440.000 tỷ đồng và khoảng trống pháp lý

440.000 tỷ đồng và khoảng trống pháp lý

(ĐTCK-online) 440.000 tỷ đồng là tổng giá trị vốn hoá TTCK niêm yết tại sàn Hà Nội và TP. HCM tính vào ngày 1/11/2007. Con số này hiện tương đương với tỷ trọng trên 40% GDP và như vậy có thể nói, ngành chứng khoán đang ở trong thế vượt chỉ tiêu kế hoạch định lượng mà Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2010, đó là tổng giá trị vốn hoá TTCK đến năm 2010 phải đạt 50% GDP.

Tuy nhiên, bên cạnh con số này, dư luận đang nhìn thấy, nhiều vấn đề về chính sách đã quá chậm được ban hành, xử lý, trong khi câu chuyện thị trường cứ diễn ra hàng giờ, hàng phút và ở đó, khoảng trống pháp lý đang tồn tại như một nét vẽ lệch màu trong bức tranh sinh động về TTCK Việt Nam.

Đầu tiên, đó là sự thiếu vắng một văn bản pháp quy quy định về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên TTCK. Quyết định 238/2005/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2005 và cũng đã hết hiệu lực thi hành từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực (1/7/2006), nhưng đến nay vẫn là văn bản pháp lý cao nhất điều tiết tỷ lệ đầu tư của nhà ĐTNN trên TTCK. Với nhà đầu tư nội địa, việc kéo dài thời gian áp dụng của một văn bản đã hết hiệu lực không phải là chuyện quá ngạc nhiên, nhưng với các công ty chứng khoán, họ thật khó giải thích cho nhà ĐTNN về sự tồn tại của Quyết định 238 - một quyết định đã hết hiệu lực, nhưng vẫn được áp dụng trên thị trường.

Trong Hội nghị "Fund World Vietnam 2007" được tổ chức hôm 31/10 tại TP. HCM, trước những nhận định tốt đẹp về triển vọng TTCK Việt Nam với dự báo của ông Alex Hambly, Giám đốc điều hành Quỹ Prudential Việt Nam cho rằng, hiện có khoảng 4-5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp đang chờ đổ vào Việt Nam, đại diện UBCK đã bày tỏ những biện pháp mà Việt Nam sẽ thực hiện để thu hút dòng vốn này. Theo đó, UBCK sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của khối công ty chứng khoán, kiểm soát chặt việc công bố thông tin của DN niêm yết và tái cấu trúc thị trường để tạo sự phát triển độc lập cho các sàn giao dịch… Khách quan mà đánh giá, những giải pháp mà UBCK nêu ra quá căn bản, lúc nào cũng cần phải thực hiện vì sự phát triển chung của thị trường, còn để thu hút dòng vốn nước ngoài thì lại cần những thông điệp khác. Trong hầu hết các bản chào mời khách hàng nước ngoài của khối CTCK, đầu tiên là giới thiệu về khung pháp lý, phạm vi đầu tư của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam, sau đó mới đến môi trường đầu tư và triển vọng của các DN Việt. Nói vậy để thấy rằng, nhà ĐTNN đề cao khung pháp lý như thế nào, trong khi khoảng trống pháp lý mà "hậu Quyết định 238" để lại đã tồn tại quá lâu (gần 1,5 năm), vẫn chưa thấy hướng giải quyết.

Chưa hết, trên thị trường cổ phiếu chưa niêm yết, Quyết định 36/2003/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2003 hướng dẫn Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (Luật này đã hết hiệu lực từ 1/7/2006), nhưng hiện vẫn được thi hành. Theo đó, DN chưa niêm yết chỉ được bán tối đa 30% vốn cho nhà ĐTNN, thấp hơn mức 49% được phép bán cho nhà ĐTNN của DN niêm yết. Thực tế, UBCK từng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ nâng mức sở hữu của nhà ĐTNN trong DN chưa niêm yết lên 49%, tức là bằng với DN niêm yết, nhưng đã gần nửa năm kể từ ngày thông điệp của UBCK được truyền tải ra công chúng, dư luận chưa thấy có sự chuyển biến nào trong câu chuyện này. Bên cạnh đó, dự thảo về Quy chế hướng dẫn hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ của nhà ĐTNN trên TTCK cũng đã qua gần 1 năm soạn thảo, nhưng vẫn chưa được ban hành, trong khi theo cam kết của UBCK, những văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sẽ được hoàn chỉnh trước thời điểm Luật có hiệu lực (1/1/2007).

Báo chí hàng ngày đưa tin về lượng vốn nhà ĐTNN rót vào TTCK (hiện nhà ĐTNN nắm giữ khoảng 30% vốn tại sàn TP. HCM; 15% tại sàn Hà Nội); Chính phủ cũng đã chỉ đạo cần khuyến khích dòng vốn ĐTNN đầu tư dài hạn vào Việt Nam (tại Quyết định 128/2007/QĐ-TTg), còn các tổ chức tài chính lớn như HSBC, VinaCapital, DragonCapital, IndochinaCapital, MekongCapital, SSI, BVSC… đã và đang thực hiện những cuộc giới thiệu về TTCK Việt Nam để thu hút sự quan tâm của nhà ĐTNN. Với sự quan tâm và nỗ lực từ nhiều phía như vậy, tại sao chúng ta cứ tiếp tục để khuyết "phần gốc" - tỷ lệ đầu tư của nhà ĐTNN vào DN Việt Nam là bao nhiêu và dẫn chiếu từ văn bản nào?

Thứ hai, việc DN thực hiện phát hành riêng lẻ từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối đối với công chúng đầu tư nói chung, vì thực chất đây là một hình thức trá hình của phát hành đại chúng nhưng DN phát hành không phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Hình thức phát hành này vừa không phải công khai thông tin, vừa không phải chờ sự chấp thuận của UBCK, nhưng rủi ro lại đẩy về phía nhà đầu tư, những người bỏ tiền mua cổ phiếu. Phía UBCK cũng đã thừa nhận sự bất cập của hình thức phát hành này và đã bắt tay xây dựng một văn bản riêng để quản lý (dưới dạng Nghị định của Chính phủ), nhưng qua gần nửa năm nay, vẫn chưa có bản dự thảo nào được công bố để lấy ý kiến dư luận. Và khi chưa có văn bản điều tiết, nhiều DN đương nhiên chọn cách phát hành riêng lẻ để vừa dễ huy động vốn, vừa dễ "chia chác" với các đối tác. Bên cạnh đó, việc DN chào bán cổ phiếu cho CBCNV lại được UBCK dự kiến thắt chặt quá mức với quy định tổng lượng phát hành cho đối tượng này không vượt quá 5% vốn cổ phần đang lưu hành của DN với giá bán không được thấp hơn 40% giá thị trường. Dự định này từ khi công khai lấy ý kiến công chúng (tháng 7/2007) đến nay đã gần 5 tháng vẫn chưa thấy được ban hành...

Với vai trò là cơ quan trực tiếp xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, dư luận đang chờ đợi UBCK sẽ sớm thúc đẩy mảng công việc này, để tạo nền tảng cơ bản và thống nhất cho sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.