Thị trường chứng khoán liên tục giảm sàn. Ảnh chụp sáng 25/5 tại sàn chứng khoán ACB

Thị trường chứng khoán liên tục giảm sàn. Ảnh chụp sáng 25/5 tại sàn chứng khoán ACB

Các nhà đầu tư mất niềm tin

Vì sao chứng khoán đỏ sàn liên tục? Vì chính sách thắt chặt tiền tệ, sản xuất khó khăn, bất động sản đóng băng...?

Giảm mạnh nhất từ hơn 2 năm qua

Trong phiên giao dịch ngày 25/5, tình trạng “bán tháo” vẫn tiếp tục diễn ra ngay từ đầu phiên giao dịch, khi hàng loạt cổ phiếu, đặc biệt là các mã blue-chips đã được “đổ” ra bán giá sàn, kéo theo các mã chứng khoán khác lao dốc. Tại sàn TP. HCM, kết thúc đợt 1, VN-Index đã giảm gần 14 điểm. Bước sang đợt 2, bảng điện tử lại gần như trống hoàn toàn phía bên mua, trong khi lượng cổ phiếu “quăng” ra bán giá sàn liên tục tăng lên. Đến khi đóng cửa, VN-Index chỉ còn 386,36 điểm, giảm thêm 16,23 điểm (tương đương 4,03%).

Đây được xem là mức giảm mạnh nhất từ hơn 2 năm qua trên sàn TP. HCM. Cùng với đó, HNX-Index chỉ còn 69,01 điểm, giảm thêm 2,87 điểm. Như vậy, tính từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ với 16 phiên giao dịch, VN-Index đã giảm tổng cộng hơn 100 điểm, từ 486,58 điểm xuống còn 386,36 điểm. HNX-Index cũng đã giảm tổng cộng 14,18 điểm kể từ đầu tháng 5 đến nay, từ 83,19 điểm xuống còn 69,01 điểm.

 

Quan sát diễn biến của thị trường, một số nhân viên môi giới cho rằng có vài mã cổ phiếu đến lúc phải giải chấp, trong khi đó, lực lượng “bắt đáy” vẫn chưa mạnh tay mua vào khiến áp lực giảm điểm vẫn duy trì.

Le lói hy vọng

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, yếu tố chính làm cho thị trường giảm sâu là từ sự bất ổn các công ty chứng khoán. Bởi nhiều công ty chứng khoán là “người trong cuộc” nhưng lại đang thua lỗ, mất vốn…, đang tìm cách bán công ty. Một số nhà đầu tư từ trước đến nay “dựa” quá nhiều vào các công ty chứng khoán, nay mất chỗ “dựa”, hoảng loạn và chán nản. Không ít nhà đầu tư bị buộc bán giải chấp cổ phiếu, phải chấp nhận lỗ lớn. Những nhà đầu tư còn lại thì không có nhiều kỳ vọng vào tương lai gần, dẫn đến hiện tượng rút tiền tại một số công ty chứng khoán trong những ngày gần đây.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán giải thích do chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài đã buộc các ngân hàng phải mạnh tay siết chặt dòng tiền cho vay đối với khu vực phi sản xuất, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản đã khiến các công ty chứng khoán gặp khó khăn, phải thu hẹp các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời phải gấp rút thu vốn. Khi thị trường giảm, áp lực giải chấp tăng lên khiến chứng khoán “rơi” là điều dễ hiểu.

Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, tâm lý lo sợ một số công ty bất động sản vỡ nợ là có thật. Điều này chắc chắn sẽ tác động xấu đến thị trường chứng khoán vì hai kênh huy động vốn này đã liên thông.

Thị trường tiếp tục giảm sâu hay sẽ dừng lại trong vài phiên tới tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, hành động của các công ty chứng khoán, ngân hàng và quan trọng nhất là thông tin tích cực liên quan các chính sách tiền tệ, lãi suất. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực có thể kỳ vọng cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán là chỉ số giá tiêu dùng của tháng 5 đã tăng chậm lại, thanh khoản của các ngân hàng đã ổn định hơn.

 

Chuyên gia tài chính Huy Nam: Cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Thời gian qua, sự phối hợp “chăm sóc” thị trường chứng khoán gần như là không có. Chứng khoán gần như bị bỏ rơi, không có động thái nào để trấn an, nếu có cũng rất ít ỏi. Chính sự im ắng này làm cho nhà đầu tư trong nước thất vọng, lo ngại liệu chứng khoán có được “trọng dụng” như những thị trường khác? Trong khi đó, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường này lại quá yếu.

Trên thị trường thế giới, sau đợt khủng khoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, đến nay, thị trường chứng khoán đã gần như hồi phục. Ở nước ta thì thị trường chứng khoán “ảm đạm” kéo dài. Vì vậy, Nhà nước phải định vị lại chỗ đứng cho chứng khoán. Cụ thể, Nhà nước nên có những động thái tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu để họ yên tâm. Thị trường chứng khoán cần được nhìn nhận đầy đủ là môi trường sinh lợi cho nhà đầu tư tài chính, chứ không chỉ là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.