Nhu cầu vay cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư không hề giảm trong thời gian qua.

Nhu cầu vay cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư không hề giảm trong thời gian qua.

Cho vay cầm cố chứng khoán: NHTM quốc doanh vào cuộc

(ĐTCK-online) Việc khống chế dư nợ cầm cố chứng khoán theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang làm nhiều ngân hàng cổ phần đau đầu vì đã mạnh tay “bơm” vốn cho nhà đầu tư trước đó.

Tuy nhiên, với các ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD), đây lại là một trong những thuận lợi để phát triển vốn đầu ra. Nguyên nhân, dư nợ cầm cố của khối NHTMQD trong cho vay cầm cố vẫn chưa sử dụng hết. Vả lại, dư nợ của khối NHTMQD lớn hơn khối ngân hàng cổ phần, nên 3% trên tổng dư nợ là rất lớn, có khả năng đáp ứng được nguồn vốn cho giới đầu tư kinh doanh chứng khoán. Hiện các NHTMQD đang mở hầu bao để phát triển dịch vụ tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán và đẩy mạnh vốn cho nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh TP. HCM cho biết, lâu nay VCB vẫn chưa chú trọng và quan tâm nhiều đến dịch vụ tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán. Thực tế, Ngân hàng chỉ cho nhà đầu tư vay vốn bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh khác, chứ không phải tái kinh doanh cổ phiếu. Hiện dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của VCB vẫn hoàn toàn bằng không.

Nhưng gần đây, VCB có kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng sản phẩm cho vay cầm cố chứng khoán, dự kiến Ngân hàng sẽ chính thức triển khai sản phẩm này trong tháng 11 tới. Theo ông Hào, cho vay cầm cố chứng khoán là một loại hình tín dụng phát triển tốt và đầy tiềm năng trong tương lai khi TTCK ngày càng phát triển và đi vào ổn định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa dịch vụ tín dụng cầm cố chứng khoán không có rủi ro đi kèm, do vậy VCB phải xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro vững chắc mới có thể tính đến việc triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh TP. HCM, sau một thời gian tạm ngưng cho vay cầm cố chứng khoán (từ giữa năm 2006 đến hết quý II/2007), đã ký hợp đồng hợp tác với CTCK Agriseco - Chi nhánh TP. HCM và CTCK Âu Lạc để phục vụ vốn cho nhà đầu tư trở lại. Theo Agribank - Chi nhánh TP. HCM, sau khi ký hợp đồng với 2 đơn vị trên, đã có nhiều CTCK xin hợp tác với mong muốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm vốn trong kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là nhu cầu vốn để mua một số cổ phiếu giá đang xuống mức khá thấp như hiện nay. Agribank - Chi nhánh TP. HCM cho biết, dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của Ngân hàng đang còn dồi dào và có thể nói là bằng không vì trước đó, đã ngưng cho vay cầm cố chứng khoán trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, trước mắt Agribank - Chi nhánh TP. HCM chỉ đáp ứng được nhu cầu của 2 CTCK nói trên.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đang cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa có sự chọn lọc và chỉ cho nhà đầu tư cầm cố  cổ phiếu niêm yết vay vốn, tái kinh doanh chứng khoán. Hạn mức cho vay chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/CP trong thời gian 6 tháng. Lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa tương đối thấp hơn so với các ngân hàng khác, chỉ với 1%/tháng.  

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vay cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư không hề  giảm trong thời gian qua khi giá cổ phiếu sụt giảm. Giám đốc một CTCK tại TP. HCM cho biết, những ngày gần đây, TTCK có dấu hiệu hồi phục và ấm dần trở lại nên nhiều nhà đầu tư đến hỏi về việc repo, trong đó một số nhà đầu tư đã tìm kiếm được vốn tại các NHTMQD. Theo các chuyên gia, tín dụng cầm cố chứng khoán sẽ phát triển theo sự tăng trưởng của TTCK, thị trường lên đến đâu, nhu cầu nhà đầu tư sẽ tăng đến đó. Hiện hầu hết ngân hàng cổ phần đã phải tạm ngưng cho vay cầm cố chứng khoán để điều tiết dư nợ xuống dưới 3% theo yêu cầu của NHNN. Theo quy định của NHNN, đến ngày 31/12, các ngân hàng phải điều tiết tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán xuống dưới 3%, trường hợp dư nợ cầm cố vượt 3% trên tổng dư nợ sẽ bị xử phạt.