Tiền tiết kiệm lại chuyển hướng

(ĐTCK-online) Tuy điều kiện tín dụng có khắt khe hơn, nhưng với ngân hàng lúc này, khách hàng cá nhân vẫn được chào mời.

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm VND trong những ngày qua, tiến sát trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hiện nay là 10,5%/năm, khiến một số người đặt ra câu hỏi, nguồn tiền đã chảy vào đâu và liệu thanh khoản của ngân hàng có mất cân đối? Bởi lẽ, vốn đầu tư ra nền kinh tế theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã sụt giảm so với tốc độ huy động vốn. Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ cho vay đối với chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, nhất là trung hạn đang chậm dần.

Các ngân hàng cho rằng, sở dĩ tăng trưởng dư nợ chậm lại là do phải điều chỉnh hoạt động cho vay để thực hiện chủ trương kiểm soát tín dụng của NHNN. Thế nhưng, lãi suất tiền gửi tiếp tục được ngân hàng điều chỉnh tăng và cuộc đua vẫn chưa ngừng. Đáng chú ý, hơn một tuần qua, nhiều ngân hàng đã đưa ra chương trình tặng thêm lãi suất cho khách hàng tiền gửi, với mức từ 0,3 - 0,5%/năm và tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn.

Bên cạnh đó, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đạt xấp xỉ 60.780 tỷ đồng và 1.700 triệu USD, bình quân đạt 12.150 tỷ đồng và 342 triệu USD/ngày. Trong đó, chủ yếu là các giao dịch có kỳ hạn ngắn. So với số liệu tuần trước, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần qua có xu hướng tăng đối với các kỳ hạn dưới 3 tháng và có xu hướng giảm đối với các kỳ hạn dài hơn. Cụ thể, lãi suất bình quân qua đêm là 7,38%/năm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 8,32 - 9,36%/năm.

Điều này cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn “khát” vốn, dù xu hướng tín dụng chậm lại. Khi được hỏi về tốc độ tăng trưởng dư nợ cũng như chiến lược phát triển tín dụng cá nhân, các ngân hàng cho biết, sẽ rất thận trọng ở những tháng cuối năm, nhất là với tín dụng cầm cố chứng khoán và bất động sản, nên không có chủ trương tăng lãi suất tiền gửi lên mức cao, nhằm tiết giảm chi phí đầu vào. Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, nguồn tiền tiết kiệm của người gửi tiền đang có dấu hiệu tái dịch chuyển sang các công cụ đầu tư có khả năng sinh lãi cao hơn như chứng khoán, bất động sản. Do đó, để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi lúc này, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất.

Trên sàn chứng khoán TP. HCM, giá trị giao dịch những phiên gần đây đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên, tăng gấp đôi so với mức trung bình khi TTCK điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Tuy không rõ nét như giai đoạn quý II, nhưng trên thực tế, nguồn tiền tiết kiệm đang có dấu hiệu dịch chuyển sang chứng khoán. Ngoài ra, với mức giá bất động sản như hiện nay, một số nhà đầu tư cũng muốn tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường này.

Thêm vào đó, dù không quảng bá rầm rộ về chiến lược đẩy mạnh phát triển, đồng thời cho biết sẽ “siết” chặt hơn tín dụng cá nhân, nhưng không ít ngân hàng tiếp tục mở rộng cho vay chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. Tuy điều kiện tín dụng có khắt khe hơn, nhưng với ngân hàng lúc này, khách hàng vay là cá nhân được chào mời, nếu có thu nhập ổn định từ tiền lương và khả năng trả nợ cao. Bởi thực tế, mức lãi suất thỏa thuận lên đến 16 - 17%/năm hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất đầu vào áp dụng mức cao nhất ở một số ngân hàng là 10,05 - 10,3%/năm.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình (ABBank), ông Đàm Thế Thái cho biết, hoạt động huy động vốn và cho vay vẫn diễn biến bình thường tại các ngân hàng. Thanh khoản hiện vẫn tốt và không có việc mất cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, ông Thái thừa nhận, so với tháng trước thì lượng tiền gửi của khách hàng có xu hướng chậm hơn và mức tăng không cao. Trước tình trạng này, các ngân hàng phải điều chỉnh tăng dần lãi suất huy động.