Khi TTCK Mỹ và châu Âu khởi sắc trở lại, khả năng dòng vốn nước ngoài sẽ được rót lại vào Việt Nam là rất lớn.

Khi TTCK Mỹ và châu Âu khởi sắc trở lại, khả năng dòng vốn nước ngoài sẽ được rót lại vào Việt Nam là rất lớn.

Cơ hội nào trên thị trường?

(ĐTCK) Vẫn có những cơ hội đầu tư nhiều triển vọng trong số 12 loại cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát tính đến thời điểm này; với toàn TTCK Việt Nam, cơ hội đầu tư tốt đang hiện hữu khi so sánh khi với các TTCK khu vực theo những chỉ tiêu tài chính cơ bản như PE, PEG…; làm thế nào để nhà đầu tư nội nhận diện được cơ hội tốt để đầu tư đón đầu khi dòng vốn ngoại quay trở lại... Đó là những nội dung chính được ông Kris Bartkus, người Mỹ, cử nhân kinh tế Đại học Harvard hiện là chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán Thăng Long chia sẻ trong buổi nói chuyện hàng tuần với các nhà đầu tư tại Công ty cuối tuần qua.

Nhận diện cổ phiếu bị kiểm soát

12 mã cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát đại diện cho 12 DN có kết quả kinh doanh không khả quan. Ngoại trừ BTC, lợi nhuận sau thuế năm 2008 của 11 công ty còn lại là số âm. Với cách tiếp cận vấn đề theo trường phái phân tích cơ bản dựa đơn thuần trên số liệu báo cáo tài chính mà các công ty công bố, tập trung vào những chỉ tiêu chính như triển vọng ngành, hệ số sinh lời, hệ số thanh toán nhanh (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn)…, phân tích của ông Kris chia 12 mã trên vào 3 loại: loại nên cẩn trọng đặc biệt khi đầu tư; loại có tính rủi ro cao và loại có triển vọng hồi phục cao. Loại nên cẩn trọng đặc biệt khi đầu tư gồm 4 mã là BBT, VTA, TRI và TYA. Đặc điểm chung của 4 loại cổ phiếu này là có hệ số thanh toán nhanh ở mức thấp, cá biệt như BBT, hệ số này chỉ ở mức 0,05, mức thấp nhất trong 12 mã trên và ở mức này, Công ty đang phải đối diện với nguy cơ phá sản. Một đặc điểm khác của nhóm này là tỷ suất lợi nhuận hoạt động cũng ở mức thấp, trong  đó TRI là một ví dụ. Mặc dù năm 2008, DN này có tỷ suất lợi nhuận gộp cao (21%), nhưng tỷ suất lợi nhuận hoạt động lại rất kém (-10% trong năm 2008; -50% trong quý IV/2008) cho thấy, việc quản lý của DN này là chưa hiệu quả.

Nhóm cổ phiếu có tính rủi ro cao gồm BTC, SAM, HAP, VHG, TPC và BHS. Những công ty này hoặc thuộc ngành có khả năng chịu nhiều rủi ro hoặc quá phân tán trong đầu tư nguồn lực hoặc đang thiếu một chiến lược đầu tư hiệu quả. Hiện nay, SAM có tỷ suất lợi nhuận thấp và ông Kris nhận định, nếu Công ty có chiến lược đầu tư đúng đắn số tiền nhàn rỗi hiện có thì SAM có khả năng thành công trong dài hạn.

Hai mã cổ phiếu được cho là có khả năng hồi phục cao là REE và PPC. Đây là những  mã có hệ số thanh toán nhanh ở mức tốt (2,8 lần với REE và trên 3 lần với PPC); ngành kinh doanh chính khá ổn định, việc thua lỗ trong năm 2008 là do hệ quả từ quá khứ (REE, do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho các khoản đầu tư từ những năm trước) hay do cách hạch toán theo chuẩn kế toán Việt Nam (PPC phải trích dự phòng biến động tỷ giá cho khoản vay khoảng 36 tỷ yên). Theo ông Kris, REE và PPC vẫn là sự lựa chọn tốt cho đầu tư dài hạn.

Sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam

Nhìn nhận chung về sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam, nghiên cứu của ông Kris chỉ ra rằng, kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) đến nay, giá cổ phiếu trên các thị trường thế giới đều sụt giảm, trong đó TTCK Việt Nam có vẻ bị "sốc" nhất và chính vì thế, đang trở nên hấp dẫn nhất. Lấy chỉ số P/E trung bình của các cổ phiếu blue-chip hoạt động trong 5 ngành cơ bản (điện, sữa, công nghệ, dược, xây dựng) làm căn cứ để so sánh. Theo đó, chỉ số này tại TTCK Việt Nam đã sụt giảm gần 40% - mức giảm cao nhất so với chỉ tiêu tương tự tại các TTCK của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ… kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ đến nay. Với mức giá hiện tại, Việt Nam là nước có PE thấp thứ hai (khoảng 10 lần), đứng sau Thái Lan (khoảng 7 lần) trong số các nền kinh tế khu vực châu Á. Chi tiết về các nghiên cứu này sẽ được đề cập trong bản báo cáo Thang Long Forecast công bố trong vài ngày tới.

Cũng theo ông Kris, hiện các công ty blue-chip hoạt động dựa chủ yếu vào nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam có chỉ số PE thấp hơn các công ty cùng ngành trong khu vực. Riêng với 3 công ty thuộc 3 ngành cơ bản là sữa, công nghệ thông tin và năng lượng là Vinamilk, FPT và PPC, chỉ số PE hiện thấp hơn chỉ số PE của các công ty cùng ngành và thấp hơn rất nhiều so với thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần nhận ra điều này và ông Kris cho rằng, đã đến lúc nhà đầu tư trong nước nên mua vào những cổ phiếu bị định giá thấp để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai.

Giải thích cho việc gần 1 năm qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam suy giảm mạnh, ông Kris cho rằng, Việt Nam thuộc loại thị trường mới nổi, nên khi thị trường toàn cầu chao đảo, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi những thị trường dễ biến động nhất, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam lại có lợi thế là chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, nên khi TTCK Mỹ và châu Âu khởi sắc trở lại, khả năng dòng vốn nước ngoài sẽ được rót lại vào Việt Nam là rất lớn.

Chuỗi phân tích của ông Kris dựa theo phương pháp phân tích cơ bản - một phương pháp phụ thuộc nhiều vào tính tin cậy của những số liệu tài chính mà DN công bố. Bình luận về vấn đề này, ông Kris cho rằng, ngay tại Mỹ, nơi có TTCK hoạt động lâu đời nhất, nơi những nguyên tắc cơ bản của TTCK được thực hành rộng rãi nhất thì vẫn xảy ra những vụ biến báo số liệu tài chính chấn động thế giới, như vụ ông trùm Madoff với cú lừa 50 tỷ USD, hay mới đây nhất là vụ tỷ phú Allen Stanford gian lận đầu tư 8 tỷ USD. Do đó, lời khuyên cho các nhà đầu tư Việt Nam là nên tìm đến các DN niêm yết được kiểm toán bởi những công ty uy tín. Trên nền hiện thực còn nhiều vấn đề về báo cáo tài chính của các DN, kể cả DN niêm yết, Công ty Chứng khoán Thăng Long đang chuẩn bị một chuyên đề riêng nói về các thủ thuật chế biến báo cáo tài chính - một trong số nhiều nỗ lực giúp nhà đầu tư có thêm kinh nghiệm để chọn lựa đầu tư tốt hơn.