Tại các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng  người tiêu dùng vẫn dùng... tiền mặt

Tại các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng người tiêu dùng vẫn dùng... tiền mặt

Tín dụng tiêu dùng không tăng vì lãi suất còn cao

Cho vay tiêu dùng được “cởi trói” trước cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất thoả thuận. Nhưng tín dụng tiêu dùng, theo công bố của ngân hàng Nhà nước, trong năm tháng đầu năm vẫn không tăng.

“Chưa cần hỏi lãi suất bao nhiêu, khách hàng đã nói ngay rằng lãi suất còn cao lắm, chưa vay, rồi cúp máy”, một nhân viên chào tín dụng tiêu dùng của ANZ kể.

 

Theo ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của ngân hàng An Bình nói: “Tạm thời nhiều người trì hoãn các khoản tiêu dùng”.

 

Ông Bùi Tấn Tài, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của ngân hàng ACB cho biết, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng ở ACB giảm.

 

Khách trả nợ trước hạn

 

Theo ông Tài, trong khi nợ trung dài hạn được trả cuốn chiếu dần theo thời gian nên dư nợ giảm dần, thì các khoản vay tiêu dùng mới hầu như không tăng. “Khách hàng trả nợ trước hạn nhiều, tỷ trọng trả nợ trước hạn chiếm 5% trong tổng dư nợ cho vay của ACB”, ông cho biết.

 

Một ngân hàng còn cho biết, khoản trả nợ vay tiêu dùng trước hạn của ngân hàng này ước chiếm 40 - 60% tổng dư nợ. Một trong những nguồn trả nợ phổ biến là người dân có nguồn kiều hối.

 

Theo thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, tính đến tháng 5, dư nợ cho vay tiêu dùng đứng ở mức 122.000 tỷ đồng, không tăng so với đầu năm.

 

Một trong những nguyên nhân, theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, cho vay tiêu dùng có đặc trưng là lãi suất rất cao, và ngân hàng luôn “cài” hợp đồng tín dụng lúc nào cũng có lợi cho ngân hàng.

 

Hơn nữa, ở Việt Nam, người dân chưa có thói quen phổ biến vay ngân hàng để mua hàng hoá tiêu xài cho bản thân, mà chủ yếu là vay cư trú: mua nhà, sửa nhà. Với sức ép gia tăng lãi tiết kiệm, lãi suất cho vay tiêu dùng liên tục “đảo cánh”, khiến người đi vay không thể tính ổn định được con số tuyệt đối trả nợ trong thời gian dài 5 - 10 năm. Ngoài ra, cách tính lãi suất của nhiều ngân hàng khiến lãi suất có giảm, người vay cũng không hưởng lợi nhiều. Thí dụ, lãi vay được tính bằng lãi tiết kiệm 13 tháng cộng với biên độ 7%. Cho dù lãi suất tiết kiệm giảm, việc giữ nguyên biên độ 7% cũng là một gánh nặng.

 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản “đóng băng” lâu nay khiến các khoản vay này giảm đáng kể (người dân vay mua, sửa nhà được thống kê vào vay tiêu dùng).

 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, dư nợ bất động sản trong năm 2009 là khoảng 200.000 tỷ đồng, thì đến tháng 5, thông tin của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là 192.000 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, ghi nhận từ các công ty chứng khoán, đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư chứng khoán hầu hết là được công ty chứng khoán cung cấp, khoản cho vay vào đầu tư chứng khoán của ngân hàng tính đến tháng 5 chỉ có 14.000 tỷ đồng.

 

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, họ vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng cho vay chứng khoán. Điều này dẫn đến khả năng không còn chuyện vay chứng khoán núp danh nghĩa vay tiêu dùng như các chuyên gia từng đặt vấn đề trong năm ngoái – khi chứng khoán tăng nóng.

 

Ngoài ra, lúc lãi suất thoả thuận chưa được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn, người vay và ngân hàng đã “nguỵ trang” khoản vay là tiêu dùng để có thể vay kinh doanh. Khi lãi suất thoả thuận được áp dụng cho cả ngắn hạn và dài hạn, khoản vay sản xuất về đúng vị trí, cũng là lý do khiến các khoản vay tiêu dùng giảm.

 

Chờ giảm nữa

 

Ông Đàm Thế Thái cho rằng, với mức lãi suất cho vay cá nhân hiện nay ở ABBank giảm còn 15%/năm, việc chào mời một khoản vay mới không phải là dễ. “Người ta còn kỳ vọng mức lãi suất xuống nữa”, ông nói.

 

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5, lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại nhà nước giảm khoảng 1% so với tháng trước; 12,5 - 13% đối với khoản vay ngắn hạn, 14% đối với trung dài hạn. Khảo sát tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay dao động trong khoảng 15 - 16%/năm.

 

Theo ông Lê Thẩm Dương, lãi suất có xu hướng hạ sắp tới là chắc chắn, bởi Ngân hàng Nhà nước đang tăng cung tiền, đưa đến lãi suất liên ngân hàng giảm, kiểm soát tín dụng bất động sản… Điều này cộng với khuyến cáo “thanh tra” của Ngân hàng Nhà nước có tác động, khiến một số ngân hàng vừa nâng lãi suất huy động đã vội hạ trở lại.

 

Dù vậy, ông Lê Thẩm Dương bình luận, lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương quan với thu nhập khi thu nhập chưa được điều chỉnh theo mức lạm phát, nên tính ra gánh nặng lãi suất vẫn khó chịu nổi. Ông Bùi Tấn Tài ước, cho vay tiêu dùng trong thời gian tới còn tăng chậm.