Tính đến gần cuối tháng 10, dư nợ tín dụng chứng khoán của toàn hệ thống là gần 12.000 tỷ đồng.

Tính đến gần cuối tháng 10, dư nợ tín dụng chứng khoán của toàn hệ thống là gần 12.000 tỷ đồng.

Ngân hàng khép dần tín dụng cầm cố

(ĐTCK-online) Không chỉ vì chủ trương kiểm soát chặt tín dụng cá nhân, nhất là cầm cố, kinh doanh chứng khoán, kể cả tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mà trong bối cảnh sức ép huy động vốn ngày một gia tăng hiện nay, hầu hết ngân hàng đang khép dần cửa tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán bên cạnh tiêu dùng và bất động sản. Đặc biệt là khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 10 đã đạt 33%, vượt qua mức kiểm soát cả năm là 30%.

Ba quý đầu năm 2009, khi thị trường cổ phiếu hồi phục, kéo theo nhu cầu vốn của NĐT gia tăng, các ngân hàng đã tranh thủ tái kết hợp với CTCK để triển khai tín dụng cầm cố chứng khoán, ứng tiền ngày T… Thế nhưng, vay vốn cầm cố chứng khoán hiện không còn dễ như trước.

CTCK Âu Việt (AVSC) cho biết, dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán kết hợp với hai ngân hàng quốc doanh triển khai hỗ trợ NĐT đã phải tạm ngưng kể từ cuối tháng 10. Trong khi 9 tháng trước đó, NĐT mở tài khoản tại AVSC có thể mượn vốn của các ngân hàng này với lượng tín dụng lớn để kinh doanh thông qua hình thức cầm cố cổ phiếu.

TrustBank cho biết, sau khi mua 11% cổ phần của CTCK Đại Việt (DVSC), TrustBank có kế hoạch dành khoảng 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho NĐT mở tài khoản tại DVSC thông qua hình thức cầm cố, thanh toán..., nhất là khi “room” cho vay vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương của Trustbank là không đẩy mạnh tín dụng nên tín dụng cầm cố chứng khoán cũng được hạn chế.

Một số ngân hàng khác như ACB, ABBank, DongA Bank… cho hay, với tín dụng cầm cố chứng khoán, không chỉ đến thời điểm này, mà chủ trương ngay từ đầu năm đã là hạn chế. Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, ABBank, cho biết, với tín dụng cầm cố chứng khoán, mặc dù có triển khai, nhưng chỉ cung ứng một số vốn rất nhỏ cho NĐT, với lãi suất phù hợp. Theo đại diện Vietcombank, Ngân hàng không có chủ trương đẩy vốn vào lĩnh vực này, kể cả với tín dụng bất động sản.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, tính đến gần cuối tháng 10, dư nợ tín dụng chứng khoán của toàn hệ thống là gần 12.000 tỷ đồng so với mức 6.880 tỷ đồng cuối năm 2008. Còn dư nợ cho vay tiêu dùng tăng từ 76.000 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 105.000 tỷ đồng tính đến nay.

Người đứng đầu NHNN cho rằng, nếu so với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành thì dư nợ tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Song, trước áp lực huy động vốn gia tăng, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn và rủi ro đối với tín dụng cầm cố chứng khoán gia tăng khi TTCK gần đây điều chỉnh giảm, nên các ngân hàng đã khép dần cửa với sản phẩm cho vay này.