Cắt đường chứng khoán về quê…

(ĐTCK) "Thật không thể tin nổi, hôm nay đâu phải 1/4?", Giám đốc một công ty chứng khoán (CTCK), nơi có đến 50 đại lý nhận lệnh chứng khoán trên toàn quốc đã thốt ra như vậy khi lần đầu tiên nghe tin Quyết định 126/QĐ-BTC chính thức buộc các CTCK đóng cửa đại lý nhận lệnh sau 1 năm kể từ ngày có hiệu lực. "Làm luật là để cho người ta theo, chứ không nên làm luật để người ta… chết và càng không nên làm luật để buộc người ta phải lách", ông bức xúc nói.

 

Tường Vi

Một lãnh đạo CTCK khác cũng không nén nổi bất bình nói: "Chúng tôi bị "bỏ bom", khi cơ quan quản lý gửi dự thảo Quyết định trên đến xin ý kiến, chúng tôi không thấy có điều khoản buộc CTCK phải đóng cửa đại lý nhận lệnh, sao khi ban hành lại có điều khoản này?", ông nói tiếp.

Đã lâu lắm rồi cánh báo chí mới ghi nhận một sự phản ứng mạnh và đồng loạt như vậy trong khối các CTCK trước một văn bản pháp quy hướng dẫn hoạt động trên TTCK. Nỗi bức xúc này, theo nhiều CTCK, sẽ được thể hiện bằng văn bản để gửi đến cơ quan chức năng tìm giải pháp, chứ họ sẽ không im lặng tuân thủ.

Tại sao Quyết định 126 lại phải nhận sự phản ứng mạnh như vậy? Theo lý giải của người đầu tiên lập đề án "đưa chứng khoán về quê", thì đó là bởi việc cấm CTCK mở đại lý nhận lệnh không chỉ ngăn cản sự phát triển của CTCK, của TTCK, mà còn đi ngược với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, nhất là cổ phần hoá các DN vùng sâu, vùng xa. Ông cho biết, công ty ông theo đuổi ý tưởng "đưa chứng khoán về quê" không phải là để thu mấy đồng phí môi giới của người dân quê, mà muốn nhắm đến 2 mục tiêu lớn hơn, đó là hỗ trợ các DN địa phương cổ phần hoá và góp phần mang đến những dịch vụ tài chính tiện ích cho người dân xa trung tâm. Đã 5 năm kể từ ngày ý tưởng trên đi vào thực tế, riêng tại Công ty ông, số nhân viên làm việc tại các đại lý nhận lệnh hiện lên đến trên 200 người, còn số tài khoản mà người dân mở qua các đại lý này thì nhiều lắm. Ngoài công ty này, vài chục CTCK khác những năm qua cũng đã đầu tư mạnh về con người, công nghệ để mở hàng loạt đại lý nhận lệnh, phát triển mạng lưới khách hàng, nhất là các CTCK có hệ thống chân rết là ngân hàng mẹ tại các địa phương.

Buộc CTCK đóng cửa đại lý nhận lệnh không rõ lý do, CTCK đã khổ, nhưng khổ hơn là những người dân đã mở tài khoản và giao dịch qua các đại lý này. Hàng vạn người dân quê đang sở hữu lượng cổ phiếu nhất định, nếu xoá bỏ đại lý nhận lệnh, họ biết giao dịch ở đâu? Internet, nếu có, cũng chỉ giải quyết được một phần việc đặt lệnh, còn các dịch vụ khác mà người dân xa trung tâm cũng đáng được nhận như tư vấn, hỗ trợ đầu tư…, sao nỡ "cắt" của họ? Vẫn biết đây đó có những đại lý nhận lệnh "có vấn đề", nhưng không thể vì vài "ổ voi, ổ gà" như vậy mà xóa sổ cả một con đường mà nhiều CTCK đã bỏ nhiều công sức, tiền của khai phá.

Dư luận mong chờ sự lắng nghe và thấu hiểu của người làm luật. Một quy định mới, với điều kiện khắt khe hơn, chế tài chặt chẽ hơn để quản các đại lý nhận lệnh, vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động thị trường, vừa ủng hộ các đơn vị làm ăn bài bản, có hơn không việc cấm hẳn như trên?