Các ngân hàng đang chạy đua phát triển mạng lưới sản phẩm bán lẻ.

Các ngân hàng đang chạy đua phát triển mạng lưới sản phẩm bán lẻ.

Hợp tác đa ngành nghề: Xu hướng mới của ngân hàng

(ĐTCK-online) Không chỉ chọn những đối tác trong ngành để bắt tay liên kết, mà xu hướng của ngân hàng Việt Nam hiện nay là hợp tác trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Theo các ngân hàng, việc chọn đối tác chiến lược không chỉ thu hút công nghệ, chiến lược quản trị và vốn, mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, cùng phối hợp phát triển sản phẩm, mạng lưới và quan trọng hơn cả là ngân hàng sẽ thu hút được lượng khách hàng tiềm năng. Sự kiện bắt tay hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Tập đoàn Kinh Đô cùng 15 đối tác nội cách đây không lâu đã nói lên điều đó.

Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, để thu hút công nghệ, chiến lược phát triển cũng như phương pháp quản trị thì ngân hàng phải chọn nhà băng nước ngoài. Còn để thu hút khách hàng, mở rộng mạng lưới hoạt động và phát triển thêm nhiều sản phẩm tiện ích, ngân hàng nên chọn đối tác ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy, sau khi bắt tay cùng 16 đối tác nội và bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), ngày 24/10 Eximbank tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE).

Theo Eximbank, CBRE là một trong những nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, với các dịch vụ tư vấn đầu tư, phân tích, thẩm định, sắp xếp vốn cho các dự án… Điều đó rất cần thiết cho Ngân hàng trong quá trình phát triển. Thông qua sự hợp tác này, Eximbank sẽ đem đến cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng một sản phẩm kết hợp với đầy đủ tiện ích thuộc 2 lĩnh vực ngân hàng và địa ốc. Sự tiện ích của sản phẩm "một cửa" này là tính trọn gói khi khách hàng đến với Eximbank hoặc CBRE đều có thể sử dụng và giao dịch sản phẩm của 2 bên.

Sự hợp tác chiến lược mang tính toàn diện giữa Eximbank và CBRE                                                                              sẽ đem lại cơ hội để cả 2 bên chia sẻ sản phẩm, dịch vụ, cơ hội kinh doanh, khách hàng, mở rộng hoạt động đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Giám định Vinacontrol (Vinacontrol) cũng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhiều mặt vào ngày 24/10. Đây là lần đầu tiên, ở Việt Nam hình thành liên kết toàn diện giữa một ngân hàng thương mại và công ty giám định. Phía Vinacontrol sẽ cung cấp cho khách hàng của Techcombank dịch vụ giám định, thẩm định giá hàng hóa, đặc biệt các hàng hóa là tài sản bảo đảm (hàng nông sản, thép, phân bón, máy móc, thiết bị…). Còn  Techcombank sẽ phối hợp với Vinacontrol để cung cấp dịch vụ logistics cho khách hàng như một phần trong sản phẩm tài chính kho vận của Ngân hàng.

Ngày 19/10, Ngân hàng Sacombank cùng Công ty Trường Hải ký hợp đồng hợp tác chiến lược và hợp đồng cho vay vốn mua ôtô. Theo đó, Sacombank sẽ đầu tư vào Trường Hải thông qua hình thức mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty, đồng thời cho khách hàng vay mua các sản phẩm ôtô của Trường Hải. Ngoài ra, Sacombank còn có các chính sách hỗ trợ về công tác quản trị chiến lược; xác lập quan hệ, chính sách tín dụng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tài chính cho Trường Hải như: cung cấp vốn để thực hiện dự án, các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Trường Hải cam kết sẽ ưu tiên chọn Sacombank làm ngân hàng giám sát vốn, mở tài khoản và thực hiện mọi giao dịch thông qua tài khoản mở tại Sacombank.

Bên cạnh đó, toàn bộ giao dịch tài chính (bao gồm các khoản vay ngắn và dài hạn, khoản thuê mua tài chính, khoản tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi thanh toán…) của Trường Hải và các công ty trực thuộc cũng được chuyển về giao dịch tại Sacombank. Ngoài ra, Sacombank đã ký thỏa thuận hợp tác với Military Bank, Habubank, Công ty Hữu Liên Á Châu, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh…

Thời gian gần đây, việc liên kết, hợp tác giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế đã trở thành một xu hướng khá phổ biến, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, việc chạy đua liên kết, bắt tay với các doanh nghiệp đa ngành nghề hiện nay được xem là giải pháp hữu hiệu của ngân hàng trong việc mở rộng thị phần. Qua đó, ngân hàng sẽ thu hút được số lượng khách hàng tiềm năng, có nhu cầu vốn và tài khoản giao dịch trong thanh toán.