Chứng khoán Mỹ đã có ngày phục hồi mạnh với biên độ trên 3,3% sau khi giảm trên 8% phiên trước đó - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ đã có ngày phục hồi mạnh với biên độ trên 3,3% sau khi giảm trên 8% phiên trước đó - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh

Ngày 2/12, đà tăng mạnh của cổ phiếu khối tài chính, năng lượng đã giúp chứng khoán Phố Wall phục hồi mạnh.

Hôm thứ Ba, Tổng thống đắc cử Barack Obama vừa công bố kế hoạch phục hồi kinh tế bằng việc giảm thuế, tăng chi tiêu công. Theo ông Obama, trong 2 năm tới, một gói kích thích kinh tế trị giá 500 tỷ USD sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn, đồng thời sẽ tạo ra 2,5 triệu việc làm cho người dân.

 

Các chỉ số đều tăng trên 3,3%

 

Một thông tin đáng chú ý trong ngày liên quan đến các quỹ phòng hộ - đầu cơ trên thế giới, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Lipper TASS, tài sản của các quỹ đầu cơ trên thế giới đã giảm 170 tỷ USD trong quý 3/2008, đưa tổng thiệt hại của họ trong 9 tháng lên tới 1.630 tỷ USD.

 

Theo nhận định của giới phân tích, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm trong thời gian qua - đặc biệt là các cổ phiếu blue-chip, khiến tài sản của nhiều quỹ đầu cơ có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh.

 

Ngày 2/12, Bank of America đã công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm trong bộ phận ngân hàng đầu tư, chiếm 20% trong số 50.000 việc làm của bộ phận này. Việc cắt giảm nhân sự của Bank of America sẽ được thực hiện sớm nhất là trong tuần này và muộn nhất là cuối năm 2008.

 

Nhiều nguồn tin khác cho hay, Bank of America sẽ thực hiện biện pháp nhằm tiết kiệm 7 tỷ USD, nên rất có thể ngân hàng này sẽ cắt giảm 30.000 việc làm nữa trong vài năm tới. Hiện Bank of America và ngân hàng trực thuộc - Merrill Lynch có tổng số 260.000 người làm việc.

 

Trước đó, Ngân hàng JPMorgan Chase cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 9.200 việc làm, tương đương 21% lực lượng lao động ở Ngân hàng Washington Mutual - mà họ đã thâu tóm dưới sự bảo trợ của nhà chức trách liên bang. Theo kế hoạch, JPMorgan Chase sẽ cắt giảm 4.000 việc làm trong tháng 1/2009 và 5.200 việc làm trong khoảng thời gian sau đó.

 

Cũng liên quan đến khối tài chính, tờ Wall Street Journal vừa loan báo về con số ước lượng mức thua lỗ của Ngân hàng Goldman Sachs trong quý 4/2008. Theo đó, giới phân tích đã nhận định Goldman Sachs sẽ lỗ khoảng 2 tỷ USD, tương đương -1,46 USD/cổ phiếu trong quý 4.

 

Được biết, trong 6 tháng trước, giới phân tích đã nhận định lợi nhuận của Goldman Sachs sẽ đạt 5,4 USD/cổ phiếu; một tháng trước, con số ước tính chỉ còn 2,34 USD/cổ phiếu và nay giới phân tích dự báo Goldman Sachs sẽ thua lỗ.

 

Liên quan đến 3 nhà sản xuất ôtô hàng đầu ở Mỹ, General Motors, Ford Motor và Chrysler vừa đệ trình lên Quốc hội Mỹ để cầu viện một gói giải cứu trị giá 34 tỷ USD thay vì 25 tỷ USD như dự kiến trước kia.

 

Theo đó, General Motors cầu viện một gói giải cứu trị giá 18 tỷ USD, trong đó General Motors đề nghị một khoản tiền mặt trị giá 4 tỷ USD để đáp ứng hoạt động kinh doanh tạm thời; Ford Motor đệ trình khoản khoản vay 9 tỷ USD; Chrysler đề nghị một gói hỗ trợ trị giá 7 tỷ USD.

 

Chứng khoán Mỹ đã có ngày phục hồi mạnh với biên độ trên 3,3% sau khi giảm trên 8% phiên trước đó. Đà phục hồi được hỗ trợ bởi thông tin General Electric cam kết vẫn giữ nguyên mức cổ tức chi trả trong năm 2008 như đã công bố trước đó.

 

Các cổ phiếu khối tài chính, năng lượng, sản xuất ôtô, công nghệ đều tăng điểm mạnh kéo cả ba chỉ số cùng khởi sắc.

 

Cổ phiếu khối tài chính phiên này đã tăng 8% sau khi có ngày giảm điểm với biên độ lớn trong phiên giao dịch đầu tuần, trong đó cổ phiếu Citigroup lên 11,94%, cổ phiếu JPMorgan tăng 9,23%, cổ phiếu Bank of America tiến thêm 11,83%, cổ phiếu Merrill tăng 14,12%.

 

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô cũng lên điểm ấn tượng, trong đó, cổ phiếu của General Motors (NYSE-GM) lên 5,66%, cổ phiếu Ford Motor (NYSE-F) tăng 5,84%.

 

Tuy nhiên, nếu so sánh diễn biến giá cổ phiếu của hai hãng này với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones thì có thể thấy mức sụt giảm của GM và F đều thấp hơn hai lần so với hai chỉ số.

 

Điểm qua kết giao dịch ngày 2/12: chỉ số công nghiệp Dow Jones lên 270 điểm, tương đương 3,31%, đóng cửa ở mức 8.419,09.

 

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 51,73 điểm, tương đương 3,7%, chốt ở mức 1.449,8.

 

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 32,6 điểm, tương đương 3,99%, đóng cửa ở mức 848,81.

 

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,62 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,14 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 mã lên điểm thì có 1 mã xuống điểm.

 

Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ khối ngân hàng

 

Ngày 2/12, cơ quan thống kê châu Âu đã cho biết, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 10 đã giảm 0,8% so với tháng 9, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/1986. Như vậy, mức tăng hàng năm của chỉ số PPI tính đến tháng 10 là 6,3%.

 

Liên quan đến Tập đoàn British Airways, hãng hàng không của Anh vừa cho biết đang trong tiến trình đàm phán để sáp nhập với hãng hàng không của Australia - Qantas Airways. Cổ phiếu của British Airways đã lên hơn 5% sau thông tin đó được công bố, đưa cổ phiếu này tăng 17,5% so với tháng 10.

 

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại nhờ sức tăng mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng.

 

Cổ phiếu khối ngân hàng đã phục hồi trởi lại sau khi giảm mạnh phiên trước đó, trong đó cổ phiếu Banco Santander, Royal Bank of Scotland , UBS tăng từ 4,8% đến 16,8%.

 

Các cổ phiếu khối năng lượng như BP, Royal Dutch Shell và Total tăng từ 2,6% đến 2,8%.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 57,37 điểm, tương đương 1,41%, đóng cửa ở mức 4.122,86, khối lượng giao dịch đạt 2,33 tỷ cổ phiếu.

 

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 3,12%, khối lượng giao dịch đạt 38 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,35%, khối lượng giao dịch đạt 168 triệu cổ phiếu.

 

Chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh

 

Những nỗ lực phục hồi của chứng khoán châu Á đã bị ngăn lại bởi những thông tin bi quan về kinh tế thế giới, mặc dù trong tuần trước, thị trường đã có 6 ngày lên điểm ấn tượng, đưa các chỉ số tăng trên 10%. Những tưởng một đợt phục hồi sẽ giúp các chỉ số sớm “hồi sinh”, nhưng diễn biến trong hai ngày đầu tháng 12 đã cho thấy một viễn cảnh khác.

 

Loạt tin tức vĩ mô xấu đến từ Mỹ cũng như những công bố về hoạt động xuất khẩu suy giảm của nhiều nước đã ngăn đà tăng của chứng khoán thế giới nói chung và chứng khoán khu vực nói riêng.

 

Ngày 2/12, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất qua đêm ở mức 0,3%, đồng thời chính thức công bố kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nước này tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn thông qua chương trình cho vay đặc biệt giúp khối này thoát khỏi khó khăn.

 

Theo đó, từ ngày 9/12, BoJ sẽ bắt đầu chấp nhận các trái phiếu được xếp hạng từ BBB trở lên là tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ BoJ và sẽ cho các ngân hàng thương mại được tiếp cận một chương trình cho vay mới vào tháng 1/2009.

 

Chứng khoán Nhật đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tuần qua, do tác động từ phiên giảm điểm trên 8% của thị trường Mỹ cũng như những quan lại liên quan đến sức khỏe nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đồng Yên phiên này đã lên giá mạnh khiến cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn ở nước này trượt dốc.

 

Trên thị trường tiền tệ, 1 USD có thời điểm đổi được 92,87 Yên, trước khi đóng cửa ngày giao dịch ở mức 93,38 Yên ăn 1 USD. Điều này khiến giới đầu tư tăng mạnh bán cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn, trong đó cổ phiếu Honda mất 6,9%, cổ phiếu Toyota hạ 4,1%, cổ phiếu Kyocera giảm 7%.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 533,53 điểm, tương đương -6,35%, chốt ở mức 7.863,69. Khối lượng giao dịch đạt 1,89 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 10 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

 

Liên quan đến Hàn Quốc, ngày 2/12, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, GDP của nước này trong quý 3/2008 đã tăng 0,5% - thấp hơn 0,1% so với ước lượng từ hồi tháng 10, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Như vậy, GDP của Hàn Quốc trong quý 3/2008 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI tiếp tục giảm 35,42 điểm, tương đương 3,35%, chốt ở mức 1.023,2.

 

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 3,57%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 2,39%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 4,98%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,26%.


Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.149,09 8.419,09 Up270,00 Up3,31
Nasdaq 1.398,07 1.449,80 Up 51,73 Up3,70
S&P 500 816,21 848,81 Up 32,60 Up3,99
Anh FTSE 100 4.065,49 4.122,86  Up 57,37 Up1,41
Đức DAX 4.394,79 4.531,79  Up137,00 Up3,12
Pháp CAC 40 3.080,43 3.152,90 Up 72,47 Up2,35
Đài Loan Taiwan Weighted 4.518,43 4.356,98 Down161,45 Down3,57
Nhật Nikkei 225 8.397,22 7.863,69 Down533,53 Down6,35
Hồng Kông Hang Seng 14.108,84 13.405,85 Down702,99 Down4,98
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.058,62 1.023,20 Down 35,42 Down3,35
Singapore Straits Times 1.704,79 1.649,86 Down 40,37 Down2,39
Trung Quốc Shanghai Composite 1.894,61 1.889,64 Down  4,98 Down0,26
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg