Vốn lại ‘‘chảy’’ vào ngân hàng

Vốn lại ‘‘chảy’’ vào ngân hàng

(ĐTCK-ônline)So với sự khó khăn khi thu hút khách hàng ở thời điểm cuối năm 2006 và đầu 2007, hiện các ngân hàng đã “dễ thở” hơn trong việc huy động tiền nhàn rỗi của dân.

Nhiều ngân hàng cho biết, thay vì rút tiết kiệm để mua chứng khoán hiện nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại gửi vốn vào ngân hàng. Một phần là do thị trường cổ phiếu sụt giảm, cơ hội kiếm lời khó khăn, phần khác, trong thời gian gần đây lãi suất ngân hàng (cả VNĐ và USD) liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Hiện lãi suất VNĐ kỳ hạn 12 tháng áp dụng phổ biến tại các ngân hàng đã lên đến 9%. Một số nhà băng có quy mô nhỏ, vừa được chuyển đổi mô hình hoạt động từ nông thôn lên đô thị còn nâng lãi suất huy động lên hơn 9%/năm, đó là chưa kể đến các hình thức khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng để thu hút khách hàng.

Tính đến hết tháng 6/2007, tổng vốn huy động (lũy kế) của Ngân hàng An Bình (ABBANK) đạt hơn 6.670 tỷ đồng, tăng 211% so với cuối tháng 5 và tăng 361% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huy động từ các tổ chức kinh tế, cá nhân chiếm 83%, tương đương 5.565 tỷ đồng, tăng 230% so với cuối tháng 5 và tăng hơn 358% so với cùng kỳ năm 2006. Dự nợ 6 tháng đầu năm của ABBANK đạt hơn 2.503 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được kết quả trên, ABBANK đã có một quá trình cải thiện về sản phẩm tiết kiệm cũng như gia tăng lãi suất trước đó. Lãi suất của ABBANK hiện được xem là cao nhất trên thị trường, nhất là lãi suất USD. Hiện lãi suất USD kỳ hạn 10 và 11 tháng của ABBANK đạt tương ứng 5,38%/năm và 5,42%/năm, nếu khách hàng gửi từ 100.000 USD trở lên (mức lãi suất USD cũ của 2 kỳ hạn trên tương ứng là 4,65%/năm và 4,7%/năm). Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBANK cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu để tiếp tục tăng lãi suất nếu phù hợp. Theo lý giải của ông Khánh, Ngân hàng có kế hoạch dự trữ vốn, đáp ứng cho khách hàng khi nhu cầu tăng cao, chẳng hạn như dịp cuối năm nay. Mặt khác, hiện ngoài kênh hoạt động truyền thống là cho vay, các ngân hàng có nhiều cơ hội để đầu tư tài chính, đầu tư vào các dự án… Do vậy, Ngân hàng không quá lo ngại việc thừa vốn.

Ngân hàng Á châu (ACB) là một trong những ngân hàng cổ phần có tổng vốn huy động cao nhất hiện nay, hiện đạt 50.699 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay chỉ đạt 22.109 tỷ đồng. ACB phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 10% thị phần huy động, 5% thị phần cho vay của ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy thời gian gần đây, ACB chưa điều chỉnh lãi suất đầu vào nhưng dưới nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau, ACB đã nhanh chóng thu hút được người dân gửi tiết kiệm.

Do dư nợ tín dụng tăng nhanh nên Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã 2 lần tăng lãi suất USD và VNĐ kể từ đầu năm. Bên cạnh đó, Eximbank còn đưa ra các chương trình khuyến mãi như: gửi tiết kiệm trúng xe hơi, xổ số trúng vàng SJC… Tính đến 30/6, tổng vốn huy động của Eximbank đạt 16.463 tỷ đồng.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chỉ sau chưa đầy 1 tháng phát động chương trình “Gửi Techcombank, trúng Mercedes” kể từ ngày 1/7, đã huy động được trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực miền Bắc vẫn là địa bàn huy động truyền thống của Techcombank, chiếm 66% tổng vốn huy động (tương ứng với 663 tỷ đồng); khu vực miền Nam ở vị trí thứ hai, chiếm 26% tổng vốn huy động (266 tỷ đồng); khu vực miền Trung chiếm tỷ trọng còn lại.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn Techcombank, so với kế hoạch 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng thì tổng số vốn huy động trên 1.000 tỷ đồng qua chương trình trên trong một thời gian ngắn là một kết quả ấn tượng. Đánh giá về nguyên nhân thành công, ông Thắng cho biết, khách hàng rất quan tâm đến giá trị và tính hấp dẫn của quà tặng khi gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, lãi suất của sản phẩm hợp lý cũng là một yếu tố khiến khách hàng quan tâm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP. HCM cho thấy, tổng vốn huy động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, loại tiền gửi bằng VNĐ chiếm hơn hai phần ba. Tổng dư nợ của các ngân hàng đạt trên 288.000 tỷ đồng, tăng 25,4%. Theo đánh giá của đơn vị này, trong những tháng đầu năm, lãi suất VNĐ không biến động lớn và tăng chậm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự điều chỉnh tăng lại suất tại một số ngân hàng quy mô hoạt động nhỏ lại diễn biến quá nhanh.