Tài chính - Ngân hàng: Lỗ hổng nhân sự

(ĐTCK-online)Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, nhất là khối thương mại cổ phần (TMCP), đang tác động mạnh đến thị trường nhân lực ngành tài chính.

Sự cạnh tranh về nhân sự giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt. Mặc dù các ngân hàng đã ra sức cải tạo về chế độ tiền lương, bán cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên, nhưng việc tìm người tài vẫn như “mò kim đáy biển”. Nguyên nhân chính là do cầu quá lớn so với nguồn cung của thị trường. Số lượng sinh viên được đào tạo về chuyên ngành tài chính - ngân hàng chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), nhân lực luôn là vấn đề “nhức đầu” đối với Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. ACB hiện có 89 điểm giao dịch trên cả nước và con số này sẽ tăng lên 113 điểm vào cuối năm nay. Nếu tính bình quân mỗi điểm giao dịch cần 20 nhân viên, thì từ nay đến cuối năm, ACB cần thêm xấp xỉ 500 nhân viên nữa cho 24 điểm giao dịch mới. Đó là chưa kể, theo kế hoạch, ACB dự kiến mỗi năm tăng thêm 10 - 20 điểm giao dịch mới. Như vậy đủ thấy nhu cầu nhân lực của ACB lớn như thế nào trong tương lai. “Tuyển dụng được nhân viên vào làm việc đã khó, giữ được họ còn khó hơn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang cần người tài như hiện nay”, ông Toại nói và cho biết, hiện các ngân hàng luôn phải đối mặt với nguy cơ mất người, với biên độ khoảng 10% trên tổng số lao động đang làm việc.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng trong tình trạng tương tự. Trước khi mở thêm phòng giao dịch hay chi nhánh mới, Ngân hàng phải mất gần nửa năm, thậm chí cả năm mới có thể tuyển dụng đủ nhân viên. Eximbank cũng đã phải tiến hành cải cách hệ thống lương, thưởng, đảm bảo mục tiêu giữ chân người tài và khuyến khích cán bộ, nhân viên cống hiến và gắn bó lâu dài với Ngân hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cán bộ Phòng Nhân sự Eximbank, cái khó nhất hiện nay là thu hút nguồn nhân lực cấp cao. Sự chuyển dịch của dòng nhân sự cấp cao giữa các ngân hàng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều cán bộ đang giữ chức trưởng phòng tại một ngân hàng này có thể chuyển sang làm việc tại một ngân hàng khác, với chức vụ giám đốc hoặc cao hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tập đoàn đang đua nhau xin phép thành lập ngân hàng, cộng với sự ra đời nhanh chóng của các công ty chứng khoán, nguồn nhân lực ngành tài chính vốn dĩ khan hiếm lại càng khó tìm kiếm hơn. Nhiều cán bộ ngành ngân hàng sẵn sàng chuyển sang công tác tại các công ty chứng khoán, với chức vụ cao hơn và mức lương, thưởng hấp dẫn hơn.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, nhiều ngân hàng đã đưa ra rất nhiều giải pháp riêng có. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) đã tiến hành xây dựng định hướng phát triển nguồn nhân lực, xây dựng quy trình tuyển dụng đào tạo, chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cho giai đoạn 2007 - 2010. Đội ngũ quản lý của HDBank luôn được củng cố và đào tạo theo hướng chuyên nghiệp. Còn ACB lại chú trọng đến việc tự đào tạo. Để chuẩn bị và cung ứng tốt nguồn lao động chất lượng cao, ACB mới đây đã chính thức triển khai thêm một trung tâm đào tạo nhân sự tại Vũng Tàu, bên cạnh trung tâm tại TP.HCM đã đi vào hoạt động. Ông Toại cho biết, bình quân mỗi khóa, ACB đào tạo hơn 100 cán bộ, công nhân viên. Tuy vậy, so với nhu cầu thực tế của Ngân hàng hiện nay, con số trên vẫn còn quá ít ỏi.

Bên cạnh đó, để nhanh chóng thu hút nguồn nhân lực, hầu hết các ngân hàng đã tìm cách liên kết với các trường đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã liên kết với Trường đại học Kinh tế TP.HCM trong đào tạo nhân lực. Qua đó, OCB mong muốn sẽ nhận được các sinh viên ưu tú của Trường vào làm việc. Không chỉ liên kết đào tạo, một số ngân hàng còn tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp với sinh viên đang theo học ngành tài chính - ngân hàng năm cuối để chào mời các cơ hội làm việc hấp dẫn.