Vốn ngân hàng tăng mạnh vào cuối năm

Vốn ngân hàng tăng mạnh vào cuối năm

(ĐTCK-online) Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2007, cũng là lúc để các ngân hàng TMCP chạy đua thời gian thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn đã thông qua tại ĐHCĐ đầu năm. Đáng ra, kế hoạch tăng vốn này của các ngân hàng phải được hoàn thành trong quý III hoặc đầu quý IV, tuy nhiên do diễn biến thị trường cổ phiếu sụt giảm, giá cổ phiếu liên tục trượt và mất điểm khiến nhiều ngân hàng e ngại việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn vì sợ hàng “dội” chợ, giá giảm.

Đến thời điểm này, kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng đã hoàn tất nhưng phải đợi sang tháng 11 mới thực hiện. VietA Bank là một trường hợp điển hình. Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 để tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng được Ngân hàng thông qua tại ĐHCĐ vào tháng 3/2007. Đến tháng 8/2007, kế hoạch tăng vốn của VietA Bank được NHNN chấp thuận và UBCKNN thông qua. Dự kiến, đầu tháng tới VietA Bank sẽ chính thức phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 1.250 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch năm 2007.

Mới đây, kế hoạch tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được UBCKNN phê duyệt và chuẩn bị triển khai việc phát hành 150 triệu cổ phiếu. SHB sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu 70 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/CP. Với mỗi cổ phần hiện hữu, cổ đông được mua 1,4 cổ phần phát hành thêm. SHB dự kiến, sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng vào năm 2008 để mở rộng hệ thống giao dịch của Ngân hàng lên 50 điểm, đầu tư 5 triệu USD vào hệ thống core banking và phấn đấu chia cổ tức từ 20% trở lên.

Là một trong những ngân hàng TMCP nông thôn vừa được chuyển đổi thành ngân hàng TMCP đô thị vào đầu năm 2007, Ngân hàng TMCP Miền Tây (Western Bank) cho biết, sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Western Bank cho biết, hiện kế hoạch tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng đã được NHNN chấp thuận và đang chờ xét duyệt của UBCKNN. Sau khi được phê duyệt, Western Bank sẽ thực hiện ngay kế hoạch trên, để đáp ứng đúng quy định của NHNN là kể từ năm 2008, vốn điều lệ của một ngân hàng cổ phần tối thiểu phải đạt 1.000 tỷ đồng trở lên.

Theo ông Sơn, Western Bank đang xây dựng kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK và dự kiến thực hiện vào đầu năm 2008. Hiện Western Bank có 18 chi nhánh và phòng giao dịch, dự kiến từ nay đến hết năm, con số này sẽ được nâng lên 30 và sẽ rải đều ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho biết, sau khi hoàn thành việc bán cổ phần cho đối tác nội vào cuối tháng 11 tới cùng với 2 quỹ đầu tư nước ngoài, Eximbank sẽ tiến hành xin tăng vốn lên 3.700 tỷ đồng vào cuối năm nay. Hiện vốn điều lệ của Eximbank đạt 2.800 tỷ đồng, với mức lợi nhuận trước thuế thu về 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) vào cuối năm nay đã được NHNN chấp thuận và đang quá trình chờ phê duyệt từ UBCKNN. VIB Bank cũng cho biết, sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng vào cuối năm 2007… Ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, để hỗ trợ ngân hàng trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh, những hồ sơ dưới 1.000 tỷ đồng luôn được hoàn thành sớm.

Điều khó đối với các ngân hàng trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn hiện chủ yếu từ phía UBCKNN. Vì ngân hàng là công ty đại chúng nên trước khi phát hành cổ phiếu phải được UBCKNN thông qua, không như trước đây chỉ cần NHNN xét duyệt. Lộ trình tăng vốn của các ngân hàng TMCP được NHNN đưa ra và áp dụng kể từ năm 2008, vốn điều lệ của một ngân hàng cổ phần tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng và tăng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Theo đánh giá của ông Hạnh, với kế hoạch tăng vốn nhanh như hiện nay, các ngân hàng không có kế hoạch phát triển và sử dụng đồng vốn cụ thể sẽ khó đảm bảo được lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Hạnh cũng thừa nhận, nếu không chuẩn bị cho tiềm lực tài chính ngay từ thời điểm này, các ngân hàng trong nước sẽ khó cạnh tranh được với ngân hàng nước ngoài trên sân chơi bình đẳng.