Vàng, nợ xấu làm “nóng” nghị trường

Vàng, nợ xấu làm “nóng” nghị trường

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự đoán, Nghị trường Quốc hội đã “nóng” lên ngay từ đầu phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình ngày hôm qua (13/11), bởi hai vấn đề liên quan sát sườn đến khả năng hồi phục của nền kinh tế và quyền lợi người dân là quản thị trường vàng và xử lý nợ xấu.

Vàng, nợ xấu làm “nóng” nghị trường ảnh 1Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn ngày 13/11

 

Không bình ổn giá vàng

Có thể hình dung “độ nóng” của phiên chất vấn này bởi chỉ có 17/40 câu hỏi của các đại biểu được trả lời trực tiếp do phần tranh luận qua lại giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình và các đại biểu khá dài. Mặc dù kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội đã “ưu ái” vị tư lệnh ngành ngân hàng nhất về mặt thời gian.

Là người “mở màn”, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đặt câu hỏi trực diện: “Thời gian qua có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế, với trách nhiệm của mình, đề nghị Thống đốc cho biết biện pháp để xử lý?”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng hỏi thẳng: “Tại sao NHNN không tập trung vào quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu để tạo ra sự độc quyền?”.

Sau một hồi dẫn chiếu các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường vàng, Thống đốc cho rằng, trong rổ hàng hóa để tính chỉ số CPI không có vàng, Luật Giá quy định vàng miếng không thuộc diện đối tượng phải bình ổn giá. “Như vậy, rõ ràng là không có lý do để bình ổn”.

Không đồng tình với câu trả lời của Thống đốc, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng, cách làm của NHNN hiện nay tạo cảm giác không phải đang chống ‘vàng hóa’ mà là chúng ta đang tiêu diệt thị trường vàng. “Ngân hàng đã từng cam kết nếu giá vàng trong nước chênh với thế giới 400.000 đồng/lượng thì sẽ có biện pháp can thiệp, nhưng nay chênh đến 3 - 4 triệu đồng mà cơ quan quản lý vẫn làm ngơ”.

Tuy nhiên, ông Bình vẫn khẳng định: “Sẽ không có việc liên thông với giá vàng thế giới” với lý do, “nếu để giá vàng liên thông với giá vàng thế giới có nghĩa là chúng ta chấp nhận trở thành thị trường đầu cơ về vàng, cái mà chúng ta đang chống lâu nay và đã chống được”.

 

400.000 tỷ đồng chạy đi đâu?

Liên quan đến câu hỏi 400.000 tỷ đồng vốn ngân hàng chạy đi đâu khi đến tháng 10/2012, tăng trưởng huy động đạt khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ khoảng 3,36%, ông Bình cho biết, tại diễn đàn Quốc hội chỉ có thể cung cấp dữ liệu chỉ ra đích đến một cách tương đối, còn đại biểu nào quan tâm có thể đến NHNN để được “giới thiệu bảng cân đối của toàn ngành thì sẽ thấy rất rõ tiền vào, tiền ra, khoản nào mua mắm, khoản nào mua tép… rất đầy đủ”.

Nhiều đại biểu có chung ý kiến với đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) khi “xin Thống đốc cho biết thực trạng và nguyên nhân dẫn đến nợ xấu quá lớn của các ngân hàng? Lỗi tại ai? Trách nhiệm như thế nào?”

Thống đốc Bình trả lời ngay, hiện nay, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/9/2012 thì nợ xấu là 4,93%. Theo đánh giá của NHNN thì con số này nằm ở khoảng 8,82% tổng dư nợ. “Về con số nợ xấu, tôi xin báo cáo với các đại biểu Quốc hội là thực ra tốc độ tăng trưởng nợ xấu đã bắt đầu gia tăng nhanh chóng từ năm 2008. Nếu về tốc độ thì năm 2008 nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010 tăng khoảng 41%, đến năm 2011 tăng 64% và qua 10 tháng đầu năm nay thì nợ xấu tăng khoảng 66%”.

Liệt kê ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nhưng ông Bình nhấn mạnh, trách nhiệm lớn nhất là của các tổ chức tín dụng cho vay vốn.

“Để xử lý, thời gian vừa qua hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cơ cấu lại nợ sao phù hợp với thực trạng hoạt động của các DN”, ông Bình cho biết, nhưng cũng không quên khẳng định, muốn giải quyết được nợ xấu thì bản thân hệ thống ngân hàng không thể làm nổi, mà cần phải có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành và địa phương.

Thống đốc Bình cung cấp một con số cho thấy, tổng dư nợ tín dụng hiện khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, khoảng 73% dư nợ có tài sản đảm bảo và 27% không có tài sản đảm bảo. Trong số 73% nợ có tài sản đảm bảo thì lại có tới khoảng 66% là được đảm bảo bằng bất động sản.

“Nếu khai thông được thị trường bất động sản thì chúng ta có thể giải quyết được một khoản nợ xấu rất lớn”, ông Bình khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý thêm, vậy có hiện tượng các bộ, ngành và địa phương đang “nợ” DN hay không trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng nói chung và bất động sản nói riêng?

Thống đốc Bình cho biết, hiện tồn đọng xây dựng cơ bản khoảng 93.000 tỷ đồng và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương giải quyết vấn đề này. “Chỉ riêng việc tháo gỡ được ‘nút thắt’ 93.000 tỷ này thì đã tương ứng xấp xỉ 3% nợ xấu rồi”, ông Bình chia sẻ và chốt lại: “Tôi cho rằng, dưới sự chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Chính phủ thì chúng ta sẽ có khả năng giải quyết được một phần nợ xấu này để góp phần vào việc khai thông lại nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước trong năm 2012 và những năm tiếp theo”, Thống đốc Bình “chốt” lại.     

“Ba nguyên nhân dẫn đến hàng tồn kho cao” - Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương

Tôi cho rằng, hàng tồn kho cao có nguyên nhân thứ nhất là vấn đề quy hoạch đối với một số hàng hóa, sản phẩm trong thời gian vừa qua. Ví dụ như ngành sắt thép, xi măng..., việc xây dựng, ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch có những bất cập, giữa nhu cầu với bố trí sản xuất không đồng đều, cho nên dẫn đến tình trạng dư thừa. Đây là một điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước và trong công tác kiểm tra, triển khai quy hoạch.

Nguyên nhân thứ hai, đó là vấn đề dự báo. Công tác dự báo của chúng ta còn những hạn chế, thậm chí yếu kém, trong đó có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cảnh báo, khuyến cáo cho các DN nếu thấy tình hình có thể dẫn đến dư thừa, không tiêu thụ được sản phẩm.

Nguyên nhân thứ ba là vai trò của bản thân các DN cũng thiếu chủ động trong xem xét, trong cân nhắc, phân tích thị trường để kịp thời điều chỉnh sản xuất. Những nguyên nhân, lý do này đã tương đối rõ và trong thời gian tới cần phải tập trung để khắc phục, trong đó có chất lượng của quy hoạch, chất lượng quản lý nhà nước và chất lượng dự báo.