Bước tiến dài về minh bạch “sức khỏe” CTCK

Bước tiến dài về minh bạch “sức khỏe” CTCK

(ĐTCK) Với hệ thống chuẩn mực kế toán mới mà Bộ Tài chính đang xây dựng, thông tin về hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ minh bạch vượt bậc so với hiện tại.

> Gỡ vướng cho chế độ kế toán trên TTCK

> Băn khoăn hệ thống công bố thông tin mới

> Công bố thông tin, nhìn từ quy chuẩn pháp lý quốc tế

> “Loạn mẫu” công bố thông tin sở hữu cổ đông lớn

“Không thể một mình một chợ…”

Đó là thông điệp được bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính nhấn mạnh khi chia sẻ về quan điểm xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) liên quan đến công cụ tài chính, tại Hội thảo “Xây dựng các chuẩn mực kế toán Việt Nam cho thị trường vốn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, do Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp tổ chức ngày 11/7. Hội thảo này còn tiếp diễn trong ngày 12 và 15/7, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, đại diện các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát...

Từ thông điệp trên, không khó nhận ra mạch tư tưởng cải cách khá triệt để, đưa các CMKT mới theo thông lệ quốc tế, nhằm minh bạch hơn hoạt động của khối tổ chức trung gian trên TTCK, nhất là các CTCK, được tiếp nối kể từ sau những tư tưởng cải cách trong quá trình xây dựng và ban hành Thông tư 198/2012 về chế độ kế toán áp dụng đối với quỹ mở và hiện tại là dự thảo thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK.

Bước tiến dài về minh bạch “sức khỏe” CTCK ảnh 1

Thông tin về hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn còn không ít điểm chưa minh bạch

Sở dĩ Việt Nam không thể kéo dài sự tồn tại một sân chơi riêng về CMKT cho thị trường vốn nói chung, chế độ kế toán cho CTCK nói riêng, bởi theo bà Hòa, thực tế này đang bộc lộ nhiều bất cập, thể hiện qua “3 không”: phản ánh không đầy đủ, không xác thực và không minh bạch đặc thù hoạt động của các đối tượng này. Hơn nữa, với thị trường vốn, TTCK, các cơ quan quản lý, các tổ chức kinh doanh hoạt động trong thị trường này giữa các quốc gia đang ngày càng phổ biến thông lệ: trao đổi và hiểu nhau bằng ngôn ngữ của CMKT quốc tế, chứ không thể kéo dài tình trạng “một mình một chợ” như Việt Nam. Thực tế cho thấy, khi có nhu cầu niêm yết, huy động vốn trên thị trường quốc tế, các DN đang phải tốn không ít chi phí và thời gian chuyển đổi báo cáo tài chính, cũng như các loại báo cáo khác được lập theo CMKT trong nước sang áp dụng các CMKT quốc tế.

Trong chuỗi hội thảo lần này, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe ý kiến của các thành viên thị trường đóng góp ý kiến cho 5 CMKT Việt Nam: chuẩn mực số 32 -Trình bày công cụ tài chính; số 39 - Ghi nhận và xác định giá trị; chuẩn mực số 7 - Công cụ tài chính: Thuyết minh; chuẩn mực số 13 - Xác định giá trị hợp lý; chuẩn mực số 9 - Công cụ tài chính; hướng dẫn chuẩn mực thuyết minh báo cáo tài chính Việt Nam số 19: “Phương thức thanh toán nợ tài chính bằng công cụ vốn”…

Điểm mới trong quá trình xây dựng hệ thống CMKT trên, theo bà Hòa, là Việt Nam sẽ cố gắng áp dụng 100% các quy định theo thông lệ quốc tế, thay vì cách làm trước đây là trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Cách làm này đối với hệ thống CMKT áp dụng đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là thị trường vốn cho thấy không phù hợp, bởi không phản ánh đầy đủ và xác thực thông tin hoạt động của các chủ thể hoạt động trong thị trường này.

Do hệ thống CMKT mới bắt buộc phải hạch toán biến động về tài sản theo giá trị thị trường, giá trị hợp lý, thay vì hạch toán theo giá trị sổ sách, hay theo phương pháp giá gốc, nên khi áp dụng các CMKT này, giá trị tài sản của các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ bớt “đẹp” đáng kể so với hiện tại. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các thành viên thị trường, hệ thống CMKT mới liên quan đến các công cụ tài chính, dự kiến sẽ được Bộ Tài chính dần ban hành và áp dụng từ cuối năm nay.

 

Minh bạch từ gốc

Thực tế cho thấy, các quy định về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK mới chỉ là quy định về hình thức, cách thực hiện và thời điểm thực hiện CBTT, chứ không phải là nội hàm của thông tin được công bố. Trong đó, ý kiến từ nhiều NĐT cho thấy, thông tin về hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn còn không ít điểm chưa minh bạch, chưa phản ánh đầy đủ và xác thực các giao dịch phát sinh, cũng như biến động tài sản...

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK, quan trọng là phải minh bạch từ gốc. Đó cũng chính là lý do mà Bộ Tài chính, UBCK đang khẩn trương nghiên cứu để ban hành hệ thống CMKT áp dụng cho thị trường vốn theo chuẩn mực quốc tế. Khi áp dụng các chuẩn mực này, sẽ tạo ra bước tiến dài về minh bạch thông tin của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như của cả các DN khác mà trong cơ cấu tài sản có nhiều công cụ tài chính, đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin ngày càng cao của thị trường.

Ông Long cho biết thêm, ngoài tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phương diện kỹ thuật áp dụng các CMKT, cơ quan quản lý sẽ học hỏi kinh nghiệm ứng xử của các thị trường quốc tế trước những thay đổi khi áp dụng hệ thống CMKT mới. Với định hướng này, Việt Nam sẽ áp dụng hệ thống CMKT mới có lộ trình hợp lý, để vừa gia tăng tính minh bạch cho thị trường, nhất là trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu TTCK đang được đẩy mạnh, đồng thời giảm thiểu những tác động không mong muốn cho thị trường.