Các sản phẩm phí linh hoạt lên ngôi

Các sản phẩm phí linh hoạt lên ngôi

(ĐTCK) Dòng sản phẩm liên kết đầu tư (chủ yếu là sản phẩm liên kết chung, có phí linh hoạt) cùng với sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chính là những sản phẩm chủ đạo trên thị trường nhân thọ năm 2011.

Đó là thông tin được bà Lê Thúy Bình, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam  ngày 20/3.

Với việc chiếm tỷ lệ 26% trong cơ cấu hợp đồng khai thác mới, dòng sản phẩm đầu tư (chủ yếu là liên kết chung) tiếp tục đà tăng trưởng trong khai thác mới, lấn át đà tăng của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.

Theo Bộ Tài chính, dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ lệ lớn trong số 40 sản phẩm bảo hiểm mới được phê chuẩn trong năm 2011. Bảo Việt Nhân thọ (BVNT) cho biết, sản phẩm liên kết chung của Công ty chiếm khoảng 50% doanh thu khai thác mới trong năm 2011.

Các sản phẩm phí linh hoạt lên ngôi ảnh 1

Trên thị trường, có thể kể ra một số sản phẩm liên kết chung tiêu biểu như An Phát Trọn Đời (BVNT), An Phúc Trọn Đời (AIA), An Khang Đắc Lộc Trọn Đời (Korea Life), Phúc Gia Trường Thọ (Manulife), Phú-Toàn Gia An Phúc (Prudential)…

Với kết quả đạt được trong năm 2011, cộng thêm linh hoạt phí, các DN bảo hiểm dự đoán, trong năm 2012, sản phẩm này sẽ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Ngoài ra, gói sản phẩm liên kết chung có thời hạn bảo hiểm ngắn ngày dành cho tổ chức sẽ là cơ hội để các DN triển khai. Mới đây nhất, ngày 12/3, BVNT đã ra mắt sản phẩm mới An Phát Bảo Gia, sản phẩm đầu tiên trên thị trường bảo vệ toàn diện ba thế hệ trong gia đình trên một hợp đồng bảo hiểm. BVNT kỳ vọng, sản phẩm này sẽ đóng góp 15% doanh thu khai thác mới trong năm 2012.

 

Linh hoạt phí

Linh hoạt phí được thể hiện ở việc khách hàng có quyền lựa chọn, thay đổi thời hạn đóng phí (10 năm, 15 năm, 20 năm), tùy thuộc vào khả năng tài chính; thay đổi định kỳ đóng phí (hàng năm, 6 tháng, hàng quý hoặc hàng tháng); thay đổi số phí bảo hiểm định kỳ và đặc biệt là có thể ngưng đóng phí bất kỳ lúc nào.

Theo ghi nhận của ĐTCK, hiện có không ít DN bảo hiểm áp dụng tạm ngưng đóng phí ngay từ những năm đầu tiên tham gia hợp đồng như An Khang Đắc Lộc Trọn Đời (đóng phí linh hoạt từ năm thứ 2), An Phát Trọn Đời, Phúc Gia Trường Thọ (từ năm 2)…

Với việc linh hoạt đóng phí, nhiều ý kiến cho rằng, khách hàng là người được hưởng lợi trước tiên, đạt được nguyện vọng về tài chính cũng như tâm lý không thích đóng phí bảo hiểm định kỳ quá lâu. Ngoài ra, giá trị tài khoản hợp đồng của khách hàng hoạt động linh hoạt với việc có thể rút tiền để chi tiêu cho các kế hoạch đột xuất. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm rủi ro được trừ dần vào giá trị tài khoản hợp đồng để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp khách hàng ngưng đóng phí một thời gian. Điều này sẽ giúp khách hàng được bảo vệ liên tục ngay cả khi tạm ngưng đóng phí. Nếu việc ngừng đóng phí quá lâu, dẫn đến giá trị tài khoản hợp đồng không còn đủ để trang trải chi phí bảo hiểm rủi ro, thì lúc bấy giờ hợp đồng của khách hàng mới hết hiệu lực.

 

Bất lợi cho DN?

Trao đổi với ĐTCK, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, lợi ích mà khách hàng được hưởng từ phí linh hoạt nêu trên đồng nghĩa với việc DN gặp bất lợi. Về phía DN bảo hiểm, khi giới thiệu dòng sản phẩm này đến khách hàng cũng thừa nhận đang gánh chịu rủi ro thay cho khách hàng khi cho phép áp phí linh hoạt.

Theo giám đốc kinh doanh của một DN bảo hiểm nhân thọ, khi áp phí linh hoạt, nếu lượng lớn khách hàng ngưng đóng phí, cho dù là báo trước, thì cũng đã khiến DN khó bề xoay xở cho hoạt động đầu tư sau đó. Đó là chưa kể, nếu áp phí linh hoạt ngay từ những năm đầu tiên, ngoài bất lợi cho DN về tổng thể, còn có thể gây xáo trộn trong hoạt động của các đại lý bảo hiểm, vốn đóng góp đáng kể cho doanh thu của DN.

 “DN bảo hiểm phải duy trì hoạt động đầu tư từ nguồn phí đóng của khách hàng tính đến thời điểm ngưng đóng phí và sau đó phải báo cáo với khách hàng theo định kỳ về hoạt động đầu tư này. Đối với sản phẩm liên kết chung, thì DN, chứ không phải khách hàng, sẽ là người chủ động hoạch định đầu tư, nhưng sau đó lại thụ động trong đầu tư”, vị giám đốc trên nói.

Tuy nhiên, vẫn có DN như Prudential lập luận rằng, việc tạm ngừng đóng phí của khách hàng một thời gian không gây bất lợi, nhất là với những DN không áp phí linh hoạt ngay trong những năm đầu, mà chỉ bắt đầu sau 5 năm. Bởi lẽ, khách hàng vẫn đóng phí bảo hiểm rủi ro để duy trì hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, đối với sản phẩm Phú-Toàn Gia An Phúc tại Prudential, khách hàng vẫn đóng phí bảo hiểm cơ bản (phí tối thiểu) trong 5 năm đầu tiên để hợp đồng có giá trị tài khoản hợp đồng đủ lớn để khách hàng được bảo vệ trong một thời gian dài. Hơn thế, do hợp đồng bảo hiểm là một kế hoạch dài hạn, nên khi đã đóng phí được 5 năm, đã tích lũy được giá trị tài khoản hợp đồng đủ lớn, thì khách hàng thường không dễ dàng bỏ hợp đồng, không bỏ kế hoạch tài chính đã tham gia.

Ông Lương Xuân Trường, Giám đốc định phí bảo hiểm BVNT chia sẻ, các DN như BVNT đã đo lường phần nào những thay đổi về đóng phí của khách hàng tham gia để đưa ra chính sách đầu tư phù hợp. Hơn thế, Quỹ liên kết chung của BVNT được quản lý một cách chuyên nghiệp bởi Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt, nên khách hàng có thể yên tâm ủy thác khoản tiền đầu tư cho Công ty.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, trong thời gian tới, cũng cần xem xét khả năng mở rộng sản phẩm liên kết đầu tư, bao gồm liên kết chung và liên kết đơn vị.