Chuyện ghi ở chân Đền Bà Chúa gạo tiền

(ĐTCK-online) Chẳng biết các đồng nghiệp phía Nam đi xin lộc xin lá ở đâu, chứ với dân đầu tư chứng khoán xứ Bắc, Đền Bà Chúa Kho là địa chỉ luôn nằm trong tâm tưởng. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, hay cũng thử làm một chuyến vi hành, theo chân dân ấp “trứng” về với Kinh Bắc để viếng Đền Bà Chúa gạo tiền. Và với tình hình đầu tư khó khăn như năm qua và những nỗi ước vọng quá đỗi mong manh trong năm này, có lẽ xung quanh cái lẽ Vay - Trả cũng có khối chuyện để mua vui cho độc giả lúc trà dư tửu hậu ngày Xuân...

1. Trả

Hà Nội buổi đầu năm, cái rét vẫn còn tê người. Không khí như đặc quánh lại, ném vào mặt từng đám người xo dúi trên đường những nắm buốt giá ghê răng. Thế nhưng, cái ý thức trả nợ siêu nhiên vẫn đủ sức kéo đám bạn đầu tư của tôi rời khỏi chăn ấm nệm êm để trực chỉ Kinh Bắc mà xuất hành đầu năm. Mà chả cứ gì dân chứng khoán, có lẽ năm rồi đất Việt ta có nhiều ngành làm ăn được, nên mới sáng ra mà đã thấy ngựa xe như nước, áo quần như nêm đổ về trảy hội Bà Chúa. Dọc đường đi, tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh các bà, các mẹ đứng bán đèn nhang ven đường giá rét: tay vẫn vẫy khách mua hàng, mà mắt lại nhắm nghiền như vô thức. Cậu bạn ngồi sau mới đùa rằng, sao mà giống hình ảnh của thị trường chứng khoán năm qua: lần mò mãi chẳng thấy đường tiến mà vẫn vẫy gọi người người đầu tư đổ tiền đổ của(!).

Khách đến Lễ hội Vay - Trả quả thật đa dạng. Chẳng cần để ý kỹ cũng thấy, Lễ hậu nhất vẫn là mấy vị mang dáng vẻ của quan chức “biển xanh”: vàng ròng (bằng giấy bạc) chất cả mâm, giò chả hàng gánh nặng. Chắc năm qua lộc dân, lộc nước cũng không đến nỗi tồi! Hẻo hơn một chút có lẽ là mấy bác doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ. Năm rồi, kinh tế vẫn trên đà tiến nhưng lạm phát hơi cao, nên có lẽ dân tình cũng ngại xuống tiền mua sắm chăng? Ngồi giữa sân gửi xe sửa Lễ đích thị là dân đầu tư chứng khoán nhà ta. Đoan chắc như thế bởi nhìn cái mặt có vẻ bần thần lắm. So sánh thì khập khiễng, nhưng các bạn cứ hình dung ra cái cảnh xin xỏ, hứa hẹn cả năm; nay lại đến xin khất nợ và đòi vay thêm thì phong thái kém vẻ tự tin thế nào... Lân la lại gần thì  được biết, đây chính là nhóm tuổi trẻ tài cao, chuyên lướt sóng đã được vinh danh trên báo chí thủa còn hoàng kim. Một anh bạn tự nhận là dân đầu tư chuyên nghiệp (vì đã bỏ việc cơ quan để chuyên tâm dành cho mối tình chứng khoán) tâm sự: “Xuân này, anh em thân hữu hầu hết đều ăn Tết buồn. Số lãi năm trước của em chẳng những đã không cánh mà bay, giờ đang âm cả vốn! Cuối năm thì ngại về nhà gặp vợ, giờ ngại diện kiến Bà Chúa Kho. Mà bây giờ không lên trả lễ, nói dối cả thánh thần thì tiệt đường làm ăn bác ạ”. Ngày Xuân, chẳng biết động viên thế nào, tôi đành an ủi: thôi, thua keo này ta bày keo khác. Các cụ chả bảo còn da lông mọc, còn chồi nảy cây mà. “Thì vẫn biết thế. Nhưng hết da, thị trường ngoạm cả vào thịt em rồi bác ạ”!

Nói gì thì nói, đến lúc hữu sự mới biết, phụ nữ vẫn là người lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Một cô mặt hoa da phấn bên cạnh vẫn miệng nói, tay làm: “Các bác có thừa nhận, cái gì thắng lắm thì rủi ro nhiều không? Kinh doanh gì mà chả có thua, có thắng. Mấy vị này cứ than thở thua lỗ, làm dông hết cả chuyến xuất hành. Em thì đã quyết, hôm nay lên trả lễ xong xuôi em lại vay tiếp, rồi về “cắm” sổ đỏ, tiếp tục trường kỳ kháng chiến”. Anh bạn đi cùng ghé tai tôi: “Em này, tôi nhẵn mặt ở sàn SSI. Đã từng trải qua 3 đời xe, từ BMW bây giờ chuyển xuống Atila đấy”!!! Quả là người có chí khí.

 

2.Vay

Đông nhất trong đám hội vẫn là sân lễ chính. Lễ nọ chồng lên lưng người kia, xì xụp khấn vái, chen vai thích cánh như xới vật ở hội làng. Xem ra, nhu cầu xin vốn ở âm phần cũng “nóng” chẳng kém lãi suất ngân hàng nơi dương thế! Tất nhiên, người đi vay nào chẳng muốn chứng quả lòng thành, nhưng cái sự vay mượn của dân chứng khoán cũng có cái khác người… Cậu bạn đi cùng tôi cũng biện lễ vay Bà Chúa Kho vài trăm triệu đồng. Hỏi sao vay ít thế, cậu ta thủng thẳng: “Có lẽ tôi cũng phải xin Bà Chúa đặt ra một cái 03 cho riêng dân đầu tư chứng khoán. Chứ cái kiểu thị trường và điều hành thị trường xanh vỏ đỏ lòng như cũ thì vay tiền với lại xuống tiền cũng ghê tay lắm ông ạ”… 

Rời đám dọn lễ trả nợ với vài niềm xót thương và nửa phần hy vọng, tôi rẽ sang mấy ông thầy viết sớ. Có lẽ phải gọi là mấy “anh” thầy mới đúng vì hầu hết mặt còn non choẹt. Chẳng biết trình độ Hán học được bao nhiêu, nhưng một ông thầy lắc đầu quầy quậy, nói với tôi: “Khoai nhất là viết sớ kêu cho đám đầu tư chứng khoán...???... Vay tiền thì ít, chỉ xin chính sách là nhiều. Thế, thế bác có biết cái Không Ba (có lẽ là Chỉ thị 03) là cái gì không, mà nhiều người xin tha thế? Rồi còn bao nhiêu chữ nghĩa loằng ngoằng nữa…”.

 

3.Vĩ thanh…

Trong câu chuyện tản mạn đầu Xuân, tôi lại chợt nghĩ lan man: tại sao vừa rồi các bác Nhà Đài làm “Gặp nhau cuối năm”, lại không dành chút thời lượng cho ông Táo Chứng khoán nhỉ? Cái hình ảnh ông Táo cưỡi xe đạp hai bánh HO và HA làm một chuyến viễn hành giật lùi lên nhà Trời kể cũng đáng đồng tiền bát gạo đấy chứ. Mà thật ra, với thân thể còm nhom vì trải qua mấy đận “tiêu chảy cấp” của Táo Chứng khoán năm qua, thì đi bằng phương tiện nào mà chẳng lên Trời đầu tiên. Biết đâu ở trên Trời, Táo nhà ta chẳng khéo miệng xin cho con dân đầu tư xứ mình khất nợ và vay thêm Bà Chúa Kho thì hay biết mấy!!  

Xem toàn bộ chùm bài "Văn hóa chứng khoán"