Ngân hàng tiếp tục thắng lớn

Ngân hàng tiếp tục thắng lớn

(ĐTCK-online)Sự “thăng hoa” của thị trường tài chính đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển thuận lợi cho các ngân hàng, trong đó đáng chú ý nhất là khối cổ phần đã có tốc độ tăng trưởng nhanh và gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Điều này được chứng minh qua kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm của các ngân hàng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) 7 tháng đầu năm nay đạt lợi nhuận trước thuế lũy kế xấp xỉ 364 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Techcombank đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng trên 900 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2007 và tăng tương đương 43% so với đầu năm 2007. Doanh thu lũy kế đạt 1.348 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khu vực dịch vụ đạt 103,6 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ dịch vụ thanh toán quốc tế đạt lũy kế gần 42 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn huy động của Techcombank trong 7 tháng đầu năm đạt 22.575 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2007 và tăng tương đương 49% so với đầu năm 2007. Trong đó, huy động từ khu vực dân cư tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn huy động, đạt 10.873 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Huy động từ khu vực dân cư tăng trưởng tốt một phần nhờ vào các chương trình chăm sóc khách hàng, đặc biệt là chương trình tiết kiệm dự thưởng “Gửi Techcombank, trúng Mercedes” đã thu được thành công ấn tượng với việc huy động gần 1.000 tỷ sau 1 tháng triển khai. Dư nợ tín dụng trong 7 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt 12.430 tỷ đồng, tăng khoảng 41% so với thời điểm đầu năm 2007. Tính đến cuối tháng 7/2007, Techcombank có hơn 100 điểm giao dịch trên cả nước. Đại diện Techcombank cho biết, đây là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng trong bối cảnh các ngân hàng cổ phần đang cạnh tranh gay gắt về mạng lưới hoạt động.

Ông Trần Hoàng Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Ngân hàng TMCP Việt Á (VABank) cho biết, kết quả hoạt động của VABank trong 7 tháng đầu năm rất khả quan: đạt 132,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp đôi so với cả năm 2006 và gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 79% kế hoạch cả năm. VABank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng. Nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép, dự kiến, đến cuối tháng 8 này, VABank sẽ thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

“Thắng” lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần 7 tháng đầu năm nay phải kể đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm của ACB ước đạt 1.000 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2006 (cả năm 2006 ACB đạt 680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Kế hoạch của ACB đưa ra trong đại HĐCĐ đầu năm là phấn đấu đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2007. Như vậy, việc ACB đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm là rất gần.

Kết thúc 7 tháng hoạt động đầu năm 2007, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng tài sản đạt 39.703 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm; tổng vốn huy động đạt gần 35.151 tỷ đồng, bằng 163% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt hơn 20.219 tỷ đồng, bằng 139% so với đầu năm. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt gần 715 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2006 và bằng 60% kế hoạch cả năm 2007. Trong 2 tuần đầu của tháng 8/2007, Sacombank đã đưa 4 chi nhánh mới vào hoạt động. Trong đó, đáng chú ý nhất là Chi nhánh Hoa Việt được thiết kế dành riêng cho người Hoa đang sinh sống và làm việc tại khu vực TP.HCM.

Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, Ngân hàng đã đạt được 344 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 7 tháng đầu năm, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 57% kế hoạch cả năm. Theo kế hoạch, trong năm nay, Eximbank phấn đấu đạt 607 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, theo ông Thiệt, với đà tăng trưởng như hiện nay, chắc chắn Eximbank sẽ đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Các chuyên gia ngành tài chính cho rằng, khả năng các ngân hàng đạt được mục tiêu lợi nhuận cho cả năm là hoàn toàn khả thi, bởi chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm, kết quả hoạt động của nhiều ngân hàng đã vượt cả năm 2006 và đạt trên 100% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh những thuận lợi, các nhà băng cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh để đối mặt với những khó khăn được dự báo sắp diễn ra khi có nhiều ngân hàng mới ra đời. Thị trường tài chính được dự báo sẽ có “làn sóng” sáp nhập và mua lại trong tương lai gần. Nếu các nhà băng quy mô nhỏ, yếu thế sẽ khó tránh được sáp nhập và mua lại bởi các tập đoàn lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng phải có sự chuẩn bị về năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên thị trường mở.