Hiện UBCK chỉ yêu cầu DN giải trình khi có báo cáo tài chính bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý

Hiện UBCK chỉ yêu cầu DN giải trình khi có báo cáo tài chính bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý

Báo cáo tài chính có “điểm đen”, nên tuýt còi doanh nghiệp

(ĐTCK) Báo cáo tài chính của DN niêm yết bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý, không nên coi là chuyện… bình thường, vì ẩn họa không ít rủi ro với giới đầu tư. Để tránh mối họa này cho NĐT, tổ chức kiểm toán đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên có giải pháp ứng xử với tình trạng này.

Nên phát tín hiệu cảnh báo

Do hạn chế trong tiếp cận thông tin về DN niêm yết, nên NĐT rất khó tiên lượng được mức độ “có biến” tại các DN niêm yết khi báo cáo tài chính (BCTC) bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý. Gặp những tình huống này, dù rất muốn, nhưng NĐT rất khó giải mã những điểm ngoại trừ, hoặc lưu ý mà kiểm toán nêu ra, bởi lãnh đạo DN tìm cách né tránh đề cập, hoặc trả lời theo kiểu tránh nói về bản chất của vấn đề. Trong khi đó, tại các kỳ ĐHCĐ, do DN không mời kiểm toán dự họp, nên NĐT không có cơ hội được nghe “chủ nhân” của các ý kiến ngoại trừ hoặc lưu ý giải thích. Điều này khiến NĐT đối mặt với không ít rủi ro.

“Có trường hợp, khi đối diện với những BCTC không ‘sạch’ này, NĐT chẳng biết làm gì…”, ông Quách Thành Châu, Phó tổng giám đốc Dịch vụ đảm bảo, Khối Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo, Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam nói.

Đó là ở góc độ giới đầu tư, còn với cơ quan quản lý, hiện cũng gần như chưa có biện pháp ứng xử tương xứng với những DN có BCTC bị đơn vị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý.

“Việc xử lý các DN có BCTC bị kiểm toán ngoại trừ hiện còn nhẹ. UBCK chỉ yêu cầu DN giải trình, nhưng như thế là chưa đủ, mà cần có biện pháp mạnh hơn…”, ông Châu cho hay và đề xuất, với những DN có BCTC bị kiểm toán ngoại trừ hoặc lưu ý, UBCK nên cân nhắc đưa các DN này vào diện cảnh báo, thậm chí là kiểm soát đặc biệt, để gia tăng áp lực minh bạch đối với các tổ chức niêm yết, qua đó giảm thiểu rủi ro cho cổ đông, NĐT, cải thiện tính bạch cho thị trường…

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng thông tin trên BCTC, giúp giới đầu tư dễ “đọc” được thông tin về sức khỏe DN, chuyên gia kiểm toán đề nghị, các chuẩn mực về kế toán và quy định về trình bày, thuyết minh BCTC nên được cơ quan quản lý khẩn trương điều chỉnh theo hướng làm rõ hơn, để DN thực hiện đầy đủ, nhất quán. Kèm theo đó cần có chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với các DN niêm yết không tuân thủ… 

Thông tin mập mờ, nên trói trách nhiệm lãnh đạo DN

Trong con mắt của giới đầu tư, tình trạng tổ chức niêm yết công bố thông tin mập mờ, hoặc công bố thông tin không kịp thời, không chính xác, đang diễn ra khá nhức nhối. Để khắc phục tình trạng này, UBCK cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để đưa ra các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu trong quá trình đang hoàn tất việc sửa đổi Thông tư 52/2012 về công bố thông tin trên TTCK.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kiểm toán, ông Châu cho rằng, để các thông tin mà tổ chức niêm yết công bố trong bản cáo bạch được kiểm chứng về tính chính xác, hợp lý và cập nhật, UBCK nên cân nhắc ban hành quy định chặt chẽ về vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo tổ chức niêm yết, đơn vị bảo lãnh phát hành, cũng như đơn vị kiểm toán báo cáo phát hành… Các cơ quan quản lý cũng cần thúc đẩy việc công bố thông tin về xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, các sự kiện bất thường xảy ra một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ.

Ngoài ra, UBCK cũng nên cân nhắc tiến tới đưa ra các quy định yêu cầu tổ chức niêm yết công bố báo cáo về hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, cũng như phương hướng khắc phục các điểm yếu còn tồn tại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, báo cáo kiểm soát nội bộ cung cấp cho giới đầu tư những thông tin hữu ích về đánh giá rủi ro liên quan đến cổ phiếu. Việc công bố các báo cáo này, sẽ thúc đẩy lãnh đạo DN chú trọng hơn trong việc khắc phục các điểm yếu trong hệ thống kiểm soát, giảm thiểu rủi ro sai sót hoặc gian lận.

Tin bài liên quan