Huy động - cho vay ngoại tệ giảm: Có dài hạn?

Huy động - cho vay ngoại tệ giảm: Có dài hạn?

(ĐTCK-online) Các ngân hàng cho biết, lượng ngoại tệ của khách hàng gửi vào ngân hàng đang có dấu hiệu giảm dần và có xu hướng chuyển sang tiết kiệm tiền đồng nhiều hơn kể từ khi NHNN áp trần lãi suất 3%/năm và tăng thêm 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ cũng như trước diễn biến dịu dần của tỷ giá và lãi suất tiền đồng tăng cao.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, chỉ tính trong tháng 4/2011, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ của Ngân hàng (quy đổi sang tiền đồng) giảm khoảng 100 tỷ đồng, trong khi huy động vốn bằng VND tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với một tháng trước đó. Ông Thái nhận định, xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ ngoại tệ sang tiền đồng đang dần rõ nét.

Một lãnh đạo cấp cao của Eximbank cũng nhận định, các cá nhân đang có xu hướng chuyển từ tiền gửi bằng ngoại tệ sang tiền gửi bằng VND và ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có hành động tương tự.

Thực tế, với mức lãi suất được các ngân hàng áp dụng cho tiền gửi bằng ngoại tệ từ cao nhất 6,5%/năm trước đây xuống còn 3%/năm, không ít khách hàng đã chuyển sang gửi tiền đồng để hưởng lãi suất lên đến 17 - 18%/năm.

Ở đầu ra, tín dụng ngoại tệ cũng có xu hướng giảm xuống do các doanh nghiệp nhập khẩu tận dụng việc tỷ giá có xu hướng giảm trong khoảng cuối tháng 4, nửa đầu tháng 5 để mua USD thay vì vay để thanh toán. Một lý do khác là phía ngân hàng cũng hạn chế cho vay USD do nguồn huy động không còn dồi dào như trước (một phần do kiều hối chảy về Việt Nam giảm).

Theo NHNN Chi nhánh TP. HCM, nếu như các tháng trước, cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tăng trưởng cho vay tiền đồng thì trong tháng 4/2011, cho vay bằng tiền đồng và USD của các ngân hàng trên địa bàn cùng ở mức thấp là 0,3%, trong khi tăng trưởng huy động tiền đồng và USD của tháng 4 cùng ở mức 0,5%.

Lý giải về hiện tượng trên, một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, đó là do các chính sách điều tiết mới của NHNN như Thông tư 07/2011/TT-NHNN quy định về việc vay vốn bằng USD tại các ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 9/5); áp trần lãi suất 3%/năm đối với tiền gửi bằng USD và tăng dự trữ bắt buộc thêm 2% đối với tiền gửi ngoại tệ (tại Quyết định số 750/QĐ-NHNN).

Thông tư 07 nêu rõ, ngân hàng chỉ được cho vay ngoại tệ nếu khách hàng cam kết có ngoại tệ trả nợ. Theo đó, các khách hàng muốn vay ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để nhập khẩu hàng hóa phải có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc của tổ chức tín dụng khác được cam kết bằng văn bản. Điều này sẽ loại bớt các đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nội địa và không có nguồn thu bằng ngoại tệ.

Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ tăng thêm 2%, các nhà băng phải giữ lại nhiều hơn nguồn vốn huy động bằng USD để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc cao hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, sở dĩ tín dụng USD đang có xu hướng chững lại, ngoài các lý do trên cũng có thể là do "room" vay vốn nước ngoài để triển khai tín dụng USD của ngân hàng đã cạn. Thực tế, thời gian qua, vốn huy động bằng ngoại tệ tăng trưởng thấp hơn dư nợ USD và được bù đắp bằng nguồn ngoại tệ vay nợ nước ngoài. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển từ đầu tư gián tiếp vào Việt Nam qua các ngân hàng sang trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp.

Diễn biến của thị trường mua - bán ngoại tệ và thị trường huy động - cho vay ngoại tệ thời gian qua rõ ràng là đang theo chiều hướng tích cực, thuận theo mục tiêu chống tình trạng đô la hoá nền kinh tế. Tỷ giá giảm, tăng trưởng huy động và cho vay ngoại tệ giảm.

Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, USD có dấu hiệu tăng giá trở lại bên cạnh suy giảm kiều hối. Liên tục từ 13/5, giá USD bán ra của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tăng từ 20.620 lên 20.850 đồng/USD; giá USD bán ra trên thị trường tự do tăng từ 20.580 lên 20.780 đồng/USD. Có ngân hàng đã yết giá bán USD tại mức 20.880 đồng/USD, nghĩa là đã chấm dứt trạng thái giá bán ra USD dưới trần mới tạo dựng được trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây.

Bên cạnh đó, trong điều kiện lãi suất tiền đồng tăng cao như hiện nay chỉ hỗ trợ giảm găm giữ USD.Nhưng đối với tín dụng, nếu lãi suất cho vay USD không tăng lên theo, khoảng chênh lệch giữa lãi suất cho vay bằng USD và bằng VND sẽ doãng ra trở lại và kích thích doanh nghiệp vay USD thay vì vay tiền đồng. Đó là những dấu hiệu đi ngược lại với xu hướng tích cực vừa qua.

Lộ trình chống đô la hoá nền kinh tế thực tế mới đi được nửa đường bởi về bản chất, nó phải bao gồm cả quá trình chống "vàng hoá", mà lộ trình chống vàng hoá lại không thể tách rời việc huy động số dự trữ vàng trong dân vào việc phục vụ nền kinh tế. Đến nay, đề án xây dựng một sở giao dịch vàng tập trung nhằm giải quyết vấn đề này vẫn còn trong vòng tranh luận. Ngoài ra, một trong những gốc rễ của hiện tượng đô la hoá là niềm tin vào đồng nội tệ, nhưng nó vẫn còn chông chênh bởi bối cảnh lạm phát cao hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, việc đồng USD tăng giá trở lại chỉ mang tính chất kỹ thuật. Theo ý kiến này, khi giá USD đã giảm khoảng 1.000 đồng/USD thì việc tăng giá trở lại (cho đến nay) khoảng 250 đồng/USD là hoàn toàn bình thường. Ý kiến này có thể đúng, song diễn biến thị trường trong thời gian tới mới là câu trả lời cuối cùng, trong bối cảnh tính đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5, sắp được định kỳ công bố.