Việt Nam sẽ có tối đa 3 DN xếp hạng tín nhiệm

(ĐTCK) Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đến năm 2025, sẽ cấp giấy phép hoạt động cho tối đa 3 DN xếp hạng tín nhiệm, đến năm 2030, con số này tăng lên tối đa 5 DN. Hành lang pháp lý cho sự ra đời của loại hình DN này đã sẵn sàng, tuy nhiên đến nay, chưa có bộ hồ sơ đề nghị cho phép lập DN xếp hạng tín nhiệm nào được nộp lên Bộ Tài chính.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

DN có chuẩn cao được ưu tiên

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mà Bộ Tài chính soạn thảo, vừa được công bố lấy ý kiến, quan điểm phát triển loại hình dịch vụ hoàn toàn mới này tại Việt Nam được nhà hoạch định chính sách nêu ra là: phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phù hợp với điều kiện phát triển TTCK, thị trường trái phiếu trong nước, để nâng cao tính minh bạch của thị trường. Qua đó thúc đẩy huy động vốn thông qua TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT... 

Để được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, theo quy định tại Nghị định 88/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, DN, tổ chức đề nghị thành lập DN xếp hạng tín nhiệm phải thỏa mãn các điều kiện về vốn pháp định (15 tỷ đồng), năng lực, trình độ chuyên môn của tổng giám đốc, thành viên hội đồng xếp hạng tín nhiệm...

Câu hỏi được các bên quan tâm đặt ra là tại cùng một thời điểm, khi có nhiều DN nộp hồ sơ (đều thỏa mãn các điều kiện theo quy định) đề nghị cấp phép thành lập DN xếp hạng tín nhiệm lên Bộ Tài chính, thì cơ quan cấp phép sẽ ứng xử ra sao? Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các DN có điều kiện tốt hơn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác của đội ngũ chuyên gia phân tích và thành viên hội đồng xếp hạng tín nhiệm theo quy định, sẽ được ưu tiên trong quá trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Hướng ưu tiên như trên, theo nhìn nhận của các chuyên gia là hợp lý. Điều này sẽ đảm bảo cho những DN xếp hạng tín nhiệm đầu tiên ra đời, hoạt động đáp ứng các đòi hỏi cao về năng lực chuyên môn, nhất là các đòi hỏi về tính độc lập, khách quan, trung thực và minh bạch. 

“Món nợ” nhiều năm

Việc chậm ra đời DN xếp hạng tín nhiệm là “món nợ” được các DN, nhất là các thành viên thị trường trái phiếu thường xuyên nhắc đến tại nhiều diễn đàn thảo luận các giải pháp về thúc đẩy phát triển TTCK, thị trường trái phiếu DN.

Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chậm ra đời, đã khiến cho cả nhà phát hành chứng khoán lẫn các NĐT gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhà phát hành gặp khó trong xác định mức giá phát hành sao cho phù hợp với lợi thế hiện tại, cũng như triển vọng phát triển của DN, thì do không có cơ sở định mức tín nhiệm để tham chiếu, nên NĐT gặp khó khăn trong yêu cầu nhà phát hành phải thỏa mãn các điều kiện gì, nhất là về chi phí, để đảm bảo bù đắp được những rủi ro mà NĐT có thể gặp phải khi tham gia đầu tư vào các đợt phát hành chứng khoán của DN...

Đến nay, hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của DN xếp hạng tín nhiệm là Nghị định 88/2014 (có hiệu lực từ giữa tháng 11/2014) đã sẵn sàng, nhưng trao đổi với ĐTCK, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ chưa nhận được bộ hồ sơ lập DN xếp hạng tín nhiệm nào.

Bộ Tài chính hy vọng, sau khi dự thảo Quyết định được ban hành, sẽ có những DN, tổ chức đầu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập DN xếp hạng tín nhiệm lên Bộ Tài chính. Trên cơ sở quy hoạch số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, cũng như căn cứ các điều kiện thành lập DN xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính sẽ cấp phép cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này đi vào hoạt động.

Tin bài liên quan