Ngân hàng và doanh nghiệp đều khát vốn.

Ngân hàng và doanh nghiệp đều khát vốn.

“Ngân hàng chèn ép doanh nghiệp”

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm vừa có ý kiến báo động với Ngân hàng Nhà nước về việc doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất vượt quá cao so với trần quy định.

Chủ đề được giới doanh nghiệp bàn tán nhiều nhất những ngày này là vay vốn kiểu "tín dụng đen" ngay trong ngân hàng.

 

Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay và huy động không vượt quá 150% lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Với lãi suất cơ bản 8% hiện nay, các ngân hàng chỉ được phép cho vay không quá 12% một năm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải vay với lãi suất cao hơn thế 3-4%, thậm chí vênh tới 6-7%.

 

Có đủ lý do để ngân hàng hợp thức hóa khoản chênh lệch này, nào là phí quản lý, đảm bảo tài sản, nào là phí kiểm tra tài sản, rồi phí quản lý hạn mức, những loại phí một thời bị cấm nay lại bung ra như nấm sau mưa. Không vay thì không có vốn sản xuất kinh doanh, vay thì doanh nghiệp phải chịu chi phí đội lên mà không thể hạch toán để tính thuế.

 

Đây không phải lần đầu tiên trong ngân hàng xuất hiện chuyện 2 giá, lãi suất hay tỷ giá niêm yết công khai trên bảng chỉ để làm cảnh, thực vay thực mua sẽ phải chịu mức cao hơn. Nhưng hiện tượng này tái bùng phát ở mức độ nghiêm trọng hơn khi mà gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% chấm dứt, hỗ trợ vay trung dài hạn chỉ còn một nửa, lãi suất cơ bản lại tăng khiến doanh nghiệp than trời đây thực sự là cú sốc kép. Nếu tính tất cả các loại chi phí ngoài lãi suất, giá vốn năm nay đắt gần gấp 3 lần năm ngoái.

 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong hai nhiệm kỳ, thấu rõ hoạt động của ngành, song cũng không hài lòng trước cảnh ngân hàng chèn ép doanh nghiệp như hiện nay. Các doanh nghiệp hội viên của ông gần đây rất bức xúc vì không thể tiếp cận vốn vay, nếu may mắn thì phải ngậm bò hòn làm ngọt chịu lãi suất cao.

 

Để đảm bảo dư địa lãi an toàn cho các ngân hàng, khi tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% trong tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu lãi suất huy động không vượt 10,5%. Nhưng thực tế các ngân hàng đang đối mặt với cơn đói vốn quay quắt, giành giật huy động từ các kênh mà không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

 

Để khuyến khích người dân gửi tiền, ngân hàng nào cũng áp dụng các hình thức thưởng, khuyến mãi và đẩy lãi suất huy động lên tới 12 thậm chí 13% một năm. Nếu cho vay cũng bằng mức này, ngân hàng cầm chắc lỗ vì vậy điều tất yếu là phải tìm cách thu phí để đẩy lãi suất cho vay cao hơn.

 

"Anh có thể cộng thêm tí chút trong khuôn khổ cho phép thì được. Nhưng thu phí theo kiểu vô lối, bắt ép người ta là không được. Tôi đã có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước rồi, một khi mức vênh lên đến 3-4% thì tình hình phức tạp rồi", ông Kiêm nói. Điều mà vị chuyên gia già trăn trở ấy là ngân hàng rủng rỉnh thu nhập cao trong khi cả nền kinh tế khó khăn, đã vậy lại còn tận thu doanh nghiệp.

 

Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, các nghị sĩ bàn nhiều tới việc nên hay không nên bỏ lãi suất cơ bản. Nếu tự do hóa lãi suất, ngân hàng và doanh nghiệp có thể thỏa thuận thay vì bị khống chế bởi mức trần không quá 150% lãi suất cơ bản hiện nay. Những người phản đối cho rằng nếu bỏ lãi suất cơ bản có nguy cơ tệ tín dụng đen lộng hành, ngân hàng thả sức áp lãi cao để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn lại quan niệm, chính việc can thiệp bằng lãi suất trần khiến thị trường tiền tệ méo mó, không phản ánh đúng cung cầu về vốn. Một khi tất cả đều được vay với lãi suất như nhau, sẽ khiến việc phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. Chuyện các ngân hàng lách luật cho vay lãi suất cao như hiện nay cũng có một phần nguyên nhân là bị khống chế lãi suất trần.

 

Chính ông Cao Sĩ Kiêm khi đó cũng ủng hộ bỏ lãi suất cơ bản, bởi nếu kéo dài ngân hàng sẽ bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, ông cho rằng tự do hóa lãi suất khi kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nếu không kiểm soát tốt sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào chỗ chết.

 

Câu chuyện lãi suất cơ bản vẫn chưa đến hồi kết. Và chuyện doanh nghiệp phải chịu những khoản phí vô lý ngoài lãi suất cũng chưa có lối thoát. Ngân hàng sẽ sớm đánh mất hình ảnh của mình trong cộng đồng kinh doanh và xã hội nếu vẫn còn kiểu cho vay như vậy.

 

Bài học ở Mỹ còn đó, tội lỗi của một số ngân hàng gây ra khủng hoảng đã khiến người dân mất niềm tin với cả cộng đồng doanh nghiệp. Khi niềm tin đã hết, ngân hàng cũng chẳng còn cơ hội thanh minh tôi không muốn lách luật mà bị ép làm như vậy.