷ đồng, còn lại là của hai NH Vietcombank và Á Châu. Trước đây đã có nhiều NH được vận động góp vốn vào quỹ nhưng số NH thực góp không nhiều như cam kết ban đầu. Đến nay,  số DN được quỹ bảo lãnh chưa nhiều. Còn  nhiều trở ngại để DNVVN vay vốn NH thông qua bảo lãnh của quỹ.

 

Theo bà Lê Thanh Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Cơ Phát, có nhiều  DNVVN mang tính chất hộ gia đình, khó có thể lập một phương án kinh doanh khả thi để NH chấp thuận cho vay qua sự bảo lãnh QBLTD. Còn theo một doanh nhân trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân Sài Gòn, QBLTD của TP hiện ưu tiên những ngành nghề thuộc chủ yếu là những DN lớn, những DNVVN không thuộc nhóm ngành nghề ưu tiên này sẽ khó tiếp cận nguồn vốn do bảo lãnh của quỹ chỉ có giới hạn.

 

Chưa kể QBLTD chỉ bảo lãnh để DN vay một phần vốn chứ không phải vay tất cả. Vốn điều lệ của quỹ chỉ có 50 tỷ đồng, trong khi số DNVVN thì nhiều, vì thế nhiều DN vẫn chưa mặn mà với kênh bảo lãnh tín dụng này.

 

Có cơ chế là có tín chấp

 

Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết, QBLTD nhằm bắc cầu để các DNVVN vay vốn NH thông qua bảo lãnh của bên thứ ba. Trên thực tế, NH có hình thức cho vay đơn giản hơn, đó là vay tín chấp. Cơ chế cho vay này được hình thành sau khi NH Nhà nước cho phép các NH được quyền quyết định về tài sản thế chấp hoặc cho vay tín chấp.

 

Vì vậy theo vị lãnh đạo này, trước đây khi được vận động góp vốn vào QBLTD , NH này đã từ chối vì hoạt động của quỹ trùng lắp với các hoạt động của NH. Chưa kể, NH thấy chưa ổn khi NH dùng tiền của mình góp vốn điều lệ cho quỹ rồi lại đi bảo lãnh cho DN vay vốn của chính NH.

 

Tuy nhiên, gần đây NH ngại cho vay tín chấp vì LS cho vay bị khống chế nên không đủ để bù đắp những khoản rủi ro phát sinh. Cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng có rủi ro cao. NH sẽ tính toán lãi suất cho vay sao cho phù hợp với mức độ rủi ro của từng đối tượng vay. Trần lãi suất cho vay là 15%, NH không có lựa chọn: cho DN vay tín chấp hoặc cho DN vay thế chấp cũng cùng một mức lãi suất.

 

Cho vay thế chấp, nếu có rủi ro NH còn có tài sản để thu nợ, nhờ vậy mức trích dự phòng rủi ro thấp hơn. Trường hợp cho vay tín chấp, khách vay không trả được nợ thì NH phải trích dự phòng đủ 100%. Điều này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của NH và quyền lợi của các cổ đông.

 

Vì vậy, theo chủ tịch hội đồng quản trị một NH cổ phần, nên tạo cơ chế, sớm trả lãi suất lại cho thị trường để NH quyết định hình thức cho vay tín chấp hay thế chấp đối với các DN. Các NH có chương trình, bộ phận chuyên cho vay DNVVN vì đó là đối tượng khách hàng được NH đặc biệt quan tâm. Các NH đều có bộ phận thẩm định, xét duyệt hồ sơ và họ là người theo dõi sát sao hoạt động của các DNVVN, sẽ dễ dàng quyết định hơn là phải thông qua một đơn vị thứ ba. Theo vị lãnh đạo NH này, nếu có cơ chế vốn NH sẽ đến với DNVVN.

 

Thêm bà đỡ cho doanh nghiệp nhỏ

 

Theo một chuyên gia kinh tế, QBLTD là cầu nối giữa DN và NH nhưng không có cầu vẫn tốt hơn! Bị vướng trần lãi suất, NH hạn chế cho vay tín chấp, giảm luôn cả các khoản cho vay có rủi ro cao, trong đó có vay tiêu dùng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nguồn vốn của xã hội không được phân bổ hợp lý. Chỉ có những DN ăn nên làm ra, có nhiều tài sản mới vay được vốn. Còn những DN nhỏ, hộ cá thể, hộ nông dân… chưa có tích lũy thì khó vay NH.

 

Theo chuyên gia này, có thêm nhiều QBLTD để làm cầu nối giữa NH và DN là cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu hệ thống NH cùng tham gia cho vay tín chấp, xem cho vay tín chấp là một cách thức cạnh tranh. Khi đó, số DNVVN có cơ hội được tiếp cận vốn NH mà không cần phải có tài sản thế chấp sẽ nhiều hơn.

 

Được bảo lãnh vẫn phải có tài sản thế chấp

 

Ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc QBLTD cho DNVVN TP.HCM cho biết, Quỹ sẽ cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNVVN có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động; ưu tiên cho ứng dụng công nghệ mới, hàng xuất khẩu, DN nằm trong chương trình sản phẩm chủ lực của TP.

 

Điều kiện để được bảo lãnh tín dụng là DN có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có vốn tự có tối thiểu 10%, có tài sản thế chấp, cầm cố  tại NH tối thiểu bằng 30% giá trị khoản vay... Về mức bảo lãnh, quỹ chỉ cấp bảo lãnh tín dụng tối đa bằng 80% phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của DN tại NH. Khi bảo lãnh qua quỹ, DN sẽ trả phí bảo lãnh là 0,8%/năm trên tổng số tiền được bảo lãnh.